Nghịch lý với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trong 11 tháng của năm 2016, chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được vốn ngân hàng và số vốn họ được vay chỉ chiếm 3% tổng vốn các ngân hàng cho vay trong nền kinh tế.

Đây là những thống kê do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong một hội thảo cuối tháng 11/2016. Con số này thực sự là một nghịch lý, nếu so với số lượng khoảng 600.000 DNNVV, cũng theo cơ quan này.

Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: SGGP

Bên cạnh đó còn có khoảng 4 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể được xem như những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu cộng cả hai loại hình kinh doanh này, đóng góp của họ cho xã hội là khá lớn khi tạo ra tới 52% công ăn việc làm cho toàn xã hội.

Còn theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), trong 5 năm qua có 380.000 DNNVV được thành lập, vượt cao so với mục tiêu là 350.000. Hiện, khối này đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm.

Thực tế, ngay trong năm 2016, các ngân hàng cũng đã tuyên bố dành nhiều gói tín dụng cho các DNNVV, nhưng thực tế, khối này vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Không phủ nhận việc các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng có phần nguyên nhân đến từ chính khối doanh nghiệp này. Lý giải vấn đề này, ông Vũ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phân tích: Thứ nhất các DNNVV thường có tài sản thế chấp không lớn. Bên cạnh đó các DNNVV thường không thực sự minh bạch về tài chính. Có thực tế, rất nhiều doanh nghiệp còn duy trì hai hệ thống sổ sách kế toán, một là sổ sách thực và một để đối phó với các cơ quan thuế, hành chính.

Ông Rajeev Chalisgaonkar, Giám đốc toàn cầu khối khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Standard Chartered cũng đồng ý với nhận định trên, và cho rằng các ngân hàng cũng muốn giải ngân nhưng nhiều DNNVV không cung cấp dữ liệu đủ để thực hiện các thủ tục cho vay. Các doanh nghiệp ngoài việc minh bạch hơn về tài chính thì cũng nên ứng dụng các công nghệ trong sản xuất và quản lý thì khả năng vay vốn sẽ tốt hơn.

Trong khi đó, các nước trên thế giới DNNVV đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn từ chính sách. Theo ông Thành, ở các nước này, khi có phương án kinh doanh khả thi, các DNNVV tiếp cận nguồn vốn bằng tín chấp khá dễ dàng. Ngược lại ở Việt Nam, các ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp, và trong thời điểm này, càng khó hơn khi các ngân hàng ở vào thế thủ vì tỉ lệ nợ xấu cao.

Mặt khác, các DNNVV hiện được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, kết quả bảo lãnh tín dụng còn rất hạn chế.

Đầu năm 2016 với sự cho phép của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã ra mắt Quỹ hỗ trợ DNNVV. Với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn do ngân sách Nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng cùng với nguồn vốn trong và ngoài nước theo quy định, Quỹ này sẽ cho vay đối với DNNVV theo phương thức ủy thác cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại. Việc cho vay dựa trên nguyên tắc các ngân hàng tự quyết định và chịu rủi ro tín dụng đối với các dự án vay.

Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án đó (không bao gồm vốn lưu động) nhưng không quá 30 tỉ đồng.

Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Chính phủ cũng đã chính thức trình dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV để Quốc hội cho ý kiến, trong đó nội dung rất quan trọng là hỗ trợ tín dụng cho các DNVVV từ nhiều nguồn khác nhau.

Dự thảo Luật quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua thiết kế điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với đặc điểm, quy mô doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu của DNNVV. Tuy nhiên, để không vi phạm các nguyên tắc thị trường, trong từng thời kỳ và tùy theo điều kiện ngân sách, Chính phủ hỗ trợ các ngân hàng cho vay DNNVV theo định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước thông qua cấp bù lãi suất và thực hiện các hình thức hỗ trợ khác từ ngân sách Nhà nước.

Từ phía các DNNVV, để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng cho các DNNVV, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của DNNVV.

Dự thảo Luật cũng quy định việc bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Quỹ phát triển DNNVV thực hiện chức năng cho vay, đầu tư, tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ), DNNVV tham gia chuỗi giá trị bền vững, hình thành cụm liên kết ngành.

Dù chưa được thông qua và còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng đây cũng có thể coi là tín hiệu đáng mừng để sớm có một cơ chế hiệu quả hỗ trợ khối các doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng lại rất “được việc” này.

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/nghich-ly-voi-doanh-nghiep-vua-va-nho/293447.vgp