Nghĩ đúng thì làm

Hơn một phần tư thế kỷ trước, ngày 25/1/1982, nhà tư tưởng số 1 của chế độ Xô viết Mikhail Suslov đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 80 tuổi (ông sinh tháng 11/1902). Ông từng là Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô suốt 35 năm. Và ông cũng đã là Ủy viên BCT gần 30 năm, cho tới lúc mất. Cuộc đời ông thể hiện nhiều thăng trầm của chế độ Xô viết và có thể là bài học cho những ai muốn hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử đó.

Cất lời là chuẩn

Mikhail Suslov sinh ra ở tỉnh Saratov trong một gia đình nông dân nghèo “không có tấc đất cắm dùi” theo đúng nghĩa của từ này. Cha ông đã phải tha phương tới Bacu (nay là thủ đô nước Cộng hòa Azerbaijan ) để tìm việc kiếm sống trong ngành khai thác dầu mỏ. Người con trai ở nhà giúp mẹ làm ruộng thuê. Năm 16 tuổi, Suslov tham gia tổ chức nông dân nghèo giác ngộ cách mạng rồi gia nhập Komsomol và Đảng Cộng sản Nga Bolshevik. Nhờ thế, ông được cử đi học ở lớp dành cho những người vô sản tại Moskva. Rồi ông thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân mang tên Plekhanov ở Moskva và tốt nghiệp trường này vào năm 1928. Sau đó, ông tham gia công tác Đảng ở nhiều vị trí khác nhau. Với những năng lực tự nhiên dồi dào, lại rất chỉn chu trong công việc, Suslov tới năm 1939 đã là Bí thư Thứ nhất Khu ủy Stavropol .

Theo nhà báo Aleksey Bogomolov trong bài viết trên tờ Tuyệt mật số tháng 2/2012, cuối năm 1944, Suslov được chuyển tới Litva, lúc này vừa được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của lực lượng phát xít và giữ chức Chủ tịch Thường vụ BCH TW Đảng Cộng sản Bolshvevik tại nước Cộng hòa Litva. Trong thực tế đây là cơ quan quản lý toàn quyền tại đó. Nhiệm vụ của cơ quan này là “thanh lọc” các tổ chức chính quyền, tổ chức đấu tranh chống lại tàn dư thổ phỉ “những anh em rừng xanh”, bắt tay vào tiến hành tập thể hóa nông nghiệp… Có lẽ công việc mới này không làm cho Suslov thích thú lắm nên ông đã tỏ ra không quá tích cực.

Chính vì thế nên đại diện cơ quan an ninh tại Litva đã có lần gửi báo cáo lên sếp của mình ở Moskva với nội dung như sau: “Các bài phát biểu của đồng chí Suslov tại các hội nghị và các cuộc họp chủ yếu mang tính chất chỉ bảo. Các lãnh đạo địa phương vốn đã quá quen với những chỉ bảo như thế nên gần như là không để ý tới chúng nữa và không rút ra được kết luận nào cho mình... Bản thân đồng chí Suslov thì rất ít làm việc. Từ lúc thành lập Thường vụ BCH TW Đảng Cộng sản Bolshvevik tại nước Cộng hòa Litva, thì gần một nửa quãng thời gian đồng chí ấy ở Moskva. Đồng chí ấy chỉ xuống vài ba huyện, mỗi huyện một hai ngày. Ngay trong giờ làm việc cũng có thể bắt gặp đồng chí ấy đọc sách văn học. Buổi tối thì đồng chí ấy ít khi ở cơ quan…”.

Thế nhưng, lãnh tụ Xô viết lúc đó là Iosif Stalin lại đánh giá Suslov theo kiểu khác. Và vì thế, từ tháng 3/1946, Suslov đã về Moskva làm việc trong bộ máy BCH TW Đảng. Vốn văn hóa và khả năng biết tìm những câu trích dẫn đúng lúc nhất của Suslov đã khiến cho Stalin rất thích thú. Và chỉ sau một năm, Stalin đã đề cử Suslov vào làm Ủy viên Ban Tổ chức BCH TW và Bí thư TW Đảng (lúc đó BBT chỉ có 6 người, kể cả Stalin).

Nhiệm vụ giao cho Bí thư mới Suslov khá nhiều. Đó là tổ chức hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng (trong những năm 1949-1950, ông còn là Tổng biên tập tờ báo Đảng Pravda) và nhiều vấn đề tư tưởng khác. Nhưng phần việc chính yếu của Suslov khi đó lại là phụ trách mảng quan hệ đối ngoại với các đảng Cộng sản và công nhân anh em. Và không chỉ phụ trách mà còn trực tiếp tham gia chỉ đạo nhiều hoạt động thực tế.

Thí dụ như tháng 6/1948, Suslov cùng hai nhà lãnh đạo khác là Aleksey Zhdanov (Thượng tướng, chỉ đạo đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa trong công tác tư tưởng) và Georgi Malenkov (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) sang Romania tham gia Hội nghị đại diện các hãng thông tấn các đảng Cộng sản, thảo luận về “chính sách xét lại” của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Tư…

Lãnh tụ Stalin đã tìm thấy trong Suslov không chỉ là một người đồng chí gần gụi trong đời thường và công việc mà còn muốn ông trở thành người gần như đại diện cho mình trong các vấn đề tư tưởng. Suslov còn được “ủy quyền chi” trong quan hệ với các đảng anh em, đích thân xác định mức độ giúp đỡ vật chất cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế…

Tháng 10/1952, Stalin còn đưa Suslov vào Đoàn Chủ tịch mở rộng BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên, Suslov chỉ ở được vị trí này có 5 tháng, tới tháng 3/1953, vì những bất đồng với một số đồng chí tiền bối như Vyacheslav Molotov và nhất là Malenkov, vốn vẫn được coi là “nhà tư tưởng số 1” từ nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, sau khi Stalin qua đời và nhà lãnh đạo là Nikita Khrusov, muốn tìm chỗ dựa chính ở đội ngũ cán bộ trẻ hơn nên đã tìm được cách đưa Suslov vào lại Đoàn Chủ tịch năm 1955. Và Suslov đã ở trong cơ quan mà về sau trở thành ủy viên BCT cho tới cuối đời.

Suslov và Brezhnev ngày 23/2/1975

Cũng phải nói rằng, khả năng tìm kiếm những trích dẫn chuẩn xác và đúng chỗ của Suslov cũng đã giúp ông lấy được tín nhiệm cao ở nhà lãnh đạo Nikita Khrusov khi ông này tiến hành cuộc đấu tranh theo hướng phê phán tệ nạn sùng bái cá nhân của người tiền nhiệm. Nhà chính trị học Fiodor Burlatsky, một trong người từng chuyên viết diễn văn cho Khrusov, nhớ lại một lần ông cùng với một đồng nghiệp được giao nhiệm vụ chuẩn bị một bài diễn văn phê phán Stalin để Khursov đọc.

“Tới gần sáng bài viết đã xong, đã được đánh máy thành ba bản cẩn thận và chúng tôi tới trình cho Mikhail Suslov. Ông để chúng tôi ngồi quanh một cái bàn dài, còn ông ngồi vào vị trí chủ tọa… Và ông đọc thành tiếng văn bản, thỉnh thoảng lại thốt lên: Đoạn này tốt. Đoạn này cũng tốt. Nói thế là đúng lắm… Đến một chỗ khác, ông bảo: Ở đây cần có một câu trích dẫn từ Lênin… Tôi lúc đó đã quá mệt vì phải thức gần trắng đêm nên bảo: Được ạ, để chúng tôi tìm, chuyện đó với chúng tôi là quen thuộc lắm rồi… Thế nhưng, Suslov lại ném cái nhìn sắc sảo về phía tôi và nói: Để tôi tự tìm, ngay bây giờ… Rồi ông nhanh nhẹn tới góc phòng, rút ra một ngăn kéo tủ như vẫn đặt ở các thư viện, mà trong đó có xếp các tấm thẻ ghi các lời trích dẫn. Những ngón tay dài và gầy của ông thoăn thoắt lựa các tấm thẻ, hết tấm này tới tấm khác, cho đến khi tìm được câu vừa ý…”. Burlatsky phải công nhận, đó là một câu rất thích hợp!

Suslov không chỉ tích lũy những “lời vàng ý ngọc” từ các tác phẩm của Marx, Engels và Lê nin mà còn của Hersen, Gogol, Dobrolyubov, Bielinsky, Lev Tolstoi, Goethe, Schiller và nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác.

Lặng lẽ, sẽ đi xa

Trong bộ máy BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Suslov bị mọi người đặt cho biệt danh gọi ở sau lưng là “hồng y áo xám”. Bởi lẽ, ông luôn luôn hành xử một cách thận trọng và kín đáo, không bao giờ có những hành động mang tính khoa trương. Chỉ sau khi ông qua đời, người ta mới xuất bản được bộ sách ba tập khiêm nhường các tác phẩm của ông giữa năm 1982. Sự kiệm lời, nói ít làm nhiều của Suslov đến mức đã tạo nên không chỉ một giai thoại. Người ta kể rằng, một lần, ông bị đau răng, xuống bệnh xá đặc biệt trong Điện Kremli để khám. Khi bác sĩ nói: “Ông hãy há to miệng ra nhé!”, thì ông bảo: “Liệu có thể vẫn khám được răng mà không phải làm động tác này không?”. Với ông, càng ít phải mở miệng càng tốt…

Theo đánh giá với nhà báo Bogomolov của Thượng tướng Yuri Churbanov, người con rể cũ của cố lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev và đã có nhiều năm sống chung trong một tòa nhà với Suslov nên rất hay vào căn hộ của ông chơi, Suslov là một trong những chính trị gia tinh khéo nhất của thời Xô viết. Phần lớn công việc của ông chỉ được biết tới trong một hữu hạn các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước. Mặc dù khi lãnh tụ Stalin còn sống, Suslov không phải ở cương vị Bộ trưởng như Kosygin nhưng vẫn có quan hệ gần gụi được với Stalin, rồi ông cũng có vị trí khó thay thế khi nhà lãnh đạo Khrusov cầm quyền.

Dưới thời của Tổng Bí thư Brezhnev, Suslov đã là một gương mặt tối quan trọng, đứng ở vị trí thứ hai trong quốc gia. Tướng Churbanov kể: “Bố vợ tôi rất kính trọng ông ấy, thậm chí còn hơi vì nể nữa… Làm việc với Suslov không bao giờ đơn giản cả”. Suslov chính thức trở thành “nhà tư tưởng chủ đạo” của Liên Xô sau khi Nikita Khrusov bị truất quyền tháng 10/1964. Trong vụ việc này, ông cũng đã có những tham gia tích cực.

Trước đó, Suslov cũng đã không chỉ một lần phải hành động trong những tình huống cấp bách ở Liên Xô cũng như ở ngoài nước. Thí dụ, năm 1955, ông đã mạnh bạo phê phán Molotov (Bộ trưởng Ngoại giao – TG), người có một số quan điểm quốc tế bắt đầu khác với Khrusov nên đã được ông này đưa trở lại Đoàn Chủ tịch BCH TW Đảng.

Hai năm sau, vào mùa hè năm 1957, Suslov đã liên kết cùng Nguyên soái Guergi Zhukov giúp cho ông Khrusov gạt bỏ được nhóm “cựu chiến binh” (bao gồm các nhà lãnh đạo lớn tuổi hơn là Molotov, Malenkov, Kaganovich…) ra ngoài bộ máy. Và sau đó ba tháng, tại Hội nghị tháng Mười của BCH TW, Suslov đã lớn giọng phê phán Nguyên soái Zhukov, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng, gần như là buộc tội vị danh tướng này âm mưu đảo chính: “Mới đây thôi, Đoàn Chủ tịch BCH TW được biết rằng, đồng chí Zhukov, không cho BCH TW biết, đã đưa ra quyết định thành lập Trường Đặc nhiệm với hơn hai nghìn học viên. Dự kiến sẽ lấy vào trường này những người có trình độ văn hóa trung học, đã làm xong nghĩa vụ quân sự. Thời gian đào tạo tại đó là 6-7 năm, trong khi thời gian học ở Học viện Quân sự chỉ là 3-4 năm. Trường đó được đặt trong những điều kiện đặc biệt: ngoài phần cung cấp toàn bộ của nhà nước, các học viên của trường được nhận 700 rub một tháng nếu là lính trơn, còn nếu là hạ sĩ quan thì được 1.000 rub một tháng.

Đồng chí Zhukov thậm chí còn không cho rằng là cần phải báo cáo với BCH TW về ngôi trường này. Đã chỉ có ba người được biết về tổ chức của trường: Zhukov, Stemenko (lúc đó là Đại tướng, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quân đội Liên Xô từ năm1956 tới khi vụ việc này xảy ra – TG) và tướng Mamsurov (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội). Thế nhưng, tướng Mamsurov như một đảng viên cộng sản thấy cần phải báo cáo với BCH TW về hành vi không hợp pháp này của Bộ trưởng”.

Suslov và Stalin.

Và chính Khrusov đã đặt dấu chấm hỏi trong vấn đề này tại hội nghị đó: “Không rõ là vì sao lại cần tập trung những đặc nhiệm viên đó mà không cho BCH TW được biết. Chẳng lẽ có thể nghĩ ra một việc như thế ư? Và việc này đã được Bộ trưởng Quốc phòng với tính cách của đồng chí ấy tiến hành. Trước đây Beria (lãnh đạo cơ quan an ninh dưới thời lãnh tụ Stalin – TG) và khi bị bắt, ông ta cũng đã gọi một nhóm những sát thủ của mình tới. Đám này cũng đã ở Moskva và nếu như ông ta không bị bóc trần bộ mặt thì không rõ đầu của ai sẽ bị bay đi. Đồng chí Zhukov, anh nói rằng đó chỉ là sự tưởng tượng bệnh hoạn thôi. Phải, trí tưởng tượng của tôi là như thế đấy!”.

Cũng chính Suslov trong chuyến đi tới thành phố Budapest đang chìm trong phản đối năm 1956 đã cùng với Anastas Mikoyan (cũng là một lãnh đạo cựu trào từ thời lãnh tụ Stalin) và Nguyên soái Zhukov nhận trách nhiệm đưa ra sáng kiến chuẩn bị cho việc đưa các đơn vị quân đội Xô viết vào Hungaria, phê phán những lực lượng cánh tả có tư duy khác với Moskva khi đó…. Nhìn chung, mọi công việc mà Suslov có liên đới đều thể hiện một tinh thần cứng rắn và quyết liệt…

Cứng tay chèo lái

Sau khi trở thành nhà tư tưởng chủ đạo của chế độ Xô viết, Suslov đã nhận về mình một khối lượng công việc khổng lồ. Chỉ cần thống kê những đầu việc mà ông đảm nhiệm đã phải mất tới vài trang giấy. Trong BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô, ông nắm hoạt động của Ban Văn hóa, các Ban Tuyên truyền và Cổ động, Khoa học, Giáo dục phổ thông và đại học, Ban Thông tin BCH TW, Ban các tổ chức thanh niên, cũng như hai ban về quan hệ quốc tế. “Hồng y áo xám” còn phụ trách cả Tổng cục Chính trị của quân đội Xô viết, Bộ Văn hóa, Ủy ban Quốc gia của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô về xuất bản, in ấn và thương mại sách. Ủy ban Quốc gia về điện ảnh, Ủy ban phát thanh… Trong những lĩnh vực mà ông quan tâm còn có hoạt động của cơ quan về văn học và xuất bản, hãng thông tấn TASS, các mối quan hệ của Liên Xô với Đảng Cộng sản và công nhân anh em, chính sách đối ngoại của Liên Xô…

Suslov cũng quản lý các hội sáng tạo như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội các nhà hoạt động sân khấu, Hội Họa sĩ, Hội Kiến trúc sư…

Cả nhà hát, nhạc nhẹ, và đôi khi cả thể thao và du lịch cũng nằm dưới quyền điều phối của Suslov…

Phong cách hành xử cương quyết và cứng rắn vốn có của Suslov đã khiến ông bị trách cứ về không ít quyết định liên quan tới số phận các tác phẩm văn học nghệ thuật dưới thời Xô viết. Một mặt, ông rất tôn trọng các tài năng lớn nhưng mặt khác, ông luôn luôn lo lắng cho sự tồn vong của chế độ, bởi những tư tưởng và cảm xúc mà ông cho là lệch lạc xuất hiện trong các tác phẩm của họ…

Viện sĩ Aleksandr Yakovlev, cựu Đại sứ Liên Xô ở Canada, một cán bộ từng làm việc nhiều năm dưới quyền Suslov trong bộ máy tuyên huấn của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhận xét: “Quyền lực của ông ấy thực vô biên. Tới họp BCT như dự lễ hội. Ở đó chẳng thể có chuyện gì xảy ra: lúc nào cũng vui vẻ…

Còn trong các buổi họp của Ban Bí thư thì Suslov có thể cắt lời bất kỳ ai dám rời xa nội dung chính dù chỉ một milimet: “Đồng chí báo cáo đúng bản chất đi!”. Khi Suslov đi công tác vắng thì Bí thư TW Đảng Andrey Kirilenko chủ trì các cuộc họp. Nhưng khi Suslov trở về thì việc đầu tiên mà ông ấy làm là bãi bỏ tất cả các quyết định đã được thông qua khi ông ấy đi vắng. Ông ấy rất độc lập trong việc thông qua các quyết định ở Ban bí thư. Ông ấy không tham khảo ý kiến của ai cả khi tuyên bố: “Chúng ta sẽ giải quyết như thế!”.

Khi một số người láu lỉnh nói rằng một quyết định khác đã được thông qua Brezhnev rồi, thì ông ấy bảo luôn: “Tôi sẽ nói lại”. Mọi người ngại ông ấy vì ông ấy đưa ra các quyết định cán bộ một cách rất đột biến. Một lần ông ấy xem hockey qua màn ảnh nhỏ và thấy đội chiến thắng được nhận quà là một máy thu hình. Thế là hôm sau giám đốc nhà máy sản xuất máy thu hình ấy bị cách chức ngay. Ông ấy bảo: “Tại sao lại lấy của công làm phần thưởng?”. Thế là xong!”.

Chính Suslov đã đưa công tác tư tưởng lên vị trí trọng tâm trong mọi hoạt động xã hội dưới thời Xô viết. Không chỉ người Nga mà cả các công dân nước ngoài, trong đó có các cựu sinh viên Việt Nam ta, từng có thời gian du học ở Liên Xô, đều nhớ rằng, trong những năm đầu tại các giảng đường Xô viết, mọi sinh viên đều phải nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, rồi triết học Marx – Lênin và ở những năm cuối, còn phải học Chủ nghĩa cộng sản khoa học (đây là môn học mà sinh viên còn phải vượt qua trong kỳ thi quốc gia). Không thể trở thành nghiên cứu sinh khoa học nếu không trả thi về các môn khoa học xã hội như thế.

Cũng chính Suslov đã lập ra hệ thống mà trong đó không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào hoạt động của lãnh đạo công tác tư tưởng BCH TW, kể cả của ngành an ninh. Cũng Viện sĩ Yakovlev kể, thì chính Suslov đã có lần giúp cho ông này thoát hiểm: “Khi tôi còn làm Đại sứ ở Canada , đã xảy ra chuyện một số điệp viên Xô viết bị trục xuất khỏi đó. Và lãnh đạo KGB lúc đó là Yuri Andropov đã đưa vấn đề về tôi ra cuộc họp của BCT. Ông ấy đứng dậy và nói rằng, vụ trục xuất tai tiếng ấy xảy ra do lỗi của tôi, vì tôi không có mối quan hệ tốt với lãnh đạo Canada . Bởi vậy cần phải giải quyết công tác cán bộ, tức là triệu hồi tôi về. Và bỗng nhiên Suslov lên tiếng: “Đồng chí Yakovlev có phải do KGB bổ nhiệm làm đại sứ ở Canada đâu!”. Thế là Andropov im luôn và ngồi xuống. Brezhnev cười nụ và bảo: Chúng ta chuyển sang vấn đề tiếp theo…”.

Đời thường giản dị

Sự giản dị trong sinh hoạt của Suslov được rất nhiều người sống đồng thời với ông công nhận, mặc dù với cương vị của mình khi đó, ông đã được nhà nước Xô viết cấp cho căn hộ lớn ở trung tâm Moskva cùng một nhà nghỉ ngoại ô rất tươm tất tại khu vực thượng lưu Sosnovka. Bởi lẽ, ông lúc nào cũng sống theo những tiêu chí có thể gọi là khắc khổ.

Cũng theo lời kể của Thượng tướng Churbanov với nhà báo Bogomolov, gia đình Suslov đã sống trong căn hộ ở tầng 6 ngôi nhà của BCH TW Đảng tại trung tâm Moskva (tướng Churbanov sau khi cưới được con gái của Tổng Bí thư Brezhnev thì được đưa vào ở trong căn hộ tầng bốn). Cùng sống với Suslov có người con trai tên là Revoli và vợ của anh này, tên là Olga. Điều lạ là toàn bộ căn hộ rất rộng của Suslov chỉ có những đồ gỗ công vụ với dấu in của “Phòng hành chính BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô”. Vật xa xỉ duy nhất mà Bí thư TW Đảng Suslov cho phép con trai mình (lúc đó đang công tác ở KGB) sở hữu riêng, đó là chiếc xe Volga GAZ -24, xuất xưởng năm 1976 với biển số công 00–07 MOK. Trang trại ngoại ô cũng chỉ có toàn đồ gỗ công vụ.

Những người bảo vệ cũ của Suslov cũng như các thân nhân khác của ông đều nhớ về ông như một tấm gương liêm chính. Viện sĩ Yakovlev trong hồi ký Vực sâu ký ức kể: “Thời tôi còn làm việc với Suslov, không ai thấy ông nhận quà cáp bao giờ. Không ai dám nghĩ tới chuyện mang quà tới biếu ông. Chỉ có sách thì tác giả của nó có thể gửi tặng ông được. Sách thì ông nhận. Ngoài ra, ông không nhận một thứ gì khác. Ai trót dại gửi tới thì sẽ bị đuổi việc ngay”.

Đội trưởng Đội Bảo vệ của Suslov (từ năm 1975 tới năm 1982), Boris Martyanov, nhớ lại: “Ông thường mặc đồ trong một thời gian dài. Ở nhà, ông cũng đóng bộ đầy đủ. Khi tới trại nghỉ thì ông mặc đồ thể thao. Ông có một cái mũ lông trùm kín đầu dùng vĩnh cửu luôn. Ông mang một cái áo bành tô nặng nề cũ kỹ có cổ lông cừu non. Ông không thích bất cứ đệm cao su nào trong giày – ông mang giày đế da – có thợ chuyên đóng loại giày này riêng cho ông. Ông mang nó cho tới khi mòn hết đế mới thôi. Suslov còn thích mang giày cao su kaloshi (loại giày để đi ngoài giày da mỗi khi trời ẩm ướt – TG); tới các cuộc họp BCT, ông cởi giày kaloshi ra, đặt gọn gàng ở phía dưới mắc áo khoác. Ai tới thấy thì đều biết: Kaloshi ở đó tức là Suslov đã có mặt. Bởi vì ngoài ông ra thì không có ai đi giày kaloshi cả. Ông từng nói về chuyện này với chúng tôi; “Đi kaloshi rất tiện – ngoài đường ẩm ướt, khi vào nhà rồi thì tôi cởi giày ra và chân tôi lúc nào cũng khô ráo”.

Thực ra thì thói quen đi giày kaloshi, mặc áo bành tô ấm hay áo khoác dài cả khi mùa hè của Suslov xuất phát từ việc thời trẻ, ông từng bị viêm phổi nặng và vì thế, rất sợ bị cảm mạo.

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2012/3/55827.cand