'Nghịch lý: lương không đủ sống mà phụ cấp quá nhiều'

Mặc dù tiền lương khu vực Nhà nước được đánh giá là thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp, nhưng nhiều người vẫn muốn vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước với suy nghĩ sẽ có thu nhập ổn định.

Tại Hội thảo quốc tế về xây dựng, thang bảng lương và thực hiện cơ chế trả lương theo vị trí việc làm gắn với hiệu quả công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 21-11 tại Hà Nội, các chuyên gia đã phân tích những hạn chế của chính sách tiền lương khu vực Nhà nước hiện nay.

Áp lực lương thấp đè nặng

Mặc dù tiền lương khu vực Nhà nước được đánh giá là thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp, nhưng nhiều người vẫn muốn vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước với suy nghĩ sẽ có thu nhập ổn định. Chính suy nghĩ dù làm việc hiệu quả hay không vẫn có tiền lương, việc làm ổn định trong các cơ quan Nhà nước đang khiến chất lượng dịch vụ công còn thấp.

Đến nay, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn được quy định bằng hệ số xếp theo chuyên môn, nghiệp vụ cộng với phụ cấp chức vụ. Như vậy, hơn 20 năm qua, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chỉ một cách tính và đang dần bộc lộ những bất cập. Tại hội thảo, ông Đặng Như Lợi (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội) cho rằng, Việt Nam đã có ba cuộc đại cải cách tiền lương vào các năm 1960, 1985 và 1993 song ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý.

Năm 2004, Nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới, điều chỉnh tăng lương cơ sở, mở rộng quan hệ tiền lương và tách lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực hưởng ngân sách, thực chất vẫn dựa trên nền cách tính lương năm 1993.

Theo ông Lợi, năm 1993 chỉ có 9 loại phụ cấp lương cho công chức và lực lượng vũ trang nay đã tăng lên khoảng 20 loại. Chế độ phụ cấp ngày càng chắp vá, các khoản chồng chéo lên nhau khiến quan hệ tiền lương chung bị phá vỡ. Ông Lợi đánh giá, hàng năm Nhà nước tốn hàng chục nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch mà chất lượng công chức vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông cũng đưa ra con số, năm 2001 có hơn 5,1 triệu người hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước (không tính lực lượng vũ trang) với tổng chi ngân sách gần 26.500 tỷ đồng. Năm 2015, số người hưởng lương tăng lên 6,5 triệu, tổng quỹ chi ngân sách khoảng 295.000 tỷ (tăng hơn 11 lần). “Nghịch lý lương không đủ sống mà phụ cấp quá nhiều xuất phát từ sự quản lý không cân đối, áp lực lương thấp đè nặng buộc các ngành phải tìm cách bổ sung thêm các khoản phụ cấp”, ông Đặng Như Lợi nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, cần xây dựng hệ thống lương theo ngành nghề, vị trí công việc, gắn trả lương với hoàn thành công việc chứ không thể cào bằng. Luận bàn về vấn đề này, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quốc Toản, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ ra rằng: “Chúng ta càng cải tiến chính sách tiền lương, càng lộ ra nhiều bất cập, tính hệ thống của chính sách không được đảm bảo, không thích ứng với những yêu cầu của giai đoạn mới. “Chúng ta phải quyết định tiếp tục cải cách chế độ hiện hành hay đã đến lúc xây dựng một hệ thống tiền lương mới và thực hiện theo lộ trình. Đặc biệt, phải tìm ra được những vấn đề của chính sách tiền lương hiện nay”.

Ông Toản cho rằng, phải thiết kế lại hệ thống công chức phù hợp với phân công lao động, chuyên môn, vị trí việc làm; đồng thời trả lương theo hiệu quả hoàn thành công việc thực tế, có quy định khen thưởng cụ thể chứ không phải đều đặn ba năm lên lương một lần. “Nếu người trẻ có năng lực, muốn vượt lên mà bị ràng buộc bởi hệ số lương, trả không tương xứng thì không tạo được động lực, họ dễ dàng bỏ đi nơi khác hoặc thậm chí xin ra khỏi khu vực Nhà nước. Khi đó, nền hành chính sẽ không có chuyên gia giỏi”, ông Toản nói.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quốc Toản, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Như Lợi đưa ra ý kiến nên có một bộ chỉ tiêu đánh giá hoàn thành, hay không hoàn thành công việc hàng tháng cho cả cơ quan và từng cá nhân, làm căn cứ trả lương, nâng lương; không thể đánh đồng người làm “phất phơ” với người làm có hiệu quả.

Phải “thoát ly” hệ thống lương hiện nay

Trước những bất cập, bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, phải thoát ly hoàn toàn hệ thống lương hiện nay. “Vì nó đã tạm thời từ năm 1993 tới nay. Vô hình trung tiền lương đã tạo ra sự cào bằng. Nếu còn tư duy trên hệ thống này thì khó có thể cải cách được chế độ tiền lương. Tiền lương không còn là động lực, hầu như không còn tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cải cách tiền lương không gắn với hiệu quả của cải cách hành chính,” bà Hằng nhấn mạnh.

Trên thực tế, hệ thống thang bảng lương hiện tại chưa được chi trả theo đúng nghĩa của khái niệm “vị trí việc làm” mà mới được chia thành một số ít ngạch. Chẳng hạn như trong một đơn vị hành chính sự nghiệp có bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ... Tuy nhiên với sự phân loại này cũng phần nào có sự sắp đặt mức lương có liên quan đến công việc mà một cá nhân nào đó đang thực hiện.

Phải coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho sự phát triển.

Bên cạnh đó việc đánh giá kết quả làm việc của cá nhân người lao động đối với cán bộ, công chức và viên chức cũng được tiến hành thường xuyên và theo những chu kỳ nhất định. Mặc dù kết quả đánh giá còn mang nặng tính hình thức và chưa đóng vai trò quan trọng đến thu nhập, tuy nhiên về lý thuyết có thể nhận định rằng thu nhập có liên quan đến kết quả thực hiện công việc. Do vậy, Ông Vũ Hoàng Ngân, Phó trưởng khoa kinh tế và quản lý nguồn nhân lực, ĐH Kinh tế quốc dân đề xuất việc trả lương theo vị trí việc làm, theo năng lực và theo kết quả thực hiện công việc.

Một vấn đề các chuyên gia cũng luận bàn, là việc điều chỉnh tăng lương cho đối tượng người nghỉ hưu không phải là nằm trong chương trình cải cách tiền lương. Bởi nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là đảm bảo ở mức “không để cho người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở”, không nằm dưới sàn an sinh xã hội. Còn kế hoạch tăng lương 7-8%/năm cho giai đoạn tới, theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa đi vào bản chất của cải cách chế độ tiền lương.

Do đó, phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện trên nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm đảm bảo “tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác”, coi chính sách tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.

Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị công cao cấp của ngân hàng thế giới (World Bank) thì muốn đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thì phải xây dựng được hệ thống công chức với những vị trí việc làm cụ thể. Mặc dù từ năm 2009, vấn đề xác định vị trí việc làm đã được đề cập đến khi sửa đổi Luật Viên chức nhưng đến nay việc này vẫn bước một bước rất chậm, vẫn chưa có mô tả vị trí việc làm cho đội ngũ công chức, viên chức.

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nội vụ, từ năm 2001- 2015 mức lương tối thiểu điều chỉnh tăng 5,48 lần (1.150 nghìn đồng/210 nghìn đồng); số lượng đối tượng hưởng lương tăng 1,28 lần nhưng tổng quỹ tiền lương tăng 11,2 lần.

Nguyễn Khuê

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nghich-ly-luong-khong-du-song-ma-phu-cap-qua-nhieu-97916/