Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam: một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề?

Du nhập một lý thuyết nào đó từ nước ngoài và vận dụng để nghiên cứu văn học Việt Nam là công việc bình thường trong hoạt động khoa học. Song dù bình thường thì khi du nhập và vận dụng, người nghiên cứu vẫn cần xem xét sự tương thích giữa lý thuyết với thực tiễn văn học; vì nếu không có sự xem xét đó, sản phẩm nghiên cứu sẽ chỉ là 'hư cấu chủ quan', chẳng hạn như việc gần đây một số tác giả sử dụng các khái niệm 'trung tâm', 'ngoại vi',… của Chủ nghĩa hậu thực dân làm công cụ lý thuyết nghiên cứu văn học Việt Nam…

Cuốn sách Thế giới thứ ba được một số người chuộng trích dẫn.

Cuốn sách Thế giới thứ ba được một số người chuộng trích dẫn.

NDĐT - Du nhập một lý thuyết nào đó từ nước ngoài và vận dụng để nghiên cứu văn học Việt Nam là công việc bình thường trong hoạt động khoa học. Song dù bình thường thì khi du nhập và vận dụng, người nghiên cứu vẫn cần xem xét sự tương thích giữa lý thuyết với thực tiễn văn học; vì nếu không có sự xem xét đó, sản phẩm nghiên cứu sẽ chỉ là “hư cấu chủ quan”, chẳng hạn như việc gần đây một số tác giả sử dụng các khái niệm “trung tâm”, “ngoại vi”,… của Chủ nghĩa hậu thực dân làm công cụ lý thuyết nghiên cứu văn học Việt Nam…

(Kỳ 1)

1. Ngày 25-12-2013, blog hieutn1979 đăng bài Ngoại vi như là nơi kháng cự của bell hooks do Hải Ngọc dịch; theo lời giới thiệu thì bell hooks là bút danh chủ ý không viết hoa của nữ học giả người Mỹ G.J. Watkins. Sau đó báo Văn nghệ Trẻ và một số website, blog đăng lại bài viết này. Chapeau bản dịch trên hieutn1979 có đoạn: “Việt Nam, thời gian gần đây, cặp khái niệm “trung tâm” - “ngoại vi” cũng thường xuyên xuất hiện trong các diễn ngôn phê bình. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều khái niệm khác, từ “ngoại vi” đã trở thành một thứ thời thường, được hiểu một cách dễ dãi và tương đối tùy hứng. Khi cái ngoại vi được nhắc đến như một thứ mốt (cũng như những từ như diễn ngôn, thi pháp…) thì đó cũng là lúc người ta nên nghi ngờ vào chính ngôn ngữ”. Dù đoạn văn như là một dẫn luận giúp dịch giả “nghiệm ra cái đáng sợ phổ biến trong những nghiên cứu văn hóa, văn học hiện nay chính là sự vô cảm” thì vẫn khiến nhớ tới các mode tri thức thi thoảng lại xuất hiện trong sinh hoạt học thuật ở Việt Nam.

Đó là loại tri thức mà trong khoảng thời gian nào đó, một số người trong giới khoa học rất hăng say trích dẫn, phổ biến, ca tụng rồi cũng nhanh chóng lãng quên, và nhanh chóng bị thay thế. Đó là khung cảnh ngày nào, một số tác giả hớn hở theo L. Vandermersch để ngó vào Thế giới Hán hóa ngày nay, cùng A. Toffler ngắm nghía Làn sóng thứ baSự thăng trầm quyền lực; về sau, hai mode này bị bỏ qua, thay vào đó là mode S. Hutington với Sự đụng đầu của các nền văn minh,mode nói theo F. Jullien và gần đây, mode đang thịnh hành là... Thế giới phẳng! Trong văn học cũng vậy, sau khi Liên Xô sụp đổ việc trích dẫn V.G Bielinski, A.I Ghersen, N. Secnysevski, M.B. Khrapchenko,… thưa thớt dần, và thay vào đó, lại thấy trích dẫn M. Kundera, M. Bakhtin, Y. Lotman, O. Paz, J. Derrida, U. Eco, R. Barthes…

Hơn chục năm nay, Thi pháp học lại như mode của giới nghiên cứu, phê bình văn học, kèm theo khá nhiều tiểu luận, công trình gắn với các khái niệm: thế giới nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người, nghệ thuật không gian, nghệ thuật thời gian… Về tình trạng nghiên cứu như đã trở thành công thức này, tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy tổng kết: “Với khuôn mẫu đề tài như“Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm A” thì sẽ có các chương “người kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu...”; khuôn đề tài“Dấu ấn hậu hiện đại trong tác phẩm B” thì sẽ có “giễu nhại, liên văn bản, mảnh vỡ”... Vẫn biết các thuật ngữ trên là những vấn đề cốt lõi, nhưng xác lập cấu trúc đề tài như thế là xuất phát từ lý luận (công cụ) chứ không phải từ đối tượng nghiên cứu (tác phẩm). Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu thường chọn một lý thuyết lý luận mới (càng mới, càng thời thượng càng tốt!) mà mình thích hoặc am hiểu, sau đó áp đặt chứ không phải là ứng dụng vào nghiên cứu tác phẩm văn học, không hề quan tâm tới sự tương thích của lý thuyết với thực tiễn văn học”!(1).

Dần dà, khi Chủ nghĩa hậu hiện đại, Chủ nghĩa hậu thực dân (có tác giả gọi là Chủ nghĩa hậu thuộc địa, Thuyết hậu thuộc địa…) được nhắc tới và cổ súy nhiều hơn, thì hình như Thi pháp học đã không còn giữ vị trí ưu thắng, và một câu hỏi lại nảy sinh: Phải chăng mode mới trong lý luận - phê bình văn học (khái niệm được sử dụng để chỉ quan hệ chặt chẽ giữa lý luận văn học, phê bình văn học trong một bối cảnh lịch sử cụ thể) đã ra đời?

Với Chủ nghĩa hậu thực dân, một tác giả coi đây không chỉ là lý thuyết nghiên cứu, mà còn là lý thuyết góp phần định hướng công việc sáng tác của nhà văn, vì: “Rõ ràng, có thể thấy hoạt động phê bình văn chương theo xu hướng hậu thuộc địa vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ với nhiều triển vọng tốt đẹp… Xin được nhấn mạnh, trong khi nhiều lý thuyết văn hóa - văn học đã được khai thác đến mức cạn kiệt, sự vận dụng thuyết hậu thuộc địa vào Việt Nam luôn là hướng nghiên cứu tiềm ẩn nhiều hứa hẹn tốt đẹp trên các lĩnh vực khác nhau chứ không riêng gì văn học…

Cùng với những hệ kiến giải tiên tiến khác, thuyết hậu thực dân/hậu thuộc địa có thể giúp người cầm bút vươn tới làm chủ được đối tượng sáng tạo”(2). Và từ khảo sát sự đa dạng trong các vấn đề, cách tiếp cận của “thực hành nghiên cứu Việt Nam hậu thực dân nói chung” và “những khả năng mà lý thuyết/nghiên cứu hậu thực dân có thể vươn tới”, tác giả khác cho rằng: “1. lựa chọn nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam là hợp xu thế và hợp quy luật; 2. các nghiên cứu hậu thực dân bổ sung những cách thức và kết quả khoa học khẳng định một số thành tựu nghiên cứu đã có, thậm chí ở một số trường hợp, cắt nghĩa được những vấn đề mà các phương pháp truyền thống tỏ ra chưa thuyết phục; 3. theo đó, là các khả năng mà lý thuyết và không gian bản xứ có thể tạo ra cho các nghiên cứu từ điểm nhìn của chủ nghĩa hậu thực dân. Nghiên cứu hậu thực dân, vì vậy, là một vấn đề mới mẻ và có ý nghĩa, có tính khả thi, hứa hẹn cho những suy tư lý thuyết cũng như những thực hành phê bình của người nghiên cứu”(3).

Qua các xác quyết như thế, căn cứ vào thực tế Việt Nam, liệu có thể tin Chủ nghĩa hậu thực dân là xu hướng nghiên cứu, xu hướng sáng tác “tiềm ẩn nhiều hứa hẹn tốt đẹp”, “hợp xu thế và hợp quy luật” hay chỉ là một mode mới trong phê bình, nghiên cứu văn học, hoặc một giả vấn đề? Nhất là khi gần đây, đã xuất hiện một số ý kiến phản biện, như Phạm Chi viết: “sau khi giành được độc lập, nếu Ấn Ðộ đã phải trải qua thời “hậu thuộc địa” thì Việt Nam lại không trải qua thời kỳ này. Tính chất cơ bản của một chế độ chính trị - xã hội mới (trong định hướng phát triển, khẳng định hệ giá trị và cách thức tổ chức xã hội, cùng vai trò là chủ thể xã hội của con người,...) đã được xác lập từ khi Việt Nam chưa giành được độc lập. Và sau khi giành được độc lập, dù còn một số “mảnh vỡ” của thời thuộc địa cần khắc phục, thì Việt Nam đã phát triển trên con đường hoàn toàn mới. Do đó, chủ nghĩa hậu thực dân không tương thích với hoàn cảnh riêng của Việt Nam, dù là thuộc địa cũ.

Nhưng một số nhà nghiên cứu (cả Việt Nam và nước ngoài) lại sử dụng “lăng kính” của chủ nghĩa hậu thực dân soi chiếu thực tế Việt Nam để “phát hiện” ra vô số vấn nạn xã hội, chính trị và văn hóa tương tự như Ấn Ðộ! Và đáng tiếc là các vấn nạn này lại trùng khớp với quan niệm, định nghĩa về các nước thứ ba trong học thuật phương Tây hơn là khớp với thực tiễn, đặc điểm, truyền thống của Việt Nam. Thêm nữa, khi đề cao ý kiến của các nhà lý luận chủ nghĩa hậu thực dân và một số tác giả nước ngoài sử dụng lý thuyết này để nghiên cứu Việt Nam, dường như họ đã quên rằng, các tác giả này đều làm việc tại một đơn vị học thuật thuộc một chính thể nhất định.

Dù khách quan thì phương pháp và nội dung nghiên cứu của họ vẫn chịu sự chi phối của chế độ xã hội mà họ là thành viên”(4). Còn Nguyễn Thị Tịnh Thy nhận xét: “Chẳng hạn lý thuyết “hậu hiện đại”, “hậu thực dân” đang được sử dụng để soi chiếu vào một số tác phẩm văn học Việt Nam một cách đồng đẳng như với các tác phẩm văn học nước ngoài mà tác giả các tiểu luận, công trình không hề cân nhắc có hay không (có ở mức độ nào) tâm thức hậu hiện đại, tâm lý hậu thực dân ở một dân tộc vừa “từ trong máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa” từ cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ - nhân dân, cách mạng giải phóng một cách triệt để như Việt Nam. Ðây là kiểu nghiên cứu “đẽo chân cho vừa giày”, đi ngược logic khoa học, bởi không xuất phát từ yêu cầu tự thân của đối tượng nghiên cứu là tác phẩm văn chương”(5).

Vậy tại sao, điều gì đã khiến cho Chủ nghĩa hậu thực dân được một số tác giả nồng nhiệt đón nhận, cổ vũ? Và cũng tại sao, điều gì đã khiến cho sự nồng nhiệt, cổ vũ ấy lại không được sự chia sẻ của một số tác giả khác?

2. Từ lịch sử của nó có thể khẳng định chủ nghĩa thực dân - với hai hình thức có tính chất tiếp nối là chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, chỉ là các hành động thích nghi lịch sử để đạt tới mục đích cuối cùng là bành trướng thế lực, nô dịch và lợi nhuận. Giữa thiên niên kỷ 2, với việc người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mở rộng, tăng cường các cuộc viễn chinh chinh phục thuộc địa, chủ nghĩa thực dân cũ đã manh nha ra đời, rồi nhanh chóng được “hợp thức hóa” qua một sắc lệnh do Giáo hoàng Alexander VI ban hành vào năm 1494. Với sắc lệnh này, Hiệp ước Tordesillas đã được ký kết, trong đó chia thế giới thành hai nửa: phía tây thuộc Tây Ban Nha, phía đông thuộc Bồ Đào Nha. Tất nhiên, đây là điều không thể chấp nhận với các nước Anh, Pháp, Hà Lan… Các nước này không chịu ngồi yên và đã hành động, để đến các thế kỷ sau, một toàn cảnh thế giới khác trước đã hình thành. Ở đó, nước Anh thống trị Bắc Phi, Ấn Độ; nước Pháp cai trị các thuộc địa ở Bắc Mỹ, ở Cựu thế giới (các vùng đất châu Âu, châu Á, châu Phi mà người châu Âu chưa biết tới trước cuộc thám hiểm của C. Columbus; Cựu thế giới cũng là khái niệm để phân biệt với Tân thế giới - châu Mỹ, sau phát hiện của C. Columbus). Rồi nữa là thuộc địa của Đức ở Đông Phi; của Ý ở Eritrea, Somalia, Libya. Và dù sinh sau đẻ muộn, nước Mỹ cũng kịp sáp nhập vào lãnh thổ của “chú Sam” các quốc gia và vùng đất như Cuba, Hawaii, Guam, Puerto Rico,…

Tuy nhiên, dẫu cố gắng thích nghi với các biến đổi của lịch sử thì rốt cuộc, chủ nghĩa thực dân vẫn đến lúc thoái trào. Sau năm 1945, chủ nghĩa thực dân cũ bắt đầu sụp đổ. Sự kiệt quệ vì Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thất bại trong các cuộc chiến tranh ở thuộc địa buộc Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,… phải trao trả độc lập cho nhiều nước, điển hình là việc Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ - thuộc địa chủ yếu và có giá trị nhất của Anh, từng được coi là “viên ngọc gắn trên vương miện”. Các nước đế quốc đã không thể tiếp tục duy trì vị trí bóc lột ở thuộc địa. Sự thức tỉnh về độc lập và quyền con người ở các dân tộc bị áp bức đã trở thành xu thế mạnh mẽ buộc các đế quốc phải thay đổi chiến lược. Một thời kỳ, sự thay đổi từ cai trị trực tiếp bằng quân sự hay chính trị sang sử dụng các phương tiện của chủ nghĩa tư bản toàn cầu mang tải một số giá trị phương Tây có thể giúp chủ nghĩa thực dânmới lũng đoạn kinh tế, văn hóa, thậm chí kiểm soát về chính trị,… từ đó thao túng, tạo dựng “bộ mặt” cho một quốc gia châu Phi, châu Á (thường là cựu thuộc địa của các nước lớn ở châu Âu) để gây sức ép mở cửa thị trường, thi hành các chính sách có lợi về kinh tế,… vẫn không che giấu được bản chất bóc lột. Như là tổng hòa của nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là sự phát triển ý thức về quyền tự chủ, là tính tất yếu của việc loại trừ hành vi chế áp dân tộc, sự ủng hộ của các nước XHCN,… đã đưa tới sự ra đời của phong trào giải phóng dân tộc từ các thập niên đầu thế kỷ XX, rồi nhanh chóng được khẳng định là xu hướng tất yếu của tiến trình nhân loại.

Dù đã sử dụng bạo lực để đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước, chủ nghĩa thực dân cũ, sau đó là chủ nghĩa thực dân mới, vẫn không thể ngăn nổi phong trào phi thực dân hóa phát triển ở các thuộc địa. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Algérie, phong trào phản kháng ở nhiều nước đã đưa đến sự kiện năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn về thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân, chính thức yêu cầu trao trả độc lập cho các nước, các dân tộc thuộc địa.

Tới những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, các khái niệm thuộc địa, nửa thuộc địa hầu như chỉ còn là đối tượng nghiên cứu hơn là thực tế hiện tồn. Dù tình trạng lũng đoạn đế quốc còn tồn tại dưới một số dạng thức khác nhau thì chủ nghĩa thực dân cũng đã đi qua thời oanh liệt. Nhưng, với lịch sử kéo dài mấy trăm năm, với sự bành trướng, tác động, ảnh hưởng tới hầu hết các lục địa, thậm chí trong một số trường hợp, chủ nghĩa thực dân còn giữ vai trò quyết định trong khá nhiều biến chuyển kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa ở một số nước,… nên khó có thể nói chủ nghĩa thực dân không để lại dấu vết ở một số quốc gia - dân tộc. Vấn đề còn phức tạp hơn khi điểm xuất phát của các nước trước khi bị thực dân hóa lại ở trong các trình độ khác nhau. Nếu trước khi người Anh đến Ấn Độ, người Tây Ban Nha đến Peru thì các nước này đã đạt nhiều thành tựu văn hóa - văn minh (như văn hóa - văn minh Ấn Độ, văn hóa - văn minh Inca); thì trước khi người Tây Ban Nha đến miền đất nay là Brazil, người da đỏ ở đây vẫn sinh sống theo hình thức bán du mục, chưa có chữ viết.

(Còn nữa)

NGUYỄN HÒA

-------------------------

1. Nguyễn Thị Tịnh Thy: Về một số bất cập trong phê bình, nghiên cứu văn học, báo Nhân Dân ngày 6-9-2013!

2. Thuyết hậu thuộc địa ở Việt Nam, đã đăng trên pqtrung.com.

3. Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam,đã đăng trêntonvinhvanhoadoc.vn.

4. Phạm Chi: Sự tỉnh táo và tinh thần phê phán trong tiếp nhận tri thức, báo Nhân Dân ngày 30.7.2013. (Về vấn đề này, nên tham khảo bài Một số vấn đề về lý luận diễn ngôn hậu thực dân của Benita Parry do Đỗ Văn Hiểu dịch từ bản tiếng Trung, đã đăng trên phebinhvanhoc.com.vn).

5. Nguyễn Thị Tịnh Thy - Tài liệu đd.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dien-dan/item/24856602-nghien-cuu-hau-thuc-dan-o-viet-nam-mot-nhu-cau-thuc-te-hay-mot-gia-van-de.html