Nghịch lý đường công cộng nhưng chỉ 1 hộ dùng ở Tiền Giang

Không thành việc hợp thức hóa hàng chục m2 của cụ bà Trần Thị Kỉnh cho thầy giáo Nguyễn Văn Đẳng làm đường đi phụ, UBND huyện Gò Công Đông chuyển sang dùng làm đường công phục vụ cho một hộ dùng.

Sau khi việc hợp thức hóa hàng chục m2 đất tại ấp 7, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông của cụ bà Trần Thị Kỉnh (SN 1940) thành sở hữu riêng cho thầy giáo Nguyễn Văn Đẳng (SN 1966) làm đường đi phụ bất thành, UBND huyện Gò Công Đông chuyển sang dùng làm đường đi công cộng. Hình thức thay đổi nhưng về "bản chất", toàn bộ diện tích đất này cũng chỉ dùng làm đường đi, phục vụ riêng cho cá nhân hộ ông Đẳng.

Điều đáng nói, phần lớn trong diện tích đất được sử dụng mở rộng đường từ 0,6m thành 2,4m để vào nhà ông Đẳng là đất của hộ dân liền kề đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) từ năm 1997. Như vậy, chẳng khác nào UBND huyện lấy đất của hộ dân này cấp cho hộ dân khác không xong thì "biến" thành đất công cộng nhưng hộ dân này vẫn "độc quyền" sử dụng mà không cần phải ban hành một Quyết định thu hồi đất hay vận động người dân hiến đất mở đường hay bồi thường tiền đất cho bà Kỉnh(?).

Trước thắc mắc của dư luận, ông Nguyễn Văn Đẳng là nhân vật quyền lực cỡ nào mà được UBND huyện ưu ái đến bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận đến vậy? Trả lời thắc mắc này nhiều người dân địa phương cho biết, thật ra ông Đẳng chỉ là một giáo viên bình thường nhưng có quan hệ với chính quyền địa phương. Đặc biệt, nhiều lần 2 bên xung đột do tranh chấp ông Đẳng luôn thể hiện "bạo nhờ tiền" để thực hiện quyết tâm lấy bằng được toàn bộ diện tích đất này để rộng đường vào nhà mình.

Trái ngược, người bị chính quyền địa phương lấp liếm lấy một phần đất là cụ Trần Thị Kỉnh đã 77 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang sống cô quạnh một mình. Đã vậy, hàng ngày còn phải tần tảo với mớ rau ngoài chợ nên đất của mình bị "biến" thành đường là điều dễ hiểu nếu không có sự tham lam quá độ của ông Đẳng, bất chấp pháp luật của chính quyền địa phương. Cụ thể, có được đường rộng ông Đẳng còn tiến hành đổ bê tông và trồng trọt trên con đường này để thể hiện "chủ quyền" và được cán bộ địa chính xã Tân Tây ủng hộ.

Bà Trần Thị Kỉnh chỉ phần đất bị mất vì làm đường cho hộ ông Nguyễn Văn Đẳng.

Qua tìm hiểu, xác minh vụ việc tại UBND xã Tân Tây, vào khoảng năm 1981, bà Kỉnh có nhận chuyển nhượng phần đất của Nguyễn Thị Lẹ (ngụ cùng địa phương) với vị trí xác định rõ ràng. Cụ thể, phần đất tiếp giáp với phần ruộng phía Bắc là đất của ông Nguyễn Văn Bon là bờ mẫu khoảng 0,5 - 0,6m làm ranh ruộng. Diện tích mặt cắt con đường này được hai người con của bà Lẹ là ông Ngô Văn Minh (SN 1954) và bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1963) cũng xác định con đường này vốn là bờ ruộng rộng 0,6m và chỉ dùng để đi bộ.

Đến năm 1997, bà Kỉnh được cấp GCN QSDĐ với diện tích sử dụng 1.058m2, tại thửa 1244, tờ bản đồ số 1. Toàn bộ diện tích đất này được bà Kỉnh sử dụng, canh tác ổn định. Cách đây mấy năm gần đây, vì tuổi cao sức yếu lại thui thủi một mình nên bà Kỉnh thuê người đến xây tường rào xung quanh để bảo vệ hoa màu. Không biết vô tình hay cố ý, em ông Đẳng là người nhận xây tường rào đã tự ý xây tường lùi vào hơn 1m.

Dù phát hiện nhưng do tiếc phần vật liệu mà thợ xây đã lỡ làm nên bà Kỉnh vẫn giữ nguyên và trồng hoa màu phía ngoài. Vả lại, diện tích đất này cũng đã thể hiện rõ trên GCN QSDĐ của mình nên bà Kỉnh cũng yên tâm sẽ không bị chiếm dụng. Nào ngờ, trong đợt cấp đổi GCN QSDĐ mới vào năm 2014, diện tích đất của bà Kỉnh từ 1.058m2 bỗng nhiên bị giảm xuống còn 989,2 m2. Ngược lại, trong thửa đất của ông Đẳng lại được thêm phần đất này của bà Kỉnh.

Bất thường này được Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường - ông Huỳnh Văn Tròn xác định là do "cấp nhầm" cho ông Đẳng. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn này chưa kịp sửa sai, điều chỉnh lại nhưng đã khiến ông Đẳng cay cú, khi "cơm đã đến miệng..." đã biến một thầy giáo đáng kính trước mắt học trò thành kẻ chợ búa, xúc phạm người lớn tuổi trong dòng họ, thân cô thế cô đang sống một mình. Sau khi hành vi lấy đất của cụ bà cấp cho thầy giáo bị phát hiện, đẩy UBND xã Tân Tây vào thế khó, loay hoay hòa giải tới hòa giải lui.

Bất ngờ, ngày 30/11/2015, UBND huyện Gò Công Đông ban hành Quyết định 2825/QĐ-UBND bác khiếu nại của bà Kỉnh. Tuy nhiên, UBND huyện Gò Công Đông thừa nhận so với diện tích cấp GCN QSĐ năm 1997 thì diện tích đất được cấp lại năm 2014 của bà Kỉnh giảm 68,5 m2.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng thừa nhận trước đây có đưa phần đất đường đi vào thửa đất của ông Đẳng. Nay Chi nhánh Văn phòng Đăng ký QSDĐ tiến hành chỉnh lý tách phần diện tích con đường này trả lại hiện trạng là đường đi công cộng. Tuy nhiên, UBND huyện vẫn lấp lửng không xác định chính xác diện tích hiện trạng ban đầu con đường, rộng 0,6m như những nhân chứng địa phương khẳng định hay là rộng 2,4m mà gia đình ông Đẳng, và chính quyền địa phương xác định bằng mắt?

Theo đó, UBND huyện Gò Công Đông cương quyết không trả lại phần đất này mà hợp thức hóa thành đường đi công cộng. Nói là đường công cộng nhưng thực tế chỉ phục vụ cho duy nhất gia đình của thầy giáo Đẳng làm đường đi phụ (vì phìa sau có đường đi chung gồm nhiều hộ).

Bà Kỉnh bức xúc: Thấy mẹ già một mình thui thủi ở quê lại bị cháu họ đối xử tệ nên con cháu tôi rất buồn, còn con cháu trong dòng họ đã vậy, nhưng UBND huyện lại còn biến một phần đất của gia đình tôi thành đường đi công cộng để phục vụ cho gia đình ông Đẳng là lấp liếm, cố ý hiểu sai bản chất vấn đề để bắt bẻ, phớt lờ trách nhiệm. Chúng tôi không đòi toàn bộ con đường mà chỉ đòi lại một phần đất đang bị sử dụng làm con đường. Việc UBND huyện biến đất của gia đình tôi thành đường đi công công là trái pháp luật vì không hề có Quyết định thu hồi. Và con đường không thể bị quy chụp là công cộng vì mục đích chỉ phục vụ duy nhất cho gia đình ông Đẳng...

Từ cách giải quyết lập lờ này của UBND huyện Gò Công Đông, buộc "con kiến kiện củ khoai". Dù biết trước kết quả khi "con kiến kiện củ khoai" nhưng phán quyết của tòa đã phần nào cho dư luận biết được bản chất của vấn đề, cũng như thực trạng của những người vận hành hệ thống pháp luật tại huyện Gò Công Đông hiện nay. Đáng chú ý, dù án sơ thẩm cho rằng: Quyết định 2825/QĐ-UBND của UBND huyện Gò Công Đông ban hành ngày 30/11/2015 đã vi phạm điểm k, khoản 2, Điều 3 Luật khiếu nại và điểm a, khoản 1, Điều 22 Thông tư 07/2013/TT-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ... Tuy nhiên, Hội đồng xét xử chỉ đề nghị... rút kinh nghiệm.

Dư luận hiện nay cho rằng, nhận định này của TAND huyện Gò Công Đông là thiếu khách quan. UBND huyện đã ban hành văn bản vi phạm pháp luật nghiêm trọng không thể chỉ rút kinh nghiệm. Trong khi nguyên tắc Hiến định "Nhà nước chỉ được làm đúng những gì pháp luật quy định, còn công dân được làm những gì pháp luật không cấm" (?)

Theo bản án sơ thẩm, chấp nhận Quyết định 2825/QĐ-UBND xác định đường đi có diện tích 2,4m X 24,53m là đường đi công cộng. Lập luận này hoàn toàn trái ngược với kết quả trích lục từ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ra, còn trái với số liệu đo đạc hồ sơ địa chính của hồ sơ đất đai được thực hiện theo Dự án Vlap. Và trái với sơ đồ thửa đất theo GCN QSDĐ được cấp cho bà Kỉnh ngày 29/5/2014, công văn 521/VPĐK ngày 17/6/2016 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tiền Giang. Cụ thể, theo biên bản xác minh ngày 16/6/2016 của TAND huyện Gò Công Đông và biên bản làm việc ngày 16/11/2015 của UBND huyện thì phía Bắc thửa đất của bà Kỉnh là bờ mẫu, được sử dụng làm đường đi bộ ra đồng, có chiều rộng là 0,6m.

Vậy tại sao lại xác định thực trạng con đường rộng đến 2,4m, trong khi từ trước đến nay chính quyền địa phương chưa từng ban hành Quyết định thu hồi đất hay vận động nhượng đất mở đường. Và gia đình bà Kỉnh cũng chưa từng hiến đất mở rộng đường cho cá nhân gia đình ông Đẳng thuận tiện trong việc đi lại...

Đây cũng chính là những vấn đề mà dư luận mong muốn lãnh đạo UBND huyện Gò Công Đông và tỉnh Tiền Giang nhìn thẳng vào thực tế để giải quyết dứt điểm vụ việc. Nếu phát hiện sai xót, tiêu cực nên mạnh dạn xử lý, không nên tiếp tục lấp liếm, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Nhóm PVPL/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nghich-ly-duong-cong-cong-nhung-chi-1-ho-dung-o-tie%cc%80n-giang-p41385.html