Nghị lực của cô gái trẻ cùng lúc chống chọi hai căn bệnh

Mang trong mình cùng lúc hai căn bệnh Tan máu bẩm sinh và tim bẩm sinh nhưng cô gái bé nhỏ Nông Thị Hường (19 tuổi – Cao Bằng) vẫn kiên trì chiến đấu với bệnh tật và không ngừng trau dồi kiến thức trên ghế nhà trường.

Sinh ra trong một gia đình nhà nông không mấy khá giả, khi bố mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, thì hai chị em Nông Thị Hường (19 tuổi) và chị gái (22 tuổi) lại không may mắc phải căn bệnh Thalassamia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh). Cuộc sống gia đình Hường ngày càng khó khăn hơn khi toàn bộ số tiền gia đình kiếm được đều dồn hết vào việc truyền máu định kỳ cho hai chị em Hường.

Phát hiện bệnh từ năm 4 tuổi, Hường và chị gái thường xuyên phải vào viện để truyền máu để duy trì cuộc sống. Gia đình khó khăn chồng chất khó khăn, song cả gia đình đều động viên và cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhưng tai họa lại không may ập đến với gia đình, năm Hường 16 tuổi, gia đình phát hiện thêm em bị bệnh tim bẩm sinh và cần phải phẫu thuật gấp, chính vì vậy, toàn bộ kinh phí truyền máu và phẫu thuật cho Hường lúc bấy giờ gia đình đều phải vay ngân hàng. Tai họa lại ấp đến gia đình Hường, ngay trước khi em chuẩn bị làm phẫu thuật thì bố Hường không may bị tai nạn giao thông, gãy cả hai chân. Trong suốt 3 tuần Hường nằm viện sau phẫu thuật, gia đình phải chia nhau ra, một người chăm sóc Hường, một người ở cạnh chăm sóc bố. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, Hường chia sẻ: “Em thương bố mẹ em lắm, em và chị gái em sinh ra chỉ làm gánh nặng cho bố mẹ em. Bố em sau khi bị tai nạn mất sức lao động, mẹ em vừa phải cáng đáng kinh tế cả gia đình, vừa phải chăm sóc em, còn phải lên tinh thần cho em nữa, sau khi mổ xong em thì béo lên mà mẹ lại gầy hẳn đi, bố em sau lần gãy chân ấy thì không đi lại được bình thường nữa nhưng vẫn cố gắng đi làm để nuôi chị em em ăn học”.

Những khó khăn trong cuộc sống và sự nỗ lực của cả gia đình trong cuộc chiến chống bệnh tật càng làm cho Hường thêm quyết tâm và nỗ lực trong cuộc sống, học tập. Không tự ti với vẻ bề ngoài thấp nhỏ hơn so với bạn bè cùng trang lứa, Hường luôn vui vẻ, hoạt bát và dành thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng khi đi học.

Hường trong một lần vận động người hiến máu tình nguyện. Ảnh: NVCC

Năm 2015, Hường trở thành cô tân sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ và thương mại Hà Nội. Sức khỏe sau khi phẫu thuật mổ tim của em có phần yếu hơn khi quy trình truyền máu của em ngày nhanh, trước kia là 3 tháng/lần thì hiện tại gần như là 1 tháng/lần. Sống một mình tại nơi đất khách, phải tự mình lo mọi thứ từ ăn uống đến sinh hoạt, nhưng chưa lúc nào Hường buông xuôi tất cả, Hường vẫn tự đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương truyền máu. Nhiều lần thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, Hường buộc phải nghỉ học, nhưng cô gái nhỏ bé ý vẫn kiên trì, dai dẳng theo đuổi sự nghiệp học tập của mình, khi đủ sức khỏe là em lại đến trường, nhờ bạn giảng lại các kiến thức mà mình bỏ lỡ. Hương chia sẻ về cuộc sống: “Ở quê bố mẹ em đều làm nông, vất vả lắm, em không muốn tiếp tục làm nông như bố mẹ mình em muốn có một cuộc sống ổn định để có thể giúp đỡ bố mẹ và trang trải cho chính mình”. Ẩn trong vẻ ngoài mỏng manh của cô gái 19 tuổi ấy là một nghị lực sống phi thường và bất diệt, là một khao khát thay đổi tương lai của chính mình.

Hứng chịu những cơn đau do không có máu để truyền trong những đợt khan hiếm máu khiến em kiệt quệ, thực sự rất đau đớn, Hường càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng trong việc vận động hiến máu. Mong muốn được giúp đỡ cho người khác, cũng là cho chính mình, Hường bắt đầu tham gia hoạt động tình nguyện của Đội Thanh niên vận động hiến máu trường Cao đẳng Công nghệ và thương mại Hà Nội từ tháng 8/2016. Tuy thời gian Hường hoạt động ít vì điều kiện sức khỏe không cho phép nhưng mỗi khi có cơ hội tham gia, Hường lại rất sôi nổi và nhiệt tình, hăng say tuyên truyền vận động mọi người hiến máu, giúp đỡ những bệnh nhân cần truyền máu như bản thân.

Chia sẻ về những kỷ niệm khi lần đầu đi vận động hiến máu ngoài cộng đồng, Hường cho biết: “Mỗi lần vận động được 1 người đăng ký hiến máu em cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Đó không phải là đơn vị máu dành riêng cho mình mà còn là máu dành cho nhiều người bệnh đang chờ truyền máu tại các bệnh viện. Được một người tham gia hiến máu là 3 người bệnh được tiếp thêm sức mạnh để duy trì cuộc sống”.

Ảnh: NVCC

Trong suốt những ngày gió rét của tháng 11 vừa qua, Hường cùng các tình nguyện viên chương trình Mưa cầu vồng (tổ chức ngày 13/11 tới đây, tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) đã cùng nhau tham gia vận động hiến máu tại các trường đại học, cao đẳng, khu phố tại quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm. Chia sẻ về chương trình tình nguyện Hường tham gia lần này, cô cho biết: “Vì em mới kết thúc đợt truyền máu tại Viện, chính vì vậy sức khỏe hiện giờ đã ổn định và em đã đi học trở lại được. Tranh thủ thời gian rảnh sau giờ học em cùng các bạn của mình đăng ký tham gia tình nguyện vận động hiến máu bởi em biết, vào những dịp cuối năm thường sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm máu, nên chắc chắn những đơn vị máu được hiến tặng trong dịp này sẽ càng có ý nghĩa với người bệnh hơn bao giờ hết”.

Tạm gác lại ước mơ được trở thành cô giáo hay bác sĩ từ thuở nhỏ, hiện tại, Hường chỉ có một ước muốn, là mong cho mình khỏi bệnh, dù biết căn bệnh ấy vẫn sẽ theo Hường đến suốc cuộc đời. Hường luôn hi vọng về một cuộc sống ổn định, tự lập, không phải dựa dẫm vào ai khác. Sức khỏe của Hường đã ổn định trở lại nhờ những đơn vị máu của mọi người hiến tặng, và không phụ lòng những người đã đem lại sự sống cho mình, giờ đây, Hường tiếp tục nhân lên sự sống cho những người bệnh không may mắn như mình bằng cách đơn giản nhất, vừa sức nhất đó chính là tuyên truyền, vận động hiến máu.

Thanh Trà

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nghi-luc-cua-co-gai-tre-cung-luc-chong-choi-hai-can-benh-n124737.html