Nghi sốc phản vệ khi chạy thận ở Hòa Bình: PTT Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo cứu chữa

Hơn 100 bệnh nhân suy thận mãn ở Hòa Bình đã được chuyển về Hà Nội để duy trì chạy thận nhân tạo từ sáng nay (30/5).

Liên quan đến vụ tai biến nghi là sốc phản vệ hàng loạt đối với 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đến 0 giờ ngày 30/3, đã có 7 bệnh bệnh nhân tử vong, 1 người trong tình trạng nặng và 10 người còn lại được chuyển lên tuyến trên điều trị. Hơn 100 bệnh nhân suy thận mãn cũng được chuyển về Hà Nội để duy trì chạy thận nhân tạo từ sáng nay (30/5).

Một trong 10 bệnh nhân được chuyển về Hà Nội đêm 29/5.

Trước đó, trong tối qua, Phó Thủ tướng Vũ Đam đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thăm các bệnh nhân và động viên người nhà các nạn nhân.

Đến thời điểm này, đã có 10 bệnh nhân trong vụ tai biến y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình được chuyển Bệnh viện Bạch Mai để theo dõi và điều trị.

Bà Bùi Thị Rấm ở xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi, trước khi được chuyển về Hà Nội cho biết: “Lúc sáng mới bắt đầu chạy thận thì tôi thấy, tức ngực, nôn mửa, tê tay, tê chân. Giờ thì bình thường rồi nhưng tôi vẫn sợ lắm”.

Sau khi vụ tai biến xảy ra, tối 29/5, Cục trưởng cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến Hòa Bình làm việc với Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh và các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai. Ông Khuê yêu cầu Bệnh viện đa khoa Hòa Bình dừng hoạt động chạy thận nhân tạo, tập trung cứu chữa bệnh nhân tai biến.

“Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cần phối hợp với các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai do Bộ Y tế điều động để tiếp tục xử trí cứu chữa cho người bệnh. Thành lập Hội đồng chuyên môn theo đúng quy định để xác định tập thể, cá nhân có hay không có sai sót chuyên môn, xử lý nghiêm nếu có sai phạm”, ông Khuê nhấn mạnh.

Trực tiếp tham gia cấp cứu những bệnh nhân vụ tai biến hy hữu này, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo.

Bác sĩ Nguyên cho biết: “Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến vụ tai biến này. Có thể do quá trình lọc máu với rất nhiều công đoạn từ máy móc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, xử lý nước và rất nhiều thuốc mà bệnh nhân phải dùng; rồi có thể do yếu tố con người, môi trường xung quanh”.

Sau khi chuyển 10 bệnh nhân bị tai biến về Bệnh viện Bạch Mai điều trị trong đêm qua thì vấn đề đặt ra hiện nay là hơn 100 bệnh nhân trước đây thường xuyên chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục được lọc máu chu kỳ ở đâu? Về vấn đề này, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu tỉnh Hòa Bình chuyển những bệnh nhân về Hà Nội trong sáng nay để người bệnh tiếp tục được chạy thận.

Tiến Sỹ Đào Xuân Cơ, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Việc chuyển những bệnh nhân này tôi tiên lượng hết sức khó khăn vì hôm qua bệnh nhân chưa được chạy thận nên nguy cơ tăng u-rê trong máu, tăng huyết áp và thừa thể tích. Họ cũng là những người có nguy cơ cao vì vậy phải chuẩn bị về nhân lực cần thiết. Những bệnh nhân nào yếu thì nên ở lại để Bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình chạy thận. Những bệnh nhân nào sức khỏe cho phép có thể về Hà Nội được thì mới đưa về”.

Cũng trong tối qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo ngành y tế và tỉnh Hòa Bình cần nỗ lực bằng mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân, đồng thời thăm hỏi và động viên người nhà những người bệnh trong vụ tai biến y khoa này./.

Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nghi-soc-phan-ve-khi-chay-than-o-hoa-binh-ptt-vu-duc-dam-truc-tiep-chi-dao-cuu-chua-629981.vov