Nghi vấn Tổng công ty Điện lực miền Bắc có khuất tất khi bán hơn 1,1 triệu cổ phiếu CVC

Mới đây, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ánh của nhà đầu tư Hoàng Minh Long (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) “tố” Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) bán cổ phần sai quy định.

Theo đơn khiếu nại, từ 12/1/2017 đến 3/2/2017, EVNNPC đăng ký bán 1.122.040 cổ phần CTCP Cơ điện Vật tư (CVC - UPCoM) đang nắm giữ, tương ứng 51% vốn điều lệ CVC, nhằm mục đích thoái vốn. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

“Là người quan tâm đến cổ phiếu CVC, trong thời gian từ 12/1/2017 đến 16/1/2017, tôi và một số nhà đầu tư khác có đặt mua toàn bộ 1.122.040 cổ phần CVC mà EVNNPC đăng ký bán trên sàn UPCoM ở mức giá trần 15.200 đồng/CP. Tuy nhiên, tại ngày 16/1/2017, EVNNPC đã bán toàn bộ số cổ phần này theo phương thức thỏa thuận ở mức giá 15.200 đồng/CP, mà không thực hiện giao dịch khớp lệnh trên sàn, dù có lệnh đặt mua”, ông Long chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Cụ thể tình hình giao dịch cổ phiếu CVC như sau: ngày 12/1/2017 có 1.363.900 cổ phiếu được đặt mua, ngày 13/1/2017 là 1.470.800 cổ phiếu và ngày 16/1/2017 là 2.590.000 cổ phiếu. Tất cả lệnh đặt mua đều ở mức giá 15.200 đồng/CP.

“Với cách giao dịch như trên, tôi cho rằng, EVNNPC đã thiếu minh bạch. Dường như có khuất tất ở việc lựa chọn nhà đầu tư trong quá trình thoái vốn của EVNNPC tại CVC. Đó là chưa kể việc bán thỏa thuận ở mức giá 15.200 đồng/CP không đảm bảo hiệu quả thoái vốn, thậm chí là gây tổn thất cho Nhà nước, bởi hoàn toàn có thể bán số cổ phần này ở mức giá cao hơn”, ông Long nói và cho biết, sẵn sàng mua toàn bộ số cổ phần này với giá 20.000 đồng/CP.

Theo viện dẫn của nhà đầu tư này, Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định rõ, việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong trường hợp chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá.

Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, việc EVNNPC không minh bạch trong bán cổ phần CVC đã ngăn cản nhà đầu tư khác muốn trở thành cổ đông của CVC, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Do đó, cổ đông này đã đề nghị hủy bỏ kết quả bán vốn ngày 16/01/2017, thay vào đó là thực hiện giao dịch khớp lệnh trên sàn giao dịch, tạo sự công bằng cho các nhà đầu tư và tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Về phía CVC, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Công ty khẳng định, CVC thực hiện đúng quy định về giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu CVC trên sàn UPCoM và pháp luật về giao dịch chứng khoán hiện hành.

“Chúng tôi đã xây dựng, phê duyệt Quy chế chuyển nhượng cổ phiếu CVC của EVNNPC, trong đó có quy định về phương thức giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu, đồng thời công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu CVC theo đúng quy định”, vị đại diện trên cho biết.

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Long cho rằng, câu trả lời của CVC vẫn chưa giải đáp được băn khoăn của ông và các nhà đầu tư khác. Bởi Quy chế chuyển nhượng được CVC đưa ra vào sáng ngày 13/1 mới được công bố, trong khi ngày giao dịch đầu tiên là ngày 12/1.

Bên cạnh đó, Điều 14 Quy chế chuyển nhượng ghi rõ, nếu giao dịch thỏa thuận chưa xác định được nhà đầu tư thì sẽ thực hiện bán trực tiếp trên sàn, nhưng trong 2 ngày 12 và 13/1 đều không có giao dịch thỏa thuận, trong khi có nhiều nhà đầu tư đăng ký mua đủ, thậm chí là vượt khối lượng cổ phần bán ra.

Được biết, vào ngày 16/1/2017, ông Hoàng Minh Long đã gửi đơn khiếu nại đến các bên liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) - Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVNE), EVNNPC và Công ty cổ phần Cơ điện vật tư (mã CVC – UPCoM). Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả khi có diễn biến mới.

Điều 38: Chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:

1. Nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước:

b) Bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong trường hợp chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá.

4. Phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần:

a) Đối với công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM thì việc chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phiếu) thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.

Kim Lan

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/nghi-van-tong-cong-ty-dien-luc-mien-bac-co-khuat-tat-khi-ban-hon-11-trieu-co-phieu-cvc-176574.html