Nghịch lý DN thiếu người làm - lao động vẫn thất nghiệp

Nói về nghịch lý doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động nhưng vẫn có nhiều người thất nghiệp, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐTB & XH Hà Nội) phân tích: “Sau mỗi phiên giao dịch, chỉ tiêu tuyển lao động phổ thông chỉ đạt 10%. Lý do là vì tỷ lệ lao động có trình độ đại học, cao đẳng quá lớn. Có phiên giao dịch, người lao động trình độ đại học, cao đẳng chiếm tới hơn 80%. Trong khi đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động phổ thông nhiều hơn."

Lao động thất nghiệp gia tăng đang trở thành vấn đề vô cùng bức xúc trong xã hội. Tình trạng thất nghiệp sẽ để lại hậu quả không nhỏ, là gánh nặng cho cả xã hội. Số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng nhanh trong 3 năm gần đây là minh chứng rõ nét cho nạn thất nghiệp đáng báo động: Năm 2010 có hơn 4 nghìn người đăng ký BHTN, năm 2010 là hơn 16 nghìn người và năm 2012 là hơn 25 nghìn người. Trong khi đó, người lao động ở nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục lo lắng khi đứng trước nguy cơ mất việc làm, bất kể người lao động đó có trình độ đại học, cao đẳng hay chỉ là lao động phổ thông, thời vụ…

Nỗi lo thất nghiệp

Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) giờ tan ca chiều. Người lao động ùa ra cổng A và cổng B chẳng khác học sinh tan trường. Các lao động nữ đi xe đạp, xe máy song song, ríu rít trò chuyện. Nhưng nhiều người lao động không về thẳng nhà hoặc nhà trọ mà tạt vào bảng thông báo của khu công nghiệp. Ở đó có thông tin tuyển dụng lao động của một số công ty trong khu công nghiệp. Cũng giống như các đồng nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu, nhân viên văn phòng của công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản căng mắt dò tìm thông tin tuyển lao động. Dù vẫn đang có việc làm, nhưng chị Thu đang có nguy cơ thất nghiệp cao.

Chị Thu tâm sự: “Mức lương của em là gần 10 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, công ty liên tục đưa ra thông tin sẽ thu hẹp sản xuất và rút dần về nước. Rất nhiều công nhân của công ty đã phải nghỉ việc đi tìm việc mới. Thời gian em đi làm hiện giờ không đều như trước, có việc thì đến công ty, hết việc lại nghỉ. Vì thế lương cũng giảm đi. Thỉnh thoảng bọn em lại đi liên hoan chia tay một người quản lý Nhật Bản về nước. Em đang thấp thỏm không biết khi nào công ty đóng cửa hẳn nên phải tìm công việc mới thay thế. Tuy vậy, để tìm một công việc phù hợp với mức lương như cũ là rất khó”.

Cũng giống như công ty của chị Thu, những tháng cuối năm 2012, đầu năm 2013, hàng loạt công ty nằm trong các khu công nghiệp đã cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Cụ thể như Công ty Panasonic, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Công ty TNHH Giao nhận vận chuyển quốc tế Nam Khải (Hà Nội) giải thể. Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất, Hà Nội); doanh nghiệp chế xuất Nitory (KCN Quang Minh, Mê Linh); Công ty CP Cồn rượu Hà Nội… cũng cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Công ty công trình giao thông 240 ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội do không tồn tại các điểm thu phí nên người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp…

Người lao động thất nghiệp đang mỏi mắt tìm thông tin tuyển dụng.

Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi cũng không thể thống kê hết các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Đây là thực trạng đáng lo ngại, đẩy ra xã hội một lượng lao động thất nghiệp lớn. Nhiều người lao động lại loay hoay với bài toán tìm việc làm, xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Ghi tại một phiên giao dịch việc làm: “Cung” chưa gặp “cầu”

Sáng thứ năm, ngày 10/4, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội ở địa chỉ 285 Trung Kính, Hà Nội có hàng trăm lao động đến tìm việc cùng với khoảng 30 doanh nghiệp tuyển dụng. Người lao động tìm đến đây có trình độ khác nhau, từ đại học, cao đẳng, trung học cho đến trung học phổ thông… Các doanh nghiệp cũng tuyển dụng nhiều vị trí phong phú, từ giám đốc, trưởng phó phòng cho đến người quản lý, bán hàng, người giúp việc…

Chị Nguyễn Thị Ngân, quê ở Thanh Hóa cầm túi đựng đến 4 bộ hồ sơ xin việc và thở dài thườn thượt: “Em vẫn chờ để phỏng vấn, chưa biết có tìm được việc không”. Tốt nghiệp khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế năm 2012, Ngân đã làm một số công việc văn phòng cho các công ty tư nhân. Đây là lần thứ hai, Ngân đến đây tìm việc: “Em dự định nộp hồ sơ xin làm văn phòng cho Công ty Á Âu. Nhưng từ sáng đến giờ thấy nhiều người nộp hồ sơ vào quá, sợ không đến lượt mình”.

Còn ở cương vị doanh nghiệp tuyển dụng lao động, anh Đỗ Hiệp, Công ty Đầu tư Nhật Bản có địa chỉ ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội cũng trăn trở: “Công ty cần tuyển 15 lao động làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm. Thế mà sáng nay chúng tôi mới nhận được 5 hồ sơ”. Anh Hiệp cho biết, có hơn 10 lao động đến phỏng vấn nhưng không được nhận hồ sơ vì qua phỏng vấn anh nhận thấy họ chưa đủ điều kiện để làm việc.

Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất phiên giao dịch lần này là Công ty CP dịch vụ Giải trí Hà Nội (Công viên Hồ Tây) với hơn 100 lao động cho các vị trí: trông xe, bảo vệ, cứu hộ, bán hàng ẩm thực… Chị Nguyễn Hạnh Vi người tuyển dụng của Công ty này cho biết, thứ năm hàng tuần chị đều đến đây để tuyển lao động nhưng vẫn chưa đủ. Nhu cầu lớn là vậy, nhưng trong buổi sáng, Công ty này cũng mới tiếp nhận được 10 hồ sơ xin việc.

11h30, dù đã hết giờ giao dịch phiên sáng, nhưng đại diện một số doanh nghiệp vẫn chờ phỏng vấn những lao động cuối cùng. Họ muốn tìm đủ chỉ tiêu lao động đã đặt ra. Nhưng hầu như các doanh nghiệp đều chưa thỏa mãn.

Nói về nghịch lý doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động nhưng vẫn có nhiều người thất nghiệp, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) phân tích: “Sau mỗi phiên giao dịch, chỉ tiêu tuyển lao động phổ thông chỉ đạt 10%. Lý do là vì tỷ lệ lao động có trình độ đại học, cao đẳng quá lớn. Có phiên giao dịch, người lao động trình độ đại học, cao đẳng chiếm tới hơn 80%. Trong khi đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động phổ thông nhiều hơn. Đây chính là tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như người ta vẫn nhắc đến. Đó là hậu quả của việc đào tạo chạy theo thương mại, không gắn với xu thế phát triển của doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến người lao động làm trái ngành nghề. Điển hình như lao động có nghiệp vụ kế toán phải làm nhân viên kinh doanh, bán hàng. Hiện nay lực lượng lao động được đào tạo khối tài chính, kế toán và xã hội đang dư thừa”.

Về chất lượng lao động, anh Đỗ Hiệp, đại diện Công ty Đầu tư Nhật Bản cho rằng: “Thực trạng chung hiện nay là trình độ người lao động còn nhiều hạn chế, nhất là khi phải làm việc độc lập, tự tổ chức công việc. Người lao động còn thiếu tự tin, điều này có nguyên nhân từ khâu đào tạo. Môi trường đào tạo cho các học sinh, sinh viên hiện nay chưa giúp cho sinh viên có trình độ diễn đạt tốt. Trong khi đó, lao động là sinh viên mới ra trường thiếu tính ổn định, thiếu chuyên nghiệp do tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”.

Tại Hà Nội, thị trường lao động những tháng đầu năm 2013 đã sôi động hơn năm trước rất nhiều. Đây là tín hiệu vui báo hiệu nền kinh tế đang khôi phục, mở ra nhiều cơ hội cho người lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm giới thiệu việc làm, nhu cầu lao động tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là thương mại dịch vụ (chiếm hơn 60%) như bán hàng, kinh doanh, maketting, phát triển thị trường… chứ không phải là lĩnh vực sản xuất tạo ra sản phẩm.

Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất vay vốn, giúp cho nhiều doanh nghiệp đang phục hồi dần dần lao động sản xuất, tạo cơ hội cho người lao động quay trở lại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì không muốn làm công việc phổ thông, còn lao động phổ thông lại có tỷ lệ ít. Trong khi đó, nhu cầu doanh nghiệp cần tìm lao động có trình độ cao để tuyển dụng vào các vị trí quản lý thì lại rất khó khăn. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghịch lý “cung” “cầu” không gặp được nhau, góp phần gia tăng lao động thất nghiệp. Cũng bởi thế mà lượng lao động đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp luôn ở mức cao

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2013/4/196743.cand