Nghịch lý giá vàng sau sự kiện ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ tác động thế nào tới giá vàng trong nước hay đây chỉ là cuộc chơi của những tay to tát nước theo mưa?

Sự kiện ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã đẩy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng lại nổi sóng trong suốt tuần qua bởi sự kiện tranh cử Tổng thống Mỹ, riêng trong ngày 9.11, giá vàng thế giới có lúc tăng 27 USD, lên mức 1.335 USD/ounce. Nhưng chốt ngày, giá vàng thế giới giảm nhẹ ở mức 1.318 USD/ounce, tương đương 35,55 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước đến 15h chiều cùng ngày được niêm yết ở mức 36,80 – 37,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 400 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 450 nghìn đồng chiều bán ra so với thời điểm cách đó một tiếng và tăng 1 triệu đồng/lượng so với lúc mở cửa giao dịch.

Như vậy hiện tại vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch này đã tăng khoảng 1,2 triệu đồng so với phiên giao dịch buổi sáng.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao giá vàng trong nước lại tăng mạnh hơn giá vàng thế giới? Sự kiện ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ tác động thế nào tới giá vàng trong nước?

Sự kiện ông Donal Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã đẩy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng

Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, khẳng định sự kiện ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ chưa ảnh hưởng gì đến Việt Nam cả. Nếu có, thì nước Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng chứ đâu có ảnh hưởng đến giá vàng của Việt Nam.

“Ông Trump vừa trúng cử và chưa làm gì nên chúng ta đừng có đổ lỗi cho thị trường vàng, giá vàng, mà cái chính là con người. Những người làm ra vẻ hiểu biết về thị trường quốc tế nhưng thực ra nó đâu ảnh hưởng ngay bây giờ đâu. Theo luật của nước Mỹ, đến tháng 1.2017 ông ấy mới nhậm chức. Từ bây giờ đến thời điểm đó, ông Obama vẫn đang điều hành và có ai thay đổi chính sách đâu mà hôm nay giá vàng đã thay đổi?”, ông Kiên bình luận.

Dưới góc độ là chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định giá vàng không phải là một chỉ số kinh tế quan trọng để đánh giá chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Chúng ta chỉ đánh giá nó khi Việt Nam đang nhập vàng hoặc là một quốc gia xuất khẩu vàng mới ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu. Việt Nam chỉ nhập vàng để làm trang sức, vàng để tích trữ cũng ảnh hưởng gì. Vì vậy, thời điểm này chúng ta không nên đi mua vàng vì sẽ bị thiệt do biến động quá lớn”, ông Kiên khuyến nghị.

Ông Kiên nhắc lại sự kiện Brexit hồi tháng 6 vừa qua và cái kết đắng của nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia thị trường vàng lúc đang tăng nóng vì tâm lý.

Vào cuối tháng 6 và những ngày đầu tháng 7, giá vàng trong nước và thế giới cũng liên tục nhảy múa sau sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi Liên mình Châu Âu (EU). Thời điểm đó giá vàng trong nước và thế giới cũng biến động liên tục, giá vàng trong nước khi ấy cũng tăng mạnh hơn thế giới. Đỉnh điểm là ngày 6.7, giá vàng trong nước đã tăng lên 39,8 triệu đồng/lượng, chênh so với giá vàng thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước đã bất ngờ quay đầu mất giá sau đó một ngày (ngày 7.7) và người mua vàng lúc đỉnh giá đã lỗ gần 3 triệu đồng/lượng.

Rõ ràng quyết định đầu tư vàng theo tâm lý bầy đàn đã không mang lại hiệu quả và ông Kiên khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng trước xu hướng tăng giá vàng vì tâm lý kỳ vọng và có sự tham gia của những tay to tát nước theo mưa.

Song nhà đầu tư, thị trường hoàn toàn có quyền lo ngại về những chính sách của ông Trump khi chính thức bước vào Nhà Trắng và sự biến động của giá vàng chính là sự phản ánh của tâm lý thị trường. Ví như tuyên bố đàm phán lại các hiệp định thương mại Mỹ đã ký kết.

Về vấn đề này, ông Kiên khẳng định trong vòng 4 tháng nữa việc ông Trump làm Tổng thống Mỹ vẫn chưa liên quan đến kinh tế Việt Nam. Chúng ta hãy để cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách xem những điều mà ông ấy hứa như thế nào? Và chúng ta hãy xem các tổng thống Mỹ trước đó (như 2 đời cha con ông Bush, Bill Clinton) hứa thế nào và chỉ đạo như thế nào.

Ví dụ như ông Obama đã hứa từ nhiệm kỳ I nhưng mãi cuối nhiệm kỳ 2 mới ra được Obama Care. Tức là sau 7 năm mới ra được chương trình đó.

“Chúng ta phải thật bình tĩnh. Bởi vì từ lời hứa đến lúc hành động là phải theo trình tự pháp luật theo nước họ chứ không thể nóng vội được, nói xong phải làm ngay”, ông Kiên phân tích.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/nghich-ly-gia-vang-sau-su-kien-ong-trump-dac-cu-tong-thong-my-721932.html