Nghị định kinh doanh trò chơi điện tử: Người Việt vẫn “ngoài cuộc chơi”

Dự thảo Nghị định kinh doanh trò chơi điện tử vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Khác với suy nghĩ của nhiều người, trong Dự thảo lần này, người Việt vẫn bị bỏ "ngoài cuộc chơi”.

Dự thảo Nghị định kinh doanh trò chơi điện tử vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Khác với suy nghĩ của nhiều người, trong Dự thảo lần này, người Việt vẫn bị bỏ "ngoài cuộc chơi”.

Casino - loại hình kinh doanh khá nhạy cảm

Ảnh: T.L

Casino - một hình thức đánh bạc - đã được Chính phủ cho phép hoạt động thí điểm ở Việt Nam một thời gian khá dài. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, hình thức này đang bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép kinh doanh trò chơi có thưởng là một trong những yếu tố thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, do việc tổ chức kinh doanh dịch vụ này thiếu quy hoạch tổng thể, số lượng cấp phép nhiều nhưng quy mô đầu tư nhỏ và phân tán dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao và không thúc đẩy phát triển du lịch.

Đặc biệt, Nghị định kinh doanh trò chơi có thưởng cấm người Việt Nam vào chơi nên đã và đang nảy sinh hệ lụy là các casino ở Việt Nam thì vắng khách, còn người Việt lại di chuyển sang các nước bạn để chơi casino.

Theo thống kê, trên toàn quốc hiện có 5 casino quy mô nhỏ được cấp phép hoạt động thí điểm, gồm 2 ở Quảng Ninh; 3 ở Hải Phòng, Lào Cai và Đà Nẵng. Trong đó, casino Đồ Sơn (Hải Phòng) được cho là lớn nhất và cũng đã hoạt động có thâm niên lâu nhất (cách đây ngót ngét 18 năm). Song vì luật pháp không cho phép người Việt Nam vào đây nên cho đến bây giờ, quy mô sòng bạc vẫn y nguyên của 18 năm về trước. Cũng bởi vậy mà nguồn thu vào ngân sách từ đây không đáng kể. Trong khi đó, tại Campuchia, Singapore hay Malaysia, người Việt lại nườm nượp đổ sang để chơi.

Nhiều chuyên gia đã từng nhận định, tại sao lại cấm người Việt Nam tham gia tại các điểm kinh doanh trò chơi có thưởng? Như Luật sư Trần Hữu Huỳnh, ông đã từng nhấn mạnh rằng, việc cấm là khó khả thi bởi thời gian qua, dù trong luật là cấm nhưng chưa có một khảo sát nào khẳng định rằng những casino ở trong nước hoàn toàn không có người Việt Nam tham gia.

Không ít các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc kiểm soát tiền bẩn có thể vào casino hay các tác động xấu đến xã hội là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, chứ không phải không kiểm soát được thì cấm. Cấm người Việt được chơi ở Việt Nam vô tình lại thúc đẩy vấn nạn chảy máu ngoại tệ. Hơn thế nữa, không loại trừ nạn cờ bạc bất hợp pháp sẽ nảy sinh ở nhiều nơi khi mà hoạt động quản lý hình thức kinh doanh này đã bộc lộ nhiều lỏng lẻo.

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ lần này, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm không cho phép người Việt Nam tham gia. Bộ này cho rằng, việc mở rộng đối tượng cần được nghiên cứu kỹ kèm theo các biện pháp quản lý.

Dù vậy, cũng cần phải thấy một thực tế rằng, quy định là một lẽ, song trong quy định, vẫn có những kẽ hở dễ dàng bị "qua mặt”. Trên thực tế, dù quy định chỉ cho phép người có hộ chiếu nước ngoài vào tham gia các casino tại Việt Nam, song vẫn có trường hợp người Việt Nam tham gia bằng nhiều thủ đoạn, bằng nhiều chiêu "lách luật” khác nhau. Như đi cùng với người nước ngoài hoặc có hộ chiếu nước ngoài. Bởi vậy, việc cấm tuyệt đối là không khả thi.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định lần này cũng có nhiều điểm thiếu chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, vô tình lại nới rộng cơ hội cho các doanh nghiệp khi muốn tham gia loại hình này. Chẳng hạn, theo Dự thảo, một trong những điều kiện quan trọng nhất để được cấp phép, đó là doanh nghiệp phải có cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng từ 5 sao hoặc hạng cao cấp và cơ sở lưu trú du lịch thường xuyên có số lượng lớn người nước ngoài lưu trú. Điều này, theo các chuyên gia kinh tế, nếu theo quy định, tất cả những khách sạn 5 sao ở Việt Nam đều có thể kinh doanh casino, mở sòng bạc. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định chỉ quy định chung chung về điều kiện doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính, chứ không đưa ra một con số cụ thể. Đây cũng là kẽ hở để các doanh nghiệp dựa vào đó dễ dàng đạt được mục đích của mình…

Nói cho cùng, loại hình kinh doanh này trước đến nay vẫn là loại hình khá nhạy cảm. Vì tính lợi nhuận của nó nên nhiều doanh nghiệp vẫn tìm ra những kẽ hở để "lách luật”. Thiết nghĩ, khi Nghị định được thông qua, các cơ quan quản lý cần có những động thái kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nếu nới lỏng như thời gian vừa qua, thì mọi cố gắng cũng trở thành công cốc.

Minh Phương

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=55102&menu=1390&style=1