Nghĩ về 'làng thần kỳ'

Hôm mới đây, tại buổi tiếp Thống đốc tỉnh Nagano Shuichi Abe (Nhật Bản) nhân chuyến thăm làm việc ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh ý tưởng chuyển giao kiến thức trồng rau sạch của tỉnh Nagano, đặc biệt là của “làng thần kỳ” Kawakami, theo hình thức cử chuyên gia sang Việt Nam chuyển giao công nghệ và tiếp nhận lao động trẻ của Việt Nam đến làng học tập kinh nghiệm.

Ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam mà nông dân vẫn phải vất vả mới thoát khỏi nghèo đói quả là vấn đề đại sự. Vì thế, việc giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm... giữa các “làng” của hai quốc gia để nâng cao mức sống của người dân không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là một việc làm mang đậm chất nhân văn cao cả.

Thế nhưng, ta sẽ học ở bạn những điều gì đây, đấy mới là điều đáng bàn.

Nhờ trồng rau xà lách Mỹ theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông dân làng Kawakami đã biến vùng đất cằn cỗi trở nên phồn thịnh và nổi tiếng, được vinh danh là “làng thần kỳ”. Thu nhập bình quân hằng năm của các hộ dân ở Kawakami đạt 25 triệu Yên, tương đương hơn 200 nghìn USD.

Và ở Việt Nam từ cách đây vài năm cũng đã có dáng dấp công nghệ và kinh nghiệm của “làng thần kỳ” xuất hiện. Đó là hai nông dân làng Kawakami đã sang Việt Nam hợp tác với một doanh nghiệp địa phương lập liên doanh An Phú Lacue để trồng rau xà lách Mỹ tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Ở đây, quy trình canh tác được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng kỹ thuật như tại làng Kawakami. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không phải là những nhãn hiệu cùng hãng cung cấp tại làng, nhưng thành phần các hợp chất phải tương tự. Loại giống nào, trồng bao nhiêu cây, trên bao nhiêu luống, lượng phân bón cho từng loại, từng luống rất chi tiết, rõ ràng đến mức một nhân viên văn phòng cũng có thể nắm rõ và hình dung thực tế từng đám rau...

Tuy vậy, ước mơ có thu nhập cao của bà con nông dân ở An Phú Lacue vẫn còn đang ở phía trước, bởi thị trường trong nước chưa sẵn lòng chấp nhận sản phẩm của họ.

Theo ông Takaya Hanaoca, hiện mỗi cây xà lách Mỹ của AnPhu Lacue bán cho siêu thị ở Việt Nam trên 20 nghìn đồng, mức bán lẻ mà siêu thị để bảng là trên 30 nghìn đồng. Mức giá này chưa phù hợp với đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Muốn thành công và mở rộng sản xuất, chỉ có con đường xuất khẩu.

Nêu câu chuyện này để thấy rằng, công nghệ có thể chuyển giao, kinh nghiệm có thể học hỏi..., nhưng các “làng” ở ta cần “liệu cơm gắp mắm” để tìm được phương án tối ưu về sản phẩm, về thị trường..., để có thể thực hiện được ước mơ và nỗ lực vượt qua nghèo khó của mình.

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/nghi-ve-lang-than-ky.html