Nghịch lý thị trường thực phẩm

GD&TĐ - Thời điểm này, nông dân cả nước đang tập trung chăm sóc đàn vật nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang xuất hiện khi giá bán tại các trang trại đang giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng hiện giá thực phẩm bày bán tại các chợ không có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Đây là một nghịch lý mà người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng (NTD) đang phải hứng chịu thiệt thòi…

Càng nuôi càng lỗ

Hiện tại, giá lợn hơi trên thị trường đang giảm mạnh. Tại các trang trại, lợn hơi có giá 31.000 - 33.000 đồng/kg, còn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có thể bán được với giá 30.000 - 31.000 đồng/kg. Theo tính toán của một số hộ chăn nuôi, trung bình để nuôi một con lợn đạt 90kg phải mất hơn 3 tháng, trong đó chi phí mua giống, thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh... đã tốn trên 3 triệu đồng. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang bị lỗ, thậm chí không ít chủ trang trại nuôi nhiều có khi còn lỗ nặng.

Anh Nguyễn Danh Huấn – Chủ một trang trại nuôi lợn ở Lâm Thao - Phú Thọ cho biết: Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, trang trại sẽ cung cấp từ 150 đến 200 tấn thịt lợn ra thị trường. Hiện tại giá lợn trên thị trường đang giảm mạnh, nhiều trang trại khác đang phải cho xuất chuồng sớm, cứ khoảng 100 con, lỗ gần 25 triệu đồng, song vẫn phải bán để cắt lỗ.

Anh Huấn phân tích, nếu thời gian tới, giá lợn giữ nguyên như hiện nay, nông dân sẽ lỗ từ 300.000 đến 400.000 đồng/con lợn. Không chỉ đối với các hộ chăn nuôi lợn, mà hộ chăn nuôi gia cầm cũng trong cảnh ngộ tương tự. Do giá gia cầm giảm, nên nếu một trang trại nuôi với số lượng từ 1.000 đến 2.000 con trở lên sẽ lỗ 30 đến 40 triệu đồng.

Giá lợn hơi giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào như cám, thức ăn tổng hợp, thuốc thú y... không giảm khiến người chăn nuôi đang khóc ròng. Theo các chủ trang trại chăn nuôi, nguyên nhân làm cho giá heo hơi giảm trong thời gian qua chủ yếu do việc tăng đàn ở nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khiến cung vượt cầu. Mặt khác, thương lái Trung Quốc tạm dừng thu mua lợn của nông dân. Dù đã có sự khuyến cáo của các ngành chức năng là phải căn cứ vào tình hình cung - cầu thị trường để tái đàn phục vụ Tết Nguyên đán cho phù hợp, nhưng người chăn nuôi cứ thấy lợi là phát triển đàn với số lượng nhiều. Riêng quý III và quý IV năm nay, tổng đàn lợn tăng 5 - 10% so với các tháng đầu năm 2016.

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Hiện giá lợn bán tại trang trại đang giảm mạnh, nhưng trên thị trường giá bán lẻ ở các chợ dân sinh vẫn ở mức cao. Nguyên nhân do thương lái và doanh nghiệp trong nước chạy theo lợi nhuận, trong khi chưa có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng về giá. Hiện thịt nạc thăn bán tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội đang có giá dao động từ 100.000 đến 110.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 95.000 - 100.000 đồng/kg... Tương tự, giá gà ta bán tại chuồng là 80.000 - 90.000 đồng/kg, còn tại chợ là 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Lý giải về nguyên nhân giá thực phẩm bán tại chợ không giảm theo giá thu mua, anh Nguyễn Văn Quyết – Chủ một sạp thịt tại chợ Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán, thị trường bước vào mùa cao điểm phục vụ thực phẩm dịp cuối năm nên nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến tăng, giá thực phẩm khó mà giảm được.

“Nguyên nhân khác nữa khiến giá thực phẩm bán tại các chợ dân sinh vẫn “neo” ở mức cao là do từ đầu năm 2016, nhiều thương lái Trung Quốc tranh mua với giá rất cao, một số doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đã găm hàng nhằm phục vụ thị trường Tết cũng đẩy giá lên cao khiến giá thực phẩm đến tay NTD cao hơn 20% - 25% so với giá bán tại các trang trại” – anh Quyết cho biết.

Theo các chuyên gia, để từng bước kiểm soát giá cả thị trường thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đi đôi với thực hiện chính sách bình ổn giá, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, nhất là tại chợ đầu mối, dân sinh để không tạo ra cơn sốt giá “ảo” gây thiệt hại cho NTD. Doanh nghiệp và nông dân cũng cần liên kết chặt chẽ để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, giảm bớt lợi nhuận ở khâu trung gian (thương lái) với mục đích tăng giá bán ở các trang trại và giảm giá bán tại chợ...

Năm 2016 là năm ngành Chăn nuôi có biến động lớn. Các tháng đầu năm, giá lợn hơi có thời điểm tăng từ 44.000 đến 47.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 2 năm qua. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, giá lợn bắt đầu giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg; hiện giá chỉ ở mức 31.000 - 33.000 đồng/kg. Thế nên nghịch lý là, người chăn nuôi đang phải gồng mình chịu lỗ bán lợn dưới giá thành sản xuất, trong khi đó NTD vẫn phải trả giá cao mua thịt, chỉ có các khâu trung gian như lò giết mổ, các thương lái là hưởng lợi nhuận cao.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nghich-ly-thi-truong-thuc-pham-2782324-b.html