Nghị quyết xử lý nợ xấu: Có chạy tội cho một số cá nhân?

'Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu Chính phủ trình QH hôm nay thà muộn còn hơn không', T.S Nguyễn Đức Hưởng nói.

TS Nguyễn Đức Hưởng cho rằng xử lý nợ xấu cần luật hóa, không nên dừng ở Nghị quyết mang tính nhiệm kỳ

TS Nguyễn Đức Hưởng cho rằng xử lý nợ xấu cần luật hóa, không nên dừng ở Nghị quyết mang tính nhiệm kỳ

Trao đổi bên lề Hội thảo về “Xử lý nợ xấu – nhìn từ góc độ chính sách” chiều nay do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, TS Nguyễn Đức Hưởng - Cố vấn cao cấp LienVietPostBank cho hay: "Đây là thời điểm quan trọng để đưa ra Nghị quyết về xử lý nợ xấu do bất động sản đang trong quá trình “rã băng”.

Ông Nguyễn Đức Hưởng phân tích: "Thời điểm này, nhờ sự ấm lên của thị trường bất động sản, có thể gỡ được “cục máu đông” nợ xấu, thu tiền phục vụ phát triển kinh tế. Suốt 5 năm qua, hệ thống các ngân hàng thương mại cùng với Ngân hàng Nhà nước đã tích cực xử lý được 53% nợ xấu. Hiện còn 47% nợ xấu vẫn đang “tồn”, trong đó có tới 43% là nợ đọng khó xử lý do còn nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý.

Cụ thể các vướng mắc này là gì, thưa ông?

Hiện nay, xử lý nợ xấu đang vướng ở chỗ khi ngân hàng cho vay thì người đi vay đồng ý thế chấp, qua công chứng, giao dịch được bảo đảm. Nhưng khi người vay không trả được nợ thì ngân hàng lại không được thu giữ tài sản đảm bảo để tự xử lý mà phải thông qua cơ quan công an, tòa án. Đáng nói là ngay cả khi tòa án xử xong thì công tác thi hành án mất rất nhiều thời gian. Đáng ra có thể xử lý trong 3 tháng thì nay đến 3 năm cũng không xong.

Theo tờ trình của Chính phủ, đến 31.12.2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế.

Thống kê kết quả kinh doanh chỉ riêng 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank,Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quý I/2017 cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đã là 50.695 tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái.

Xử lý không được nên ngân hàng từ chủ nợ trở thành kẻ hành khất, khi cho vay thì đứng, khi thu nợ thì quỳ. Nếu cứ để tình trạng này thì chỉ vì một số khách hàng chây ỳ mà hàng loạt người dân gửi tiền tiết kiệm cũng phải chịu hệ lụy.

Nợ xấu không xử lý được sẽ chồng chất, mất chi phí. Tồn tại đó không phải chỉ ngành ngân hàng gánh mà cả nền kinh tế phải gánh chịu. Nền kinh tế đang thiếu vốn nhưng nợ xấu cứ như thế này thì không thể đạt tăng trưởng được.

Có ý kiến cho rằng chỉ nên khoanh vùng xử lý nợ xấu từ 31/12/2016 trở về trước, còn từ năm 2017 tới nay, các ngân hàng phải tự xoay sở, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng ý kiến này hết sức vô lý vì chúng ta thực hiện theo kinh tế thị trường, kinh tế còn đi theo đồ thị lên, xuống nên lúc nợ tốt, lúc nợ xấu cũng là quy luật chung. Cần phải luật hóa chứ không chỉ dừng ở Nghị quyết, không nên xử lý theo tính chất nhiệm kỳ, ngắt quãng.

Nếu Nghị quyết được thông qua thì theo ông tỷ lệ nợ xấu được xử lý có thể tăng lên bao nhiêu?

Hiện nay trong 100% nợ xấu, ngành ngân hàng đã xử lý được 53%, còn 47% nữa, trong đó 43% đang rất vướng như tôi đã nói ở trên. Tôi cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ấm lên thì nợ xấu có thể được xử lý tới 60-70%.

Thời gian qua các ngân hàng vẫn tăng mạnh tín dụng, điều này có gây ra tăng trưởng tín dụng nóng và làm tăng nợ xấu không thưa ông?

Tín dụng tăng cao cũng có khía cạnh tích cực, nó thể hiện nền kinh tế có phát triển. Khi có cung, có cầu thì người vay mới vay vốn. Nếu coi là đó là tăng nóng thì phải xem xét kỹ là tăng nóng vào lĩnh vực nào, nếu tăng nóng vào bất động sản thì có thể xảy ra bong bóng. Nhưng tôi nghĩ bất động sản hiện khó có thể tạo ra bong bóng như trước đây vì lĩnh vực này mới đang trong giai đoạn hồi phục, nếu kiểm soát được lạm phát thì vẫn kích thích nền kinh tế hơn là giảm phát.

Tôi cũng cho rằng hiện nay nền kinh tế chúng ta đang xuống sàn nên không thể coi là tăng trưởng nóng được.

Có ý kiến cho rằng việc ban hành Nghị quyết có thể tạo lối thoát trách nhiệm cho một số cá nhân gây ra nợ xấu, ông nghĩ sao?

Hiện nay có rất nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri quan tâm Nghị quyết này. Nói Nghị quyết ưu ái cho ngành ngân hàng hay chạy tội cho một số cán bộ gây ra nợ xấu là không phải. Vì đây không phải là xử lý cho riêng ngành ngân hàng mà là cho cả nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo khắt khe, nợ xấu tới đâu, sai trái tới đâu xử lý nghiêm theo pháp luật tới đó.

Nghị quyết được soạn thảo rất gấp liệu có hoàn thiện và xử lý triệt để nợ xấu ông thưa ông?

Nghị quyết ra gấp nhưng có thuận lợi là nợ xấu đa số là ở bất động sản đóng băng do giá giảm nhưng nay bất động sản đang phá băng dần, giá lên nên Nghị quyết này ra là công cụ phá “cục máu đông”, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế đang thiếu vốn.

Tôi cho rằng Nghị quyết được ban hành thời điểm này là quá muộn, nợ xấu đã tồn tại 6-7 năm nay. Nhưng theo tôi muộn còn hơn không.

Xin cảm ơn ông!

Trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Chính phủ trình Quốc hội ngày 23/5 có 4 nội dung đáng chú ý:

Thứ nhất, về nguyên tắc, giá bán nợ và giá bán tài sản bảo đảm phản ánh giá trị thị trường tại thời điểm xử lý, giá này có thể cao hoặc thấp hơn giá trị của khoản nợ trước đây. Người bán theo đúng quy định pháp luật, nếu bán thấp hơn giá ghi số thì cũng không phải chịu trách nhiệm. Người gây ra hậu quả dẫn tới nợ xấu vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Thứ hai, mở rộng đối tượng được mua nợ xấu VAMC bao gồm pháp nhân, cá nhân không có chức năng mua, bán nợ. Việc mở rộng này được kì vọng sẽ giúp thị trường mua bán nợ hình thành và hoạt động hiệu quả. Trước đây, VAMC mua được nợ xấu từ các TCTD, nhưng không thể bán nợ cho bên thứ ba (ngoài DATC, AMC của các TCTD), nếu bên thứ ba không đăng kí kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.

Thứ ba, đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Thực tế các vụ việc qua tòa án liên quan đến nợ xấu được ngành ngân hàng thống kê lại mất tới hai năm. Thêm vào đó, nếu được thông qua, nghị quyết cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo. Từ đó, kỳ vọng nghị quyết mới giúp rút ngắn thời gian và chi phí đối với các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu.

Thứ tư, sẽ có cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD. Dự thảo mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm.

Cao Sơn (thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nghi-quyet-xu-ly-no-xau-co-chay-toi-cho-mot-so-ca-nhan-d210085.html