Nghị quyết 35/2016/NQ-CP: Tăng niềm tin, tạo sức bật cho doanh nghiệp trong nước

(HQ Online)- Tỷ trọng đóng góp “áp đảo” của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang gây áp lực và làm giảm sức cạnh tranh cho DN trong nước. Chính vì thế, các DN trong nước đang đặt nhiều hy vọng vào chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 35/NQ-CP để vượt khó.

Các chính sách cần được nêu một cách cụ thể, đi nhanh, chính xác và hiệu quả xuống từng DN. (Ảnh: Danh Lam)

Cạnh tranh hay kết nối?

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 82,2 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 23,7 tỷ USD, còn lại thuộc về khu vực FDI (kể cả dầu thô). Bên cạnh đó, cũng trong thời gian này, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD thì khu vực FDI xuất siêu tới 11,2 tỷ USD.

Rõ ràng, con số trên cho thấy sự chênh lệch không hề nhỏ giữa DN trong nước và DN FDI, khiến DN FDI đang đóng vai trò là khu vực chủ lực cho tăng trưởng XK của nền kinh tế. Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực XK, các DN FDI đang chiếm vị trí độc tôn.

Tiêu biểu, trong năm 2015, tổng kim ngạch XK của Samsung tại Việt Nam đạt 32 tỷ USD, dự kiến, trong năm 2016, lượng XK có thể tăng từ 15-20% so với năm trước. Do đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, nếu năm 2010 kim ngạch XK của khu vực FDI trong tỉnh mới đạt 2,38 tỷ USD thì năm 2015 đạt 22,33 tỷ USD, chiếm tới 99,2% kim ngạch XK của toàn tỉnh.

Lo lắng về vấn đề này, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho hay, với tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm kinh doanh lớn mạnh, đa phần DN trong nước khó có thể cạnh tranh với DN FDI ngay trên sân nhà, nên đang bị DN FDI thu hút nhiều đơn hàng hơn. Vì thế, bối cảnh hội nhập đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các DN trong nước.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam kĩ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với khu vực DN FDI trong một thời gian dài, tạo ra một khoảng trống khiến cho DN Việt Nam yếu đi về sức cạnh tranh. Giờ là lúc Nhà nước cần phải nhìn nhận lại về chính sách một cách xuyên suốt hệ thống và toàn diện để tìm ra cách giải quyết hợp lí và công bằng cho cộng đồng DN.

Chính vì thế, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến 2035 (Nghị quyết 35) đã đưa ra nhiều chính sách để tạo thuận lợi cho DN. Với mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan liên quan phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lấy DN là đối tượng phục vụ, đảm bảo quyền bình đẳng cho DN trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực về vốn, tài nguyên…

Đặc biệt, dự thảo Luật Hỗ trợ DN NVV đang được xây dựng theo yêu cầu của Nghị quyết 35 cũng tạo động lực cho DN phát triển. Ông Lê Hữu Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần may Sơn Hà cho hay, trong cạnh tranh, DN Việt cũng có nhiều ưu thế so với DN FDI. Vì thế, những hỗ trợ từ Nghị quyết 35 nếu tập trung đúng, cụ thể và hiệu quả vào thế mạnh của DN trong nước thì sẽ tạo tiềm năng cho DN trong nước vươn lên.

Đồng tình với quan điểm này, theo ông Trần Quốc Mạnh, các chương trình này cần được nêu một cách cụ thể, đi nhanh, chính xác và hiệu quả xuống từng DN. Hiện DN cần các chương trình hỗ trợ về: Cải cách thủ tục hành chính, cập nhật thông tin về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đổi mới khoa học công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, những cải cách về môi trường kinh doanh để hỗ trợ DN trong nước cũng đồng thời với việc tạo thuận lợi cho các DN FDI phát triển hơn. Khảo sát công bố hồi tháng 2 năm nay của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, hơn 60% DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Đây là tỷ lệ gần như cao nhất trong các quốc gia mà DN Nhật Bản đầu tư được khảo sát.

Chủ động

Nhìn chung, các chính sách mà Nghị quyết 35 đặt ra đã tạo được niềm tin cho DN trong nước phát triển. Theo nhiều chuyên gia, DN lạc quan và có niềm tin sẽ tạo ra được mục tiêu, chiến lược kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, DN không thể cứ trông chờ vào sự hỗ trợ mà cần lấy những chính sách này làm động lực, làm cơ sở để chủ động vươn lên.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa phía Bắc - SME- TAC (trực thuộc Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, DN cần phải hiểu đúng vai trò, vị trí của mình. Không như trước đây, DN luôn cho rằng chính quyền như đối tượng để mình phải cung phụng. Vị thế của DN đã khác nên DN phải cư xử khác. Hơn nữa, bản thân các DN cũng phải có những nghiên cứu, đầu tư đổi mới về sản phẩm, phát động chương trình đổi mới sáng tạo ngay trong DN để tạo nên sản phẩm cạnh tranh.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), tùy vào chiến lược kinh doanh mà DN trong nước phải từng bước tìm ra hướng đi riêng. Ví dụ như tận dụng chiến dịch “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để xây dựng chiến lược định vị thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, DN cần tăng cường hệ thống kết nối thông tin để nắm bắt nhanh, đầy đủ chính sách mới. Nếu DN phải tăng tính chủ động, trước đây DN chỉ thụ động chờ khách hàng tự tìm đến mình thì bây giờ phải tự đi giao lưu, kết nối thị trường hoặc qua các hoạt động xúc tiến thương mại.

“Các DN cần dựa vào các chính sách của Nhà nước để xây dựng được chiến lược dài hơi, phải tạo được chiến lược mang tầm nhìn dài hạn, nắm bắt được xu thế của thị trường, biết được mình đang cạnh tranh với ai, chứ không thể mãi ở tư thế ‘bấc đến đâu, dầu đến đấy’ như hiện nay”, bà Xuân nói.

Bên cạnh đó, bài toán liên kết giữa DN trong nước và DN FDI đang được đặt ra. Vị đại diện cho các DN da giày cho hay, các DN FDI cũng cần nguồn cung nguyên liệu nên các DN Việt Nam có thể kết nối với họ để tạo thành chuỗi liên kết. Nếu liên kết được với DN FDI thì không những DN trong nước có thêm nguồn hàng mà còn có thể học hỏi kinh nghiệm. Đây là cách mà nhiều DN trong hiệp hội đã thực hiện và thực tế đã có những thành công nhất định.

Nhìn chung, “cửa” để DN trong nước cạnh tranh với DN FDI đang dần mở, nhưng bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, bản thân các DN cũng phải có sự chủ động nhất định. Trong đó, mọi công đoạn phải nhuần nhuyễn, ăn khớp với nhau mới tạo hiệu quả như mong muốn. Điều này sẽ khó có thể thực hiện trong “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình với sự thay đổi xuyên suốt của các bên liên quan.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nghi-quyet-35-2016-nq-cp-tang-niem-tin-tao-suc-bat-cho-doanh-nghiep-trong-nuoc.aspx