Nghi hoặc về vụ 'siêu rửa tiền' rúng động 'làng' tài chính thế giới

Tổng cộng số tiền bị chuyển đi một cách công khai lên tới 15.000 tỉ USD mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Nhưng đến khi vụ chuyển tiền bị bại lộ, cả thế giới còn ngỡ ngàng hơn khi số tiền đó được chuyển qua những ngân hàng có tiếng về bảo mật và chặt chẽ tại nhiều quốc gia mà không hề bị phát hiện.

Trong đó, nhân vật phát giác ra vụ rửa tiền là một Nam tước đáng tin cậy của địa hạt Blackheath (Anh) được mọi người kính nể và coi trọng.

Câu hỏi về quỹ Z siêu mật

Một cáo giác được gửi lên viện Quý tộc (Thượng nghị viện Anh) trình bày những chi tiết có liên quan đến những vụ chuyển tiền ngầm có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ USD. Người gửi bản cáo giác chính là Nam tước địa hạt Blackheath, ông David James. Cáo giác này khiến dư luận Anh - Mỹ nói riêng và cả thế giới thực sự sốc. Theo như bản cáo giác, một lần, tại trụ sở Thượng viện ở điện Westminster thuộc thủ đô London, Anh, Nam tước D.James đã tường trình về một tổ chức tối mật được đặt tên là "Foundation Z" hay còn gọi là quỹ Z. Theo đó quỹ Z là nơi tập trung của hầu hết các nhà băng hàng đầu thế giới như tập đoàn ngân hàng Hongkong và Thượng Hải (HSBC) và ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) của Anh, cũng như ngân hàng JP Morgan Chase và cục Dự trữ Liên bang (Fed) của Mỹ.

Ngoài ra, quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cũng tham gia vào quỹ Z siêu tối mật này?!. Đứng đầu quỹ Z là một nhân vật cũng bí hiểm không kém tên là Johannes Rayadi. Rayadi được giới chuyên viên tài chính sành sỏi đánh giá là một siêu tỷ phú giàu nhất thế giới với số tài sản lên tới hàng ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, khi điều tra về thông tin của vị siêu tỷ phú này, các đơn vị điều tra không thu được một kết quả nào có dính dáng đến cái tên Johannes Rayadi. Rayadi thực chất chỉ là một kẻ hữu danh vô thực, đang sống ẩn mình đâu đó trong khu vực trải dài từ Trung Quốc đến Ấn Độ, bao gồm cả khu vực Tam Giác Vàng (Myanma)- nơi sản xuất thuốc phiện lậu quy mô toàn cầu.

Mặt tiền của ngân hàng JPMorgan Chase.

Cách đây hai năm, vào một ngày tháng 2/2010, một nhóm người nổi tiếng giấu tên có biệt danh "Những người đội mũ trắng" đã tập trung tại nhà Nam tước D.James để cung cấp cho Nam tước các tài liệu và những manh mối về lối đi của những đợt giao dịch ngoại tệ khổng lồ. Tất cả các đợt giao dịch đều chuyển tới vương quốc Anh. Cụ thể, đợt thứ nhất diễn ra trong giai đoạn từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2009, lượng tiền giao dịch đợt này là 5.000 tỉ USD; đợt thứ hai thực hiện chỉ một tuần sau đó cũng với số tiền tương tự; rồi gần nửa tháng sau 5.000 tỉ USD nữa lại được chuyển đi như hẹn.

Số tài liệu này còn ghi rõ nơi bắt đầu của các dòng tiền đều bắt nguồn từ ngân hàng trung ương Mỹ hay còn gọi là FED ở Washington D.C đến ngân hàng JP Morgan Chase tại New York, rồi "băng biển cả" qua HSBC ở London tới RBS tại Edinburgh... Tổng cộng cả ba đợt lượng tiền đã chuyển khoản lên tới 15.000 tỷ USD, tương đương 825.000 tấn vàng và gấp 1,5 lần tổng thu nhập thường niên (GDP) của nước Mỹ, quốc gia được đánh giá là nước có mức GDP lớn nhất thế giới.

Theo như tường trình của Nam tước D.James, những người thực hiện phi vụ "rửa tiền" kỷ lục này có ba mục đích chính. Trước hết, họ muốn phá hoại danh tiếng và uy tín của hệ thống ngân hàng nước Anh. Thứ hai là mục đích không thể thiếu đối với bất cứ một phi vụ làm ăn nào. Đó là động cơ trục lợi ăn hoa hồng phần trăm trong các thương vụ chuyển tiền qua các tài khoản cá nhân với số lượng lớn. Cuối cùng là dùng âm mưu tài chính làm đòn bẩy nhằm hạ bệ một thể chế chính trị đang tồn tại nào đó. Rõ ràng, số tiền lớn được chuyển đi với tên cá nhân không phải là nguồn tiền sạch và thiếu minh bạch bởi giới am hiểu tài chính và ngân hàng, không thể tìm đâu được số vàng bản vị lớn đến vậy lại đảm bảo trị giá thật cho việc lưu thông của 15.000 tỉ USD đó.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, số tiền này đến từ rất nhiều nguồn khác nhau như buôn bán thuốc phiện, kỹ nghệ làm bạc giả và kể cả là buôn người... Từ đó, các ngân hàng hàng đầu của Anh đã vô tình bị kéo vào hoạt động rửa tiền tinh vi, khiến uy tín có từ hàng thế kỷ nay của các ngân hàng đứng trước nguy cơ bị lung lay và dễ dàng bị đánh đổ. Còn ở nguyên nhân thứ hai, các chuyên gia phân tích, theo thông lệ ban hành hiện tại, khoản tiền hoa hồng sẽ không dưới 50 tỷ USD - con số khổng lồ, tương đương với GDP của một quốc gia đang phát triển. Còn nguyên nhân cuối cùng lại là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia chưa thể lý giải bởi câu trả lời lại nằm trong câu hỏi: "Sau ngân hàng RBS, luồng tiền này sẽ tiếp tục chuyến "du hành" đến đâu?".

Hàng ngàn tỷ USD bị mất mà ngân hàng không hề hay biết.

Ẩn số "những người đội mũ trắng"

Theo giấy tờ liên quan đến quỹ Z, toàn bộ nguồn tiền cung ứng cho quỹ đều đứng tên Rayadi và gửi tại ngân hàng FED. Nhưng theo tài liệu của nhóm "Những người đội mũ trắng", hơn nửa tài sản của Rayadi đều đã bị bộ Tài chính Mỹ tịch thu để duy trì sự ổn định đồng USD trong nước. Và, chính điều này đã giúp cho Rayadi tránh bị pháp luật sờ đến từ những hoạt động làm giàu đầy khuất tất. Như bản báo cáo bên điều tra thu được, một cuộc họp mật vào năm 2006 đã được tổ chức tại Washington, bao gồm các đại diện của các FED, IMF và nhân vật bí ẩn Rayadi. Sau cuộc họp này quỹ Z đã được hình thành. Nhiệm vụ của quỹ Z là trực tiếp thực hiện việc chuyển khoản lần lượt số tiền 15.000 tỷ USD ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ. Do đó, tài sản còn lại của Rayadi tại Mỹ chỉ có số trái phiếu trị giá 500 triệu USD.

Đứng đầu đợt điều tra là Văn phòng kiểm soát tiền tệ OCC, cơ quan của bộ Tài chính Mỹ. Theo một nguồn tin, một số "ông lớn" trong ngành ngân hàng Mỹ đã thả lỏng việc giám sát các giao dịch tiền mặt tại các chi nhánh, tạo kẽ hở cho các đối tượng buôn bán ma túy và những kẻ khủng bố lợi dụng để rửa tiền. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiến hành một đợt xử lý mạnh tay nhất đối với các hoạt động rửa tiền đã tồn tại hàng thập kỷ qua, nhằm cảnh báo các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ rằng những chiêu trò lách luật sẽ không được dung thứ.

OCC cũng đang có hành động cụ thể đối với ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase vì hoạt động giám sát quá lỏng lẻo, gần như "thả rông" một thời gian không ít. Bên cạnh đó, nhiều đại gia phố Wall khác trong đó có Bank of America cũng đang bị "chiếu tướng". OCC đã ban bố lệnh buộc JPMorgan Chase phải khắc phục mọi lỗ hổng trong công tác giám sát. Ngân hàng này bị lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức năng một phần vì hồi năm 2011, họ đã bị các nhà chức trách liên bang buộc tội thực hiện các giao dịch chuyển tiền vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba và Iran. Trong khi đó theo Reuters, các cơ quan điều tra đang tập trung vào hệ thống tổ chức và nhân sự mà JPMorgan Chase sử dụng để ngăn ngừa các dòng tiền đáng ngờ. Đồng thời, các ngân hàng tại Mỹ cũng bị yêu cầu phải nộp báo cáo về hoạt động đáng ngờ phát sinh chi phí lớn trong quá trình giao dịch.

Cùng lúc với đợt điều tra của OCC, theo nguồn tin của các lực lượng thực thi pháp luật, điều tra viên của bộ Tư pháp Mỹ cùng tòa án quận Manhattan, New York cũng đang điều tra một số định chế tài chính tại Mỹ. Sở dĩ các đợt điều tra đang liên tục diễn ra là do cơ quan chức năng đã nhận thấy nhiều vấn đề phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ông Alma M. Angotti, giám đốc tại công ty Navigant, chuyên tư vấn về phòng chống "rửa tiền" cho các ngân hàng, nhận định: "Các vấn đề về chống nạn "rửa tiền" có thể đã được tạm gác lại trong thời gian khủng hoảng tài chính và giờ khi nhìn lại, nạn "rửa tiền" đó lại hoành hành. Các cơ quan chức năng sẽ lật lại hồ sơ để tập trung vào các hoạt động rửa tiền đã diễn ra và các vấn đề về pháp luật khác".

Từng phạt nặng các ngân hàng "lách" luật

Thời gian trước, rất nhiều ngân hàng lớn của châu Âu đang hoạt động tại Mỹ đã phải nhận những án phạt nặng do không tuân thủ quy định phát luật. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, hai ngân hàng của Anh là HSBC và Standard Chartered Plc đã bị cơ quan chức năng "hỏi thăm". Trong đó, HSBC cho biết đã chuẩn bị sẵn 700 triệu USD để chi trả cho án phạt của Thượng viện Mỹ. Còn Standard Chartered Plc đã chấp thuận nộp phạt 340 triệu USD cho cơ quan giám sát ngành ngân hàng bang New York. Tháng 8/2011, bộ Tài chính Mỹ cũng đã phạt JPMorgan Chase 88,3 triệu USD cho những vi phạm bị xem là "quá nặng" đối với lệnh cấm vận của Chính phủ.

Trước tính nghiêm trọng của sự việc, Nghị viện Anh đã yêu cầu Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng David Cameron tiến hành điều tra để làm rõ vấn đề. Do đó, một loạt các ngân hàng lớn nhất đang bị cơ quan chức năng điều tra vì bị nghi đã buông lỏng việc giám sát phòng chống nạn "rửa tiền".

An Mai (The Healers Journal/NY Times/Reuters)

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/nghi-hoac-ve-vu-sieu-rua-tien-rung-dong-lang-tai-chinh-the-gioi-a74136.html