Nghiêm cấm sử dụng SIM đa năng để đăng ký lại thông tin cá nhân

ICTnews - Thông tư 04 của Bộ TT&TT về quản lý thuê bao di động trả trước nghiêm cấm sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao và bắt buộc những thuê bao đăng ký thông tin không chính xác phải đăng ký lại nếu không sẽ bị cắt liên lạc.

Các thuê bao bắt buộc phải đến điểm giao dịch để đăng ký thông tin cá nhân. Ảnh: NT

ICTnews - Thông tư 04 của Bộ TT&TT về quản lý thuê bao di động trả trước nghiêm cấm sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao và bắt buộc những thuê bao đăng ký thông tin không chính xác phải đăng ký lại nếu không sẽ bị cắt liên lạc.

Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư số 04/2012 về Quản lý thuê bao di động trả trước có hiệu lực thi hành từ 1/6/2012. Theo đó, sẽ cấm sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác. Thông tư này cũng cấm kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao chưa đăng ký thông tin theo quy định và mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin; cấm tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước trái pháp luật và cấm mua bán, lưu thông, sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao, thiết bị có chức năng kích hoạt SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM.

Theo Thông tư 04, các chủ thuê bao phải đến điểm đăng ký thông tin để cung cấp số thuê bao, xuất trình CMND (hoặc hộ chiếu) đối với người có quốc tịch Việt Nam, hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch nước ngoài, giấy giới thiệu cùng với bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập của cơ quan, tổ chức đối với người đại diện cho cơ quan, tổ chức cho nhân viên hoặc chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao (sau đây gọi là nhân viên giao dịch); điền thông tin đăng ký vào "Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước" theo mẫu thống nhất. Đối với người dưới 14 tuổi phải có bố mẹ hoặc người giám hộ bảo lãnh đăng ký.

Khi tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, nhân viên giao dịch phải yêu cầu chủ thuê bao cung cấp bản sao CMND, hộ chiếu để lưu giữ, bản gốc để đối chiếu; sao (photocopy) hoặc quét (scan) lại CMND, hộ chiếu (đối với điểm đăng ký thông tin thuê bao tại các phường thuộc các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); kiểm tra và đối chiếu với thông tin trong "Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước".

Nếu phát hiện bản khai thông tin thuê bao không đúng với CMND, hộ chiếu xuất trình; hoặc CMND, hộ chiếu không hợp lệ thì nhân viên giao dịch không được chấp nhận thông tin đăng ký và phải thông báo cho chủ thuê bao biết. Bản sao hoặc quét CMND, hộ chiếu và số liệu thông tin thuê bao đã được đăng ký hợp lệ tại điểm đăng ký thông tin thuê bao phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu tập trung của DN cung cấp dịch vụ di động chậm nhất là 12 giờ kể từ khi tiếp nhận được bản khai cùng với tên, địa chỉ của chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao qua đường kết nối Internet. Không được sử dụng dịch vụ nhắn tin, điện thoại, Fax và SIM đa năng để đăng ký và chuyển thông tin thuê bao.

Chỉ sau khi đã hoàn thành việc cập nhật thông tin thuê bao được đăng ký hợp lệ vào cơ sở dữ liệu tập trung của DN cung cấp dịch vụ di động thì DN cung cấp dịch vụ di động mới được đáp ứng nhu cầu kích hoạt của chủ thuê bao đối với số thuê bao đã được đăng ký. Chủ thuê bao có thuê bao đã kích hoạt đưa vào sử dụng ở trạng thái mở hai chiều hoặc khóa một chiều hay khóa hai chiều nhưng còn thời hạn sử dụng theo quy định nếu chuyển quyền sử dụng cho người khác thì người nhận chuyển quyền sử dụng phải đăng ký lại thông tin thuê bao chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận chuyển quyền sử dụng.

Hệ thống cơ sở dữ liệu chứa thông tin thuê bao của DN được xây dựng tập trung và thống nhất trong từng DN cung cấp dịch vụ di động để thu thập, cập nhật, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao phải được tổ chức khoa học, tin cậy và an toàn.

Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của DN cung cấp dịch vụ di động phải đảm bảo sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước. Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước phải được lưu giữ bằng bản giấy trong tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đăng ký để phục vụ việc kiểm tra, đối soát của cơ quan quản lý.

DN cung cấp dịch vụ di động tổ chức và hướng dẫn phương thức truy cập (trên Website) và thông báo (bằng tin nhắn) để chủ thuê bao di động trả trước biết, truy cập, kiểm tra được thông tin thuê bao của chính số thuê bao mà mình đang sử dụng. Phương thức kiểm tra phải bảo đảm bí mật thông tin cho người sử dụng theo nguyên tắc là thuê bao chỉ kiểm tra được thông tin của số thuê bao đang sử dụng nhưng không kiểm tra được thông tin của các số thuê bao khác.

Đối với việc kiểm tra thông tin thuê bao bằng hình thức nhắn tin, chủ thuê bao nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi 1414. Sau khi nhận được bản tin từ chủ thuê bao gửi, DN cung cấp dịch vụ di động phải gửi lại bản tin thông báo cho chủ thuê bao biết thông tin thuê bao đã đăng ký của chính số thuê bao đó bao gồm các nội dung chính sau: họ và tên, ngày sinh, số CMND, nơi cấp.

Một số mạng di động cho rằng, theo quy định này sẽ có hàng triệu thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin cá nhân sai phải đăng ký lại.

TN

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/home/Vien-thong/5/Nghiem-cam-su-dung-SIM-da-nang-de-dang-ky-lai-thong-tin-ca-nhan/101981/index.ict