Nghỉ Tết Nguyên đán 2017: Người lao động thích phương án 10 ngày

Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2017 là 7 hoặc 10 ngày. Tuy chưa có quyết định chính thức nhưng nhiều người lao động hy vọng sẽ có một kỳ nghỉ dài.

Nghỉ Tết dài ngày giúp người lao động vơi bớt nỗi lo chuyện tàu xe

Theo dự thảo đề xuất lịch nghỉ các ngày lễ, Tết trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán. Phương án 1 là nghỉ 2 ngày cuối năm Bính Thân và 3 ngày đầu năm Đinh Dậu, không hoán đổi ngày nghỉ.

Do ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Âm lịch trùng vào ngày thứ bảy và chủ nhật nên công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày mùng 4 và mùng 5 tết Âm lịch (tức ngày 31-1 và 1-2-2017), tổng cộng là 7 ngày liên tục.

Phương án hai là nghỉ 1 ngày cuối năm Bính Thân và 4 ngày đầu năm Đinh Dậu, tức là 7 ngày liên tục từ 27-1 đến 2-2-2017. Vì ngày 3-3-2017 là thứ sáu nên Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phương án hoán đổi, cho nghỉ ngày thứ sáu và đi làm bù vào thứ bảy ngày 11-2. Như vậy, tổng số ngày nghỉ theo phương án này là 10 ngày liên tục.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đối tượng áp dụng lịch nghỉ Tết do bộ đề xuất là công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội.

Đối tượng áp dụng hoán đổi ngày nghỉ là công chức, viên chức của các đơn vị có lịch nghỉ hằng tuần là 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, đối với công chức, viên chức thuộc đối tượng đi làm cả ngày thứ bảy thì không áp dụng hoán đổi nên vẫn đi làm bình thường. Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH nghiêng về phương án 1, bởi “nghỉ Tết 7 ngày là hài hòa, không quá ngắn cũng không quá dài”.

Đề xuất lịch nghỉ Tết Âm lịch 2017 của Bộ LĐ-TB&XH vừa được công bố đã thu hút nhiều ý kiến dư luận. Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Kinh tế chính sách và Thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận xét, dù chưa có phương án nghỉ Tết chính thức nhưng doanh nghiệp nên bố trí để người lao động được nghỉ Tết dài ngày.

Điều này vừa tốt cho người lao động vừa tốt cho nền kinh tế, hơn nữa cũng không ảnh hưởng đến quá trình vận hành sản xuất của doanh nghiệp. “Đối với người lao động làm việc xa quê, nghỉ Tết dài giúp họ vơi bớt nỗi lo tàu xe, giảm áp lực về thời gian đi lại từ các thành phố lớn về quê đón Tết cũng như trở lại làm việc sau Tết. Bên cạnh đó, nghỉ dài ngày còn giúp kích cầu mua sắm, để người dân có điều kiện đi du lịch, tác động tích cực đến nền kinh tế”- ông Đặng Quang Điều phân tích.

Về lịch nghỉ Tết, anh Nguyễn Tiến Trọng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho rằng: “Những công nhân quanh năm xa gia đình như chúng tôi luôn mong kỳ nghỉ Tết dài để có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, sum họp bên gia đình sau một năm làm việc. Thời gian nghỉ 10 ngày cũng không quá dài! Nếu nghỉ Tết ngắn quá chúng tôi phải xin nghỉ thêm phép năm”.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Mai Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) đang làm việc tại một cơ quan hành chính sự nghiệp của Hà Nội cho biết: “Tôi ủng hộ việc nghỉ Tết dài ngày. Đây là cơ hội duy nhất trong năm để tôi dành thời gian cho con cái, có thời gian về quê thăm gia đình và đi chơi đây đó”.

Nhiều người cho rằng, nghỉ Tết kéo dài thì số ngày làm việc của công chức, viên chức ngắn lại. Tuy nhiên, việc hoán đổi ngày nghỉ đảm bảo số ngày làm việc của người lao động không thay đổi. Do đó, việc giải quyết công việc phục vụ doanh nghiệp, người lao động vẫn sẽ được đảm bảo.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nghi-tet-nguyen-dan-2017-nguoi-lao-dong-thich-phuong-an-10-ngay/705611.antd