Nghi vấn Sơn Tùng 'đạo' nhạc: Tùng Dương, Mạnh Thắng đang 'chọc tổ kiến'!

Trong khi ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau" của Sơn Tùng đang gây tranh luận trên mạng Internet thì giới chuyên môn lại tỏ ra thờ ơ. Ngay cả việc chia sẻ thường thấy trên trang cá nhân cũng được "né đi cho lành".

Ngoài Mạnh Thắng, viết trên trang cá nhân, chỉ ca sĩ Tùng Dương "đăng đàn" phản biện, dù anh biết việc này sẽ khiến mình bị fan cuồng "tấn công". Vậy nhưng, đó không phải là vấn đề Tùng Dương lo lắng, bởi với anh: "Chẳng ai tự hào có fan như thế, dù đông tới cỡ nào".

Hình ảnh Sơn Tùng trong MV “Chúng ta không thuộc về nhau”. Ảnh: TL

“Đạo” nhạc là phong cách của Sơn Tùng?

Cũng như mọi lần, mỗi khi ra mắt sản phẩm mới, Sơn Tùng đều bị cộng đồng mạng mổ xẻ, đưa ra những bằng chứng cho thấy anh vay mượn từ các ca khúc, MV nước ngoài. Đến mức, có thông tin cho rằng, sự ồn ào này nằm trong "chiến lược" phát triển dành cho Sơn Tùng. Đó là nổi nhờ tranh cãi về “đạo” nhạc.

Ngay sau khi có thông tin “đạo” nhạc, ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau" có lượt nghe chóng mặt. Theo thống kê, sau 4 ngày phát hành, MV này đã có lượt nghe lên đến gần 15 triệu. Đây là con số kỷ lục mà chưa có một nghệ sĩ nào trong nước đạt được. Các ca khúc trước cán mốc kỷ lục cũng nhờ "công thức" này. Nếu có gì đó bất bình thường ở đây thì đó chính là sự né tránh đáng ngạc nhiên của giới nhạc sĩ, ca sĩ. Khi được hỏi, lý do vì sao lại từ chối trước vấn đề mang tính chuyên môn của chính mình, thì câu trả lời của họ thường là: “Chúng tôi đã nói nhiều rồi, nhưng lần nào cũng như thế thì nói làm gì nữa”. Số khác lại cho rằng, với việc “đạo” nhạc như vậy thì không đáng phải lên tiếng, vì nó không phải là tác phẩm. Ngoài ra, còn có một lý do nữa là những nghệ sĩ tên tuổi không muốn trở thành mục tiêu công kích của những người hâm mộ Sơn Tùng.

Thực tế thì điều này đã xảy ra với ca sĩ/nhạc sĩ Cát Tường. Chỉ là những dòng chia sẻ đơn thuần về cảm xúc và không nêu đích danh Sơn Tùng trên trang cá nhân, nhưng sau đó cô đã trở thành mục tiêu "bắn đại bác" của đông đảo fans cuồng Sơn Tùng. Cô viết: "Thật buồn khi cảm thấy mọi giá trị đạo đức đều bị đảo lộn, cái gì cũng có thể dễ dàng đưa lên để giới trẻ noi theo. Con người có thể bất chấp và xem thường mọi thứ để được trở thành tâm điểm và vẫn nghiễm nhiên sống vui vẻ, được tôn vinh là "luôn cháy hết mình với âm nhạc và không bao giờ từ bỏ ước mơ"... Mình rất ngại chia sẻ tâm tư cá nhân, nhưng hôm nay mình thấy buồn không chịu nổi nữa nên phải viết ra".

Cho đến thời điểm hiện tại, người duy nhất trả lời công khai trên báo chí là ca sĩ Tùng Dương. Đây là lần thứ hai, nam ca sĩ thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng về Sơn Tùng, dù anh biết như thế là đương đầu với “gạch đá”. "Một bộ phận khán giả trẻ a dua, sẵn sàng dùng những lời lẽ thóa mạ tới tận cùng. Thay vì dùng từ cho thấy chúng ta được trang bị tri thức tốt, họ lại sẵn sàng làm những điều ác độc. Chẳng ai tự hào có fan như thế, dù đông tới cỡ nào", Tùng Dương chia sẻ.

Chỉ qua mắt được người nghe nhạc phổ thông

Trong khi giới chuyên môn né tránh và cũng không đưa ra được những phân tích thấu đáo về nhạc lý cho thấy Sơn Tùng “đạo” nhạc thì cộng đồng mạng đã chứng tỏ sự sắc bén của mình một cách đầy thuyết phục. Trên trang cá nhân của Phạm Mạnh Thắng, người từng thi The Voice mùa thứ hai đã có bài phân tích chuyên sâu về ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” và nhận được hàng trăm nghìn bình luận, tranh luận, vài trăm nghìn lượt thích, vài nghìn lượt chia sẻ.

Đoàn Mạnh Thắng phân tích, hợp âm ca khúc “We don’t talk anymore” của Charlie Puth là một trong những cấu trúc hợp âm rất hiếm chứ không hề là một bản nhạc viết trên các vòng hợp âm phổ biến, quen thuộc. Nói về các vòng hợp âm lạ, khó có thể kể đến bài “My Love” của Justin Timberlake chỉ có 3 hợp âm thứ, hoặc vòng hợp âm bài “Mây” của Đỗ Bảo, bài “Em về tóc xanh” của Quốc Bảo... Vậy tại sao ca khúc “We don’t talk anymore” có vòng hợp âm hiếm như thế mà ngay sau đó Sơn Tùng cho ra lò một ca khúc với vòng hợp âm giống y chang được?

Về giai điệu lại rất giống một số câu mở đầu của phần verse và điệp khúc. Đoạn điệp khúc "Chúng ta không thuộc về nhau" và "We don’t talk anymore" giống về nốt. Đoạn verse "Niềm tin đã mất giọt nước mắt cuốn ký ức..." và pre-chorus "Don’t wanna know what kind of the dress you're wearing..." cũng giống nhau các nốt (7 - 8 nốt). "Nếu vừa giống nhiều nốt liền nhau trong nhiều câu, vừa giống y nguyên vòng hợp âm, vừa giống tiết tấu và cấu trúc, lại tương đương về chỉ số BPM... thì 99% là có sự mượn ý tưởng ở đây và hoàn toàn có cơ sở để kết luận là đạo nhạc", Đoàn Mạnh Thắng viết.

Anh cũng cho rằng: "Sơn Tùng vay mượn mỗi chỗ một ít rồi phối lại thành cái của mình, chỉ qua mắt được những người nghe nhạc phổ thông chứ không qua mắt được những người có kiến thức về âm nhạc". Nguyên nhân khiến Sơn Tùng trở thành người có "thương hiệu" về "đạo" như vậy có lẽ nằm ở chỗ, giọng ca gốc Thái Bình từng là một nghệ sĩ underground. Mà một thực tế là không ít nghệ sĩ underground Việt lâu nay vốn đã là những người thường xuyên viết lời và giai điệu trên beat bài hát khác. Chính vì vậy mà hàng loạt các ca khúc sau đó của Sơn Tùng đều không thể thoát được gốc gác của phong cách âm nhạc mà anh ta thuộc về.

Trong khi chuyện Sơn Tùng “đạo” nhạc chưa ngã ngũ thì có một thực tế là nó đang khiến Sơn Tùng nổi hơn, kiếm được nhiều tiền hơn nhờ lượt người nghe không ngừng tăng lên. Theo nhạc sĩ Anh Quân, đây mới chính là sự nguy hiểm của một nền âm nhạc. Nó cho thấy sự hỗn mang của nhạc Việt khi không phân biệt được đúng sai và những thứ phi sáng tạo lại được cổ vũ trở thành hiện tượng. Đây cũng chính là lý do để nhạc sĩ này cho rằng, mình không đáng phải lên tiếng, vì "đã nói nhiều lần rồi mà vẫn thế".

Trào lưu “chế” Sơn Tùng sôi động trên mạng

Nếu như các nghệ sĩ trong giới dè chừng và giữ quan điểm "an toàn là bạn" thì cộng đồng mạng lại khá sôi động và không ngại đụng chạm. Tiêu đề của hai ca khúc được chế thành "Chúng ta không thuộc về nhau" và "Chúng ta talk anymore"; "Sơn Tùng có luộc được rau"... Kèm với đó là clip chế ca khúc của Sơn Tùng được hát trên nền nhạc của "We don't talk anymore" mà không bị vênh nhau là mấy. Từ những điểm tương đồng này, cộng động mạng đã hài hước gán cho Sơn Tùng trọng trách là một "sứ giả" khi kết hợp nhạc Mỹ và Hàn Quốc, xóa bỏ được hiềm khích của fan K-Pop và US-UK bấy lâu nay. Hài hước nữa là lời "khuyên" công chúng không nên "bất công" với Sơn Tùng: “Trên thế giới này mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng riêng… Có người theo đạo Phật, người theo đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Hindu. Sơn Tùng theo "đạo” thì sao mọi người lại làm ầm lên. Bất công với Tùng quá”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: Q.Đức

Cần thành lập một hội đồng thẩm định

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng, sẽ thật nguy hiểm nếu chúng ta biết là sai, là “đạo nhái” mà vẫn cho lưu hành. Đây là trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL, Cục Bản quyền và các hội chuyên ngành như: Hội Nhạc sĩ, Hội Âm nhạc... cần vào cuộc để thẩm định tác phẩm. Nếu đúng như giới chuyên môn nhận định thì phải có biện pháp cứng rắn, thậm chí cấm diễn. Chúng ta nói bảo vệ âm nhạc, khuyến khích sáng tạo mà thờ ơ với “đạo nhái” cũng chính là dung dưỡng cho nó, khiến nó ngày càng lây lan hơn. "Theo tôi, các cơ quan chuyên ngành cần phải thể hiện trách nhiệm, tiếng nói và cả vai trò quản lý của mình. Không nên phó thác cho công chúng tự cảm nhận, tự mổ xẻ để rồi mọi thứ lại vẫn như cũ", nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.

Liên hệ với Hội Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói, ông đang đi công tác nên chưa kịp nghe ca khúc của Sơn Tùng. Thứ nữa, ông cho rằng, Sơn Tùng là ca sĩ tự do, không phải là hội viên của Hội nên không thể đưa ra ý kiến đánh giá.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nghi-van-son-tung-dao-nhac-tung-duong-manh-thang-dang-choc-to-kien-20160808075928345.htm