Nghịch lý trong chống virus Zika ở Brazil

Tại Brazil, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch Zika, xảy ra nghịch lý là trong khi chính phủ chi hàng trăm triệu đô-la nhằm nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus, thì địa phương lại lúng túng không biết sử dụng hoặc không dám đụng đến khoản ngân sách này. Kết quả là thuốc chống muỗi chất đống trong kho và bản thân kho chứa lại trở thành địa điểm sinh sản của muỗi.

Phát hiện gây sốc

Georgea Celane, kiểm toán viên 34 tuổi, được giao nhiệm vụ đi kiểm tra một kho chứa thuốc diệt côn trùng chống loại muỗi vằn Aedes aegypti truyền dịch Zika. Nhà kho này nằm gần bờ sông Amazon ở miền bắc Brazil.

Khi Celane mở cửa nhà kho, một đàn dơi bay vụt ra và một thứ mùi kinh khủng xộc lên khiến cô cay xè mắt. Ở bên trong Celane phát hiện hơn 100 hộp thuốc diệt côn trùng còn nguyên đai nguyên kiện, nhưng đã hết hạn và bên ngoài mốc meo, phủ đầy phân dơi.

"Tôi chụp vội một số hình ảnh rồi phải đi ra ngay vì ngạt thở", cô kể với phóng viên Washington Post.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất kể từ khi dịch Zika bùng nổ mạnh trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay đã có hơn 100.000 người được xác nhận bị nhiễm virus Zika và số người nghi nhiễm còn nhiều hơn thế. Dịch Zika có thể gây ra di tật đầu nhỏ và khuyết tật não nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh

Chính phủ Brazil đã chi hàng trăm triệu đô-la để nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Zika và 230 triệu đô-la đã chuyển cho các chính quyền địa phương trong 2 năm qua. Nhưng, các kiểm toán viên đã phát hiện ra rằng rất nhiều tiền trong số đó bị chi sai mục đích hoặc không được sử dụng.

Có nhiều lý do khác nhau dẫn tới tình trạng trên, từ công tác quản lý yếu kém, các quy định pháp luật thiếu chặt chẽ…, khiến cho các bang khó có thể sử dụng tiền chính phủ cho các khoản đầu tư và các dự án dài hạn. Ví dụ, các bang có thể dễ dàng mua thuốc diệt côn trùng, nhưng lại khó trong việc mua máy móc và phương tiện để phục vụ công tác phun thuốc, các chức trách cho biết.

Một yếu tố khác là thái độ dè chừng của các quan chức địa phương. Dịch Zika bùng nổ trùng khớp với thời điểm chính phủ đang tăng cường giám sát chi tiêu, sau vụ bê bối tiền lại quả hàng tỉ đô-la, xảy ra tại công ty dầu khí nhà nước Petrobras.

Các vụ bắt giữ và truy tố trong vụ bê bối này khiến nhiều quan chức địa phương tỏ ra cực kỳ thận trọng về việc sử dụng ngân sách liên bang - hoặc tốt nhất là không động đến.

Theo kết quả kiểm toán chính phủ vừa được công bố hồi tháng 9, có tới hơn một nửa trong số 27 bang của Brazil để hàng triệu đô-la của “Quỹ phòng ngừa vệ sinh" do chính quyền liên bang cung cấp nằm im tại ngân hàng trong suốt hai năm.

"Tình hình đã đến mức mà không ai muốn chạm vào nguồn lực từ liên bang", João Francalino, phụ trách kế hoạch của cơ quan y tế bang Acre, miền tây Brazil thừa nhận. Bang của ông đã không động đến 53% trong tổng số 3,3 triệu đô la từ “Quỹ phòng ngừa vệ sinh”. "Mọi người đều sợ có thể sẽ bị kiện hoặc bị điều tra", ông nói với Washington Post.

Bộ Minh bạch của Brazil đã tăng gần gấp đôi các hoạt động điều tra đối với việc sử dụng quỹ liên bang của các bang và thành phố so với năm 2014. Sự gia tăng này được tiến hành khi đất nước bị chấn động bởi vụ bê bối liên quan đến công ty dầu khí Petrobras, khiến hàng chục chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giữ kể từ tháng 3 năm 2014. Bộ này nói cho rằng, vụ bê bối trên không trực tiếp dẫn đến việc họ tăng cường các hành động thực thi pháp luật, nhưng nó đã làm tăng nhu cầu của công chúng đối với vấn đề trách nhiệm giải trình.

Đầu năm nay, Bộ đã cử hàng chục kiểm toán viên như chị Celane đi kiểm tra việc sử dụng tiền của liên bang trong cuộc chiến chống muỗi vằn Aedes aegypti, thủ phạm gây lan truyền virus Zika.

Những gì mà các kiểm toán viên phát hiện đã gây sốc cho chính họ. Kiểm toán chính phủ tiết lộ, tại một chục bang, họ phát hiện thuốc diệt côn trùng còn chất nguyên trong kho hoặc là đã hết hạn. Tại ba bang khác, các kho chứa ở trong điều kiện quá tồi tàn, khiến địa điểm này tự nó trở thành khu vực sinh sản của muỗi, làm tăng nguy cơ nhiều hơn cho dân địa phương, thay vì hạn chế virus Zika.

Sợ sai phạm

Celane cho biết trong chuyến thăm nhà kho ở bang phía bắc Amapa, cô thấy các hộp thuốc diệt côn trùng cả mới và đã hết hạn được cất giữ chung với nhau mà không có dấu hiệu gì để phân biệt. Cả hai loại đều bị bao phủ bởi nấm mốc và phân động vật.

Sở Y tế Amapa sau đó đã ra tuyên bố giải thích, họ không thể cải tạo nhà kho vì nó được xây từ vốn vay của chính phủ liên bang. Chính quyền bang Amapa đang chuẩn bị một địa điểm khác để cất giữ thuốc diệt côn trùng.

Dịch Zika xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2015, khi chính quyền Brazil thông báo về sự bùng nổ chưa từng có của những trường hợp trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ. Vài tháng sau đó, các nhà khoa học khẳng định rằng, nếu phụ nữ có thai bị muỗi mang virus cắn sẽ có nguy cơ cao sinh ra các em nhỏ bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng.

Chính phủ Brazil vội vã cử các chuyên gia và cấp thuốc diệt muỗi cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng, đồng thời huy động hàng trăm ngàn binh sĩ quân đội để tăng cường truyền bá nhận thức về sự nguy hiểm của muỗi.

Các quan chức chính quyền địa phương cho biết, họ muốn làm mọi thứ có thể để ngăn chặn dịch Zika, nhưng sự thiếu rõ ràng trong các quy định của pháp luật đã hạn chế khả năng của họ để có thể hành động một cách nhanh chóng và sáng tạo.

"Nếu bạn tuân thủ các quy tắc ngân sách, bạn sẽ kết thúc bằng việc không thể đưa ra các quyết định y tế cần phải thực hiện. Đó là một trận chiến liên tục nhằm tìm kiếm sự hài hòa giữa một bên là sự khẩn cấp y tế với một bên là tuân thủ pháp luật” - Nelson Tavares, phụ trách y tế của bang Mato Grosso do Sul nói.

Cơ quan y tế của bang miền tây này đã không dám đụng vào 56% tài nguyên có sẵn, được chính quyền liên bang cấp, để chống lại muỗi Zika, trong khi nơi đây là một trong những vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất nước.

Các nhân viên chính quyền phàn nàn chi tiêu y tế được giới hạn là chỉ tập trung vào các dự án ngắn hạn. Các quan chức bang cho biết đã sử dụng toàn bộ đội ngũ để xác định từng khoản sử dụng hợp pháp đối với tiền từ quỹ liên bang.

Quy định không phải là vấn đề duy nhất. Chính quyền địa phương đôi khi thiếu nhân viên và những người có chuyên môn để có thể sử dụng tốt các quỹ y tế. Vì vậy họ thường đẩy mạnh chi tiêu vào bất cứ điều gì mà họ thấy dễ làm. Chẳng hạn, các dự án giáo dục, tăng cường nhận thức về tác hại của bệnh dịch thường được đầu tư quá nhiều. Trong khi những đầu tư cần thiết hơn, nhưngkhó thực hiện hơn, như chăm sóc cho trẻ em bị khuyết tật đầu nhỏ, kiểm tra điều kiện sống của các gia đình nông thôn…, lại ít được chú trọng.

Bruno Brandão, chuyên gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Brazil, cho biết điều quan trọng là cần tiếp tục các chiến dịch chống tham nhũng, bất chấp những vấn đề mà nó vô tình gây ra.

"Chúng tôi biết rằng có những vấn đề quản lý, nhưng tham nhũng cũng là vấn đề nghiêm trọng", ông nói với Washington Post. Theo ông Bruno nếu tham nhũng tiếp tục được xác định và trừng phạt, việc kiểm soát nghiêm ngặt chi tiêu tiền của liên bang sẽ không còn cần thiết nữa.

Trong khi các chính quyền địa phương còn vò đầu bứt tai với việc sử dụng tiền của liên bang, hoặc là không muốn động đến nguồn ngân sách này, thì gánh nặng sẽ dồn vào thường dân, những người dễ bị tổn thương nhất.

Franicê Barbosa, một phụ nữ bán trái cây đến từ vùng ngoại ô Brasilia, người đang mong đợi đứa con thứ ba, cho biết cô không trông đợi gì vào sự quan tâm của nhà nước.

"Nếu tôi mà không may bị nhiễm Zika, tôi cũng chẳng có đủ điều kiện tài chính để chăm sóc cho đứa con chậm phát triển, và tôi biết rằng chính quyền sẽ không giúp đỡ được gì cả", cô nói. "Vì vậy, tôi xoa dầu chống muỗi mỗi ngày. Tôi phải ngăn chặn nguy cơ theo cách của riêng mình”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/31359302-nghich-ly-trong-chong-virus-zika-o-brazil.html