Nghịch lý cắt giảm đầu tư công

Bên hành lang Quốc hội, có đại biểu níu tay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư để hỏi nhỏ, sao cũng là dự án nâng cấp cầu yếu, mà địa phương khác được làm, chúng tôi thì không?

>> Tái cấu trúc và lực cản nhóm lợi ích
>> Nhà nước có dám bỏ kinh doanh?

Xếp gạch giữ chỗ

Trong khi vị tư lệnh ngành kế hoạch - đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định Chính phủ đã "nổ phát súng đầu tiên" trong tái cơ cấu kinh tế ở đầu tư công, bắt đầu bằng chỉ thị số 1792 ngày 15/10 thì việc thực hiện thực tế vẫn còn để ngỏ.

Một phép tính sơ bộ của TS. Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright về dự kiến đầu tư của một số quy hoạch cơ sở hạ tầng: sân bay, cảng biển, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... từ nay đến năm 2020 cho thấy, để thực hiện tất cả những kế hoạch lớn ấy, mỗi năm, Việt Nam sẽ phải chi ra gần 15 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng mức đầu tư toàn xã hội Việt Nam, theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư là quá thấp, quá nhỏ bé, chỉ 19,9% chi ngân sách. "Năm 2011 giải ngân "chỉ bằng hơn 2 lần công trình đường tàu điện ngầm Bến Thành Suối Tiên....trong khi phải bố trí cho bao nhiêu công trình đường cao tốc, bến cảng của 63 tỉnh thành".

"Chúng ta phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, còn việc thực hiện dự án thì theo kiểu xếp gạch giữ chỗ", TS Phan Thanh Hà, Vụ phó Vụ Tài chính và Tiền tệ, Bộ KH-ĐT đúc kết.

Các chương trình, kế hoạch được phê duyệt không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, sự cần thiết và khả năng tiêu thụ, chưa ưu tiên cho hiệu quả kinh tế, mà theo ý chí chủ quan của số ít người.

Mới đây thôi, ta vừa cấp phép hai dự án sân bay mới: một ở Thanh Hóa và một ở An Giang. Đáng nói là, sân bay An Giang này chỉ cách hai sân bay Cần Thơ và Rạch Giá khoảng 60km. Trong khi đó, sân bay Cần Thơ hiện chỉ hoạt động chưa tới 20% công suất, đang lỗ nặng. Sân bay xây để phục vụ cho ai?

Đồ họa sân bay An Giang.

Đó cũng là những vấn đề được đặt lên bàn thảo luận của các đại biểu quốc hội khi nói về tình hình kinh tế - xã hội và tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc đầu tư công.

"Không thể trình lên là cắt ngay"

Ủng hộ cắt giảm và tái cấu trúc đầu tư công, thế nhưng, khi đụng vào vấn đề cụ thể ở từng địa phương, từng ngành, câu chuyện không đơn giản.

Khác với kì vọng của nhiều người về việc mổ xẻ giải pháp để tái cấu trúc kinh tế, đại biểu quốc hội lại tranh thủ bày tỏ bức xúc và vận động cho dự án đầu tư của địa phương mình.

Ủng hộ việc cắt giảm đầu tư công, nhưng đại biểu mà đa phần đều nắm các vị trí chủ chốt ở các địa phương vẫn liên tục chất vấn trước việc dự án ở địa phương mình phải phanh ngang xương. Đại biểu than, nhiều công trình hạ tầng cần thiết bị đình đốn, dở dang, gây lãng phí...

Lại có đại biểu níu tay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư để hỏi nhỏ, sao cũng là dự án nâng cấp cầu yếu, mà địa phương khác được làm, chúng tôi thì không?

Hèn chi, có đại biểu nhún vai nhận xét "nhìn đoàn đại biểu của dân nhưng không thấy dân, toàn các quan thôi", để "hiểu chuyện" và "có thể nói chuyện".

Về cắt giảm đầu tư công, thực tế, Bộ trưởng Vinh cho hay, đến giờ phút này, Chính phủ chưa cắt một đồng nào trong kế hoạch bố trí vốn năm 2011 của các bộ ngành, địa phương, chưa thu hồi một đồng vốn nào trở lại trung ương.

Cái sự phanh ngang ấy, chẳng qua, bởi ngành nào, địa phương nào cũng đều trót vung tay quá trán từ năm trước, ứng vốn năm sau để làm. Nói cách khác, ngành nào, địa phương nào cũng ăn vào tiền tương lai để dùng cho hiện tại, đến khi được yêu cầu làm đúng thì...

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Vinh cũng nói, "không thể trình lên cắt là cắt ngay". "Tháng 12, HĐND địa phương giao kế hoạch xong, thì tháng 2 chúng ta phải dừng toàn bộ chương trình, đó là vấn đề khó".

Thế nên, như Bộ trưởng Vinh nói, có nơi vẫn "làm cố, làm liều", tiếp tục dự án dù đã bị yêu cầu dừng lại. Theo báo cáo của UB Kinh tế của Quốc hội, có 330 dự án vượt đèn đỏ về đầu tư của Chính phủ.

Trước đó, tại một cuộc hội thảo về tái cấu trúc đầu tư công, vị cán bộ của Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, việc giảm vốn đầu tư "rất khó". "Để có dự án, bao nhiêu khâu đã phải hoàn tất, với nhiều công sức và tiền bạc, đâu phải muốn dừng mà được", vị cán bộ này phân trần.

Còn một chuyên gia của một tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì nói thẳng, "cắt giảm thế nào được, vì người ta bỏ tiền chạy dự án rồi".

Đề nghị nghiên cứu kĩ chỉ thị số 1792 ngày 15/10 - phát súng đầu tiên của việc tái cơ cấu kinh tế, Bộ trưởng Vinh khẳng định, sẽ không có chuyện mạnh ai nấy làm. "Lần này Thủ tướng và Chính phủ sẽ làm nghiêm. Những dự án làm sai sẽ bị thu hồi lại vốn".

Bản chất của việc tái cấu trúc đầu tư không phải là câu chuyện kĩ thuật như nhiều người vẫn tưởng, mà mấu chốt vẫn là ở ý chí chính trị và bản lĩnh không ngại đụng chạm của Chính phủ. Nếu không, như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói "sẽ không có tái cấu trúc đâu!”

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-11-01-nghich-ly-cat-giam-dau-tu-cong