Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới của Tỉnh ủy Quảng Ninh đi vào cuộc sống

Bê-tông hóa đường giao thông xã Hoành Mô, Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh Báo Quảng Ninh

BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả kinh tế cao và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị theo quy hoạch xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được chú trọng bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao. Đảng bộ tỉnh xác định: Xây dựng nông thôn mới là cơ sở thúc đẩy quá trình xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015. Cùng thời điểm đó, Quảng Ninh sẽ có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 10/13 huyện, thị xã, thành phố đạt tiêu chí nông thôn mới, toàn tỉnh cơ bản đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn có sự thay đổi căn bản... Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đề ra và triển khai thực hiện trên thực tế quan điểm chỉ đạo: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị; là cuộc vận động toàn diện trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội; chủ thể xây dựng nông thôn mới là hộ nông dân. Xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu; làm đến đâu hoàn thành dứt điểm đến đó, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Xây dựng nông thôn mới tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và hệ thống chính trị khu vực nông thôn. Để đưa nhanh Nghị quyết xây dựng nông thôn mới vào cuộc sống, và đẩy mạnh hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực công tác này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo. Thành lập Ban Chỉ đạo là nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cùng đó, UBND tỉnh thành lập Ban xây dựng nông thôn mới cơ quan chuyên trách giúp việc Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2010, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết thông qua một số nội dung cơ bản của Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020 với nguồn vốn gần 16 nghìn tỷ đồng. Đồng chí Vũ Ngọc Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới của Tỉnh ủy Quảng Ninh đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nên đã đi nhanh vào cuộc sống. Đáng chú ý là Tỉnh ủy đặt công tác tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về tầm quan trọng, nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là giải pháp hàng đầu. Không chỉ tổ chức các lớp nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết mà Tỉnh ủy còn tổ chức Đoàn kiểm tra việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới do Tỉnh ủy ban hành. Kết quả kiểm tra cho thấy, 100% số các chi, đảng bộ cơ sở đã tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến Nghị quyết (toàn tỉnh tổ chức gần 1.000 hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết, gần 5.000 hội nghị sinh hoạt chi bộ, thảo luận nội dung Nghị quyết); hơn 96% số cán bộ, đảng viên tham gia; báo cáo viên ở cơ sở chủ yếu là đồng chí Bí thư cấp ủy; có hơn 60% số các đồng chí bí thư cấp ủy cơ sở chủ động nghiên cứu tài liệu và trực tiếp truyền đạt nội dung Nghị quyết; nhiều địa phương có hơn 80% số các đồng chí bí thư cấp ủy cơ sở trực tiếp truyền đạt Nghị quyết, như thị xã Cẩm Phả. Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... từ tỉnh đến cơ sở đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết đến đoàn viên, hội viên, gắn với thực hiện nhiệm vụ của mỗi tập thể, cá nhân. Một số chi bộ đã tổ chức cho đảng viên thảo luận làm rõ những vấn đề bức xúc cần phải giải quyết và bổ sung vào chương trình, kế hoạch thực hiện hằng tháng như một số chi bộ thuộc đảng bộ: Cơ quan Dân chính Đảng tỉnh, Đảng bộ các huyện Hoành Bồ, Cô Tô, Cẩm Phả, Ba Chẽ, và Đảng bộ TP Hạ Long. Tỉnh ủy, lãnh đạo Ban cán sự đảng, UBND tỉnh ra các quyết định về phê duyệt đề án nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới; về việc xây dựng nhà văn hóa thôn (khu, làng, bản) trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành ủy và đảng ủy trực thuộc đã sớm tổ chức quán triệt nội dung cơ bản của Nghị quyết ở cấp mình và hướng dẫn, chỉ đạo cấp cơ sở, xây dựng chương trình hành động, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện. Đến nay, các địa phương đã thành lập được Ban Chỉ đạo ở hai cấp, lập xong đề án thực hiện và triển khai các bước theo lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ban chỉ đạo các địa phương đã phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương cùng cấp tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia chương trình. Việc huy động các nguồn vốn được quan tâm, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của các bộ, ngành; lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án như y tế, giáo dục, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo,... gắn với đó là thực hiện xã hội hóa các nguồn lực trong các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân tham gia vào các chương trình dự án trọng tâm của các địa phương, cơ sở. Với cách làm mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã thực hiện việc ký kết chương trình phối hợp thống nhất hành động trong các tổ chức thành viên trong việc thực hiện chương trình. Thông qua đó đã tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi đem lại hiệu quả thiết thực như: Hiến đất làm đường; làm nhà văn hóa; đóng góp ngày công lao động xây dựng các công trình. Ở huyện Đông Triều nhân dân đóng góp 69.710 m2 đất xây dựng nhà văn hóa thôn; huyện Hải Hà có 211 hộ hiến 24.771 m2 đất để làm đường. Tỉnh Quảng Ninh còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức mới đạt được mục tiêu mà Nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy đề ra. Nhưng từ thực tiễn lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đang gợi mở nhiều kinh nghiệm về việc: Xác định đúng những nhiệm vụ trung tâm, chủ yếu, then chốt của nhiệm kỳ để ra nghị quyết triển khai thực hiện. Khi Nghị quyết được ban hành phải kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ban ngành cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết thành chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội có tính khả thi. Lãnh đạo các đoàn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, theo chức năng nhiệm vụ của mình, tổ chức các phong trào thi đua trong toàn đảng bộ và các tầng lớp nhân dân nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết đã đề ra. Coi trọng đúng mức việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển và các giải pháp tổ chức học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết, tạo sự thống nhất cao trong toàn đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/ngh-quy-t-v-xay-d-ng-nong-thon-m-i-c-a-t-nh-y-qu-ng-ninh-i-vao-cu-c-s-ng-1.304420