Nghỉ Tết 7 ngày hay 10 ngày: Nhà khoa học phân vân

Chúng ta không nên nghỉ ít quá, cũng không nên nghỉ nhiều quá, kéo dài 5-7 ngày là vừa phải.

Đừng nên nghỉ đồng loạt

Trước 2 phương án nghỉ 7 ngày và 10 ngày cho dịp Tết 2017, Bộ LĐTB-XH trình Chính phủ, PGS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nên dựa theo các điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của đất nước.

Trao đổi với Đất Việt, ông Thanh chỉ rõ: "Phải xuất phát từ điều kiện môi trường, điều kiện làm việc, có người so sánh với các nước, tôi cho rằng mỗi quốc gia có điều kiện lao động, học tập, công tác mang tính đặc trưng riêng.

Bộ muốn đưa ra phương án nghỉ tết bao nhiêu ngày về mặt nguyên lý chung, cũng phải biết xuất phát từ tiêu chí gì? Người lao động tất nhiên thích nghỉ nhiều ngày, nhưng với nhà quản lý thì sẽ phải cân nhắc, vì ảnh hưởng kinh tế, gia tăng sản phẩm, lợi nhuận của DN đó là lợi ích của 2 phía.

Vì thế, phải xác định rõ ngày nghỉ tương ứng phù hợp với từng loại thành phần nhất định, với học sinh phổ thông, với bộ máy công quyền quản lý nhà nước, với công nhân, chứ không đánh đồng các thành phần như nhau.

Việc nghỉ lễ Tết cũng nên cân nhắc không phải nghỉ một cách đồng loạt, phải nghỉ so le ra, chỉ lấy ngày mùng 1, mùng 2 làm trục chính, tất cả được nghỉ, còn đâu thì chia ra người làm sớm, người làm muộn.

Không nên nghỉ Tết quá dài hoặc quá ngắn

Như vậy sẽ tác động tích cực với vấn đề giao thông, không ùn tắc, xóa bỏ được cảnh năm nào cũng người người chen lấn ra về, sau Tết chen lấn đi lên chỗ lao động, công tác, chính như vậy sinh ra tai nạn, chết người".

Theo ông Thanh, nên áp dụng thời gian, số lượng nghỉ với từng loại thành phần dân cư nhất định, ví dụ nhà nông có thể nghỉ thoải mái, học sinh nghỉ không nên quá dài tránh gây phức tạp cho việc quản lý con em tại gia đình, chuyện học hành chểnh mảng.

"Nên có việc thăm dò các nhóm thành phần dân cư, đưa ra tiêu chí chung, tôi cho là Bộ LĐTB-XH nên đưa ra khung tiêu chi cho bộ phận quản lý các thành phần dân cư, áp dụng vào thực tiễn điều kiện cụ thể của họ để gải quyết số lượng ngày nghỉ. Từ đó, xóa bỏ việc thống nhất cả nước nghỉ bao nhiêu ngày.

Theo quan điểm của tôi không nên nghỉ ít quá, cũng không nên nghỉ nhiều quá, kéo dài 5-7 ngày là vừa phải.

Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có nghỉ Tết âm lịch, nhưng mỗi bộ phận lại nghỉ theo 1 lịch khác nhau, chứ không nghỉ đồng loạt như VN. Tôi nghĩ các bộ phận chuyên gia đưa ra chính sách nên tham khảo các nước có văn hóa tương đồng, để hình thành tiêu chí.

Cái này xuất phát từ phong tục tập quán, nền văn hóa, nên học hỏi kinh nghiệm, các nước có điều kiện kinh tế XH tương đồng thì khi áp dụng sẽ tích cực hơn", vị chuyên gia trên khẳng định.

Truyền thống phương Đông không bỏ được Tết Nguyên đán

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH) cho biết: "Chúng ta luôn có 2 quan điểm về vấn đề này, một là, quan điểm của DN, nếu nghỉ dài thì sẽ lãng phí sức lao động, đặc biệt, DN làm việc theo dây chuyền, trong 10 ngày dây chuyền ngừng sản xuất, hoặc là nghỉ lõm bõm, người nghỉ người không, sẽ phí các đơn hàng, thiệt hại kinh tế khó đo đếm.

Hai là, quan điểm của người lao động dựa theo nguyên tắc bảo vệ và tái tạo sức lao động, tổng số ngày nghỉ của người VN trong năm không cao so với các nước. Mà nguyên tắc của lao động là làm việc và nghỉ ngơi, phải hài hòa, không phải bỗng nhiên, Bộ LĐTB-XH cũng có chủ trương kéo dài thời gian cho người lao động, để không phải nghỉ xen kẽ.

Với thời gian nghỉ dài họ sẽ giải quyết việc riêng, việc gia đình, cơ quan. Hơn nữa, nếu làm việc sau ngày nghỉ sẽ khó hiệu quả, nếu hôm nay làm, mai nghỉ, ngày kia lại đi làm thì chắc chắn ngày đi làm giữa họ sẽ chỉ loăng quăng chơi, đặc biệt, cơ quan hành chính sự nghiệp, cán bộ công chức.

Chính vì thế, khi ra quyết định phải giải quyết hài hòa cả hai hướng này, tôi nghĩ không nên nghỉ quá dài, nhưng cũng không nên nghỉ quá ngắn".

Mặt khác, theo ông Tiến, các nước trên thế giới, họ vẫn cho khoảng nghỉ tương đối, nhưng lại tùy DN sắp xếp, đối với lao động thuận lợi hơn, chứ không áp dụng theo kiểu cứng nhắc.

Trước ý kiến cho rằng học hỏi Nhật Bản, gộp Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch, ông Tiến nói rõ: "Thực ra câu chuyện này cũng đã được tranh cãi nhiều rồi, nhưng khó nói được, vì truyền thống phương Đông chúng ta sẽ không thể bỏ Tết Nguyên đán.

Tất nhiên nó có ảnh hưởng năng suất lao động, nhưng văn hóa phát triển, thì vẫn phải duy trì. Chính vì thế, tôi mới nói năm nào Tết Âm lịch và Dương lịch gần nhau, thì điều chỉnh ngày nghỉ sao cho hợp lý, nhưng dù gì tôi vẫn ủng hộ phương án nghỉ Tết Âm lịch nhiều hơn.

Trong tương lai gần theo tôi nên làm như vậy, còn tương lai xa thì như Nhật Bản họ bỏ Tết Âm lịch cũng là việc khó, nhưng một thời gian họ sẽ làm được và được dân ủng hộ".

Về bản thân mình, theo ông Tiến do làm khoa học nên chuyện nghỉ sớm hay muộn cũng không quá ảnh hưởng, nhiều khi, nghỉ ở nhà vẫn làm việc, làm sao hoàn thành các đề tài theo đúng hạn định, thậm chí thức thâu đêm là chuyện bình thường.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nghi-tet-7-ngay-hay-10-ngay-nha-khoa-hoc-phan-van-3321440/