Nghịch lý phí BOT (3)

Kỳ cuối: Đừng để nghịch lý kìm hãm sự phát triển

Thực hiện bài viết này, chúng tôi nhìn thấy rất rõ một điều: Các trạm thu phí (TTP) BOT đều đặt “không đúng chỗ” mới dẫn đến những bức xúc kéo dài của người dân và doanh nghiệp (DN). Bức xúc là đúng, bởi làm gì có chuyện ngược đời, không ăn bánh vẫn phải trả tiền. Để làm rõ nghịch lý của chuyện thu phí BOT, chúng tôi đã thực hiện chuyến thực tế và đặt nhiều câu hỏi với BQL TTP hầm Phú Gia, Phước Tượng - một trong số nhiều TTP đặt trên dải đất miền Trung này…

Ngày 9-5, xe chúng tôi hướng Bắc qua hầm đường bộ Hải Vân đến điểm dừng TTP. Khi hai nhân viên nữ trong quầy cầm tập vé đưa ra, tôi đặt câu hỏi:

- Anh ra tới Lăng Cô thôi cũng thu vé à?

- Lăng Cô cũng thu!

- Nhưng anh có đi qua hầm Phú Gia và Phước Tượng đâu mà tốn vé?

- Cứ qua trạm này là thu, ai biết anh đi đâu?

- Vậy sao không đặt TTP gần 2 hầm mà đặt ở đây?

- Cái đó anh hỏi lãnh đạo trạm chứ nhiều người cũng hỏi vậy. Họ bảo thu thì thu thôi.

- Vậy sao có nhiều người ở TT Lăng Cô đi vào Đà Nẵng không mất phí?

- Do họ là người địa phương TT Lăng Cô nên không mất tiền.

Ngày 9-5, chúng tôi chỉ ra đến Lăng Cô nhưng phải đóng tới 2 lần phí dù không đi hầm Phú Gia, Phước Tượng.

Tranh cãi hồi lâu không được, chúng tôi đành bỏ 35.000 đồng mua vé qua trạm. Liên hệ với ông Nguyễn Văn Dũng - Trạm trưởng TTP Bắc Hải Vân để trao đổi thông tin, ông Dũng nhận lời làm việc, tuy nhiên chỉ là kiểu giải thích đẩy trách nhiệm về các cơ quan có thẩm quyền cấp Trung ương. Ông Dũng thừa nhận rằng, lâu nay người dân Lăng Cô đi Đà Nẵng và ngược lại đang phải chịu thiệt là đúng, song không thể làm khác được. Chính quyền H. Phú Lộc và các DN thường xuyên có xe từ Lăng Cô, cảng Chân Mây vào Đà Nẵng cũng đã có ý kiến nhiều, song ngoài thẩm quyền của TTP. “Bản thân chúng tôi cũng rất mong các ban, ngành sẽ nhanh chóng có bài toán giải quyết hài hòa sau những bức xúc của người dân, DN, nhưng đến thời điểm này chưa có một cơ chế đặc thù nào cho các TTP từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mà để có được cơ chế đặc thù đó, còn phải lấy ý kiến các bên, rồi trình Quốc hội sau đó ra một dự thảo luật. Còn hiện tại, chúng tôi phải làm đúng theo Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính về “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ”, trong đó có quy định miễn phí cho 10 loại xe như xe cứu thương, cứu hỏa, xe hộ đê, CS113, đoàn xe hộ tống, dẫn đường; xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng an ninh…” - ông Dũng nói.

Với cách nói này, đồng nghĩa với việc người dân, DN khu vực phía Nam hầm Phú Gia đi qua Đà Nẵng và người dân Đà Nẵng qua Lăng Cô vẫn phải còng lưng trả phí bất hợp lý dài dài. Chúng tôi đặt câu hỏi, “tại sao không đặt TTP ở khu vực gần hầm Phú Gia, Phước Tượng?” thì ông Dũng cho hay: Trước khi đưa 2 hầm vào hoạt động đơn vị cũng đã có ý kiến như vậy, nhưng quyền quyết định là các bộ, ngành như Bộ GTVT, Tài chính và UBND tỉnh chứ việc đặt TTP ở đâu không thuộc thẩm quyền của DN BOT. Liên quan đến chuyện các phương tiện không qua 2 hầm nhưng vẫn phải đóng phí như lâu nay, ông Dũng cho biết tháng 6 tới đây khi hoàn thành hệ thống camera tại các hầm sẽ theo dõi những xe cả 2 hướng Nam, Bắc qua TTP nhưng thường xuyên không qua 2 hầm Phú Gia, Phước Tượng, sau đó lên danh sách, đề xuất các cấp, ngành xem xét! Riêng các DN tại khu vực Lăng Cô và nhiều nhất là cảng Chân Mây có xe vào Đà Nẵng và ngược lại, phải lên danh sách BKS xe thường xuyên, từ đó mới có căn cứ để đề xuất các bộ, ngành có liên quan ra quyết định. Nếu không được đồng ý, TTP vẫn phải thực hiện theo thẩm quyền được giao!

Sau cuộc làm việc với TTP, chúng tôi tìm gặp rất nhiều người dân của H. Phú Lộc và đại diện cảng Chân Mây thường xuyên có xe ra vào Đà Nẵng mà không đi qua hầm Phú Gia, Phước Tượng thì 100% ý kiến đều bức xúc về vị trí đặt TTP không hợp lý. Theo ông Nguyễn Thành Công - Phó Tổng Giám đốc cảng Chân Mây, từ khi TTP này đi vào hoạt động, đơn vị đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh và các ngành có liên quan kiến nghị không thu phí hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng nhằm tạo điều kiện để các DN tăng cường lợi thế cạnh tranh và thu hút nguồn hàng nhập khẩu qua cảng Chân Mây vào phía Nam hoặc thu mua nguyên liệu từ các tỉnh phía Nam; tạo điều kiện cho du khách từ cảng Chân Mây vào Đà Nẵng hoặc Hội An giao thương, du lịch, nhưng không có kết quả. “Quan điểm của chúng tôi là các cơ quan hữu trách phải đảm bảo sự công bằng, rằng có sử dụng thì phải trả phí, không sử dụng thì không trả. Mà thực tế đang sờ sờ trước mắt là hàng loạt xe hàng, du lịch từ cảng Chân Mây đi Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam không hề qua hầm Phú Gia, Phước Tượng, nhưng hằng ngày vẫn bị thu phí, thật vô lý” - ông Công bức xúc.

Ngoài cảng Chân Mây có số lượng lớn xe và du khách từ các tỉnh phía Nam thường xuyên lui tới giao thương, du lịch, nghỉ dưỡng, chính quyền địa phương và nhiều DN vận tải, du lịch, resort… cũng chung nỗi ấm ức. Qua trao đổi điện thoại với chúng tôi, lãnh đạo UBND H. Phú Lộc cũng cho rằng, TTP đặt như vậy là bất hợp lý, gây trở ngại cho việc đi lại của người dân Lăng Cô và Đà Nẵng, Quảng Nam. Sau nhiều lần có ý kiến, các ngành cũng chỉ ưu ái kiểu khống chế cho được khoảng 200 xe của TT Lăng Cô thường xuyên ra vào Đà Nẵng, Quảng Nam, còn các xã lân cận vẫn chịu khoản phí oan này.

Theo những gì chúng tôi tìm hiểu được trong chuyến thực tế thì việc đặt TTP Phú Gia, Phước Tượng bất hợp lý, mỗi năm, người dân và DN vận tải, du lịch bị “móc túi” hàng chục tỷ đồng, nhưng chẳng biết kêu ai. Cũng vì nghịch lý này, lợi ích kinh tế của các địa phương H. Phú Lộc, TT Lăng Cô và một phần Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng đang đối mặt với những tụt hậu. Dẫn chứng như cảng Chân Mây, lượng hàng hóa năm 2015 đạt trên 2 triệu tấn, nhưng từ khi có TTP, các DN có sự do dự, ít kết nối với cảng này hơn, nên năm 2016 chỉ đạt chưa đầy 1,8 triệu tấn. Trong tổng số hàng hóa này, theo ông Công - Phó Tổng Giám đốc, mỗi năm có khoảng 200.000 tấn phải chịu phí vô lý khi qua trạm, dù là xe không hề lăn bánh qua hầm Phú Gia, Phước Tượng. Với con số này, mỗi năm TTP đang “móc túi” các đơn vị vận tải của cảng và đối tác của cảng khoảng 20 tỷ đồng. Tương tự, năm 2017 này, cảng dự kiến đón khoảng 15.000 lượt khách, mà có tới 90% khách từ Chân Mây qua Đà Nẵng và Hội An Quảng Nam tham quan du lịch, và các Cty du lịch, DN vận tải cũng phải trả hàng tỷ đồng khi vận chuyển số khách này.

Dù không đi qua 2 hầm Phú Gia - Phước Tượng nhưng nhiều phương tiện vẫn phải “è cổ” đóng phí khi qua TTP Bắc Hải Vân.

Nếu cứ tồn tại nghịch lý ở TTP này, quan hệ giao thương, lợi ích kinh tế của địa phương sẽ đối mặt với khó khăn, bởi DN, các nhà kinh doanh vì khoản phí vô lý sẽ không mặn mà hợp tác nữa. Trong khi đó, lượng khách du lịch khi đi tham quan Đà Nẵng, Quảng Nam cũng trở ra Lăng Cô rất đông. Họ đi du lịch, ăn uống, sử dụng các dịch vụ, nhưng vì khoản phí vô lý, những nhà vận chuyển như du lịch, taxi chẳng dại gì vướng vào. Vô tình, Lăng Cô, Chân Mây mất khách.

Theo ông Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, câu chuyện TTP đặt không phù hợp ở Lăng Cô cũng bất lợi cho các hãng taxi tại Đà Nẵng rất nhiều, bởi xe chở khách từ Đà Nẵng ra Lăng Cô hằng ngày có cả trăm xe. Nếu khách đi 2 chiều, khách sẽ mất phí, còn khách đi một chiều, chiều về các doanh nghiệp taxi phải gánh. Chính điều này đã dẫn đến việc khách phản ứng, dần dần bỏ tour, và địa phương Phú Lộc nói chung, điểm du lịch, nhà hàng… mất đi nguồn thu không nhỏ mỗi ngày.

Nghịch lý của các TTP tại miền Trung hiện nay vẫn đang khiến dư luận bức xúc! Giải tỏa nỗi ấm ức cho người dân, các DN đang chịu thiệt thòi là việc cần làm ngay của các cấp, ngành, tránh gây những hiệu quả không nên có, gây mất ANTT…

Nhóm P.VXH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_166252_nghich-ly-phi-bot-3-.aspx