Nghị định 51- Nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn

Chỉ còn 3 tháng nữa là Nghị định 51/CP về hóa đơn chứng từ có hiệu lực. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP, xung quanh vấn đề này.

° PV: Thời gian gần đây, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến việc lập hóa đơn khi bán hàng hóa dịch vụ sẽ có một số thay đổi kể từ đầu năm 2011, ông có thể nói qua về những thay đổi này? ° Ông NGUYỄN TRỌNG HẠNH: Hiện tại việc phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn chứng từ đang thực hiện theo Nghị định 89/2002/NĐ-CP ngày 7-11-2002 của Chính phủ và Thông tư 120/2002/TT-BTC ngày 30-12-2002 của Bộ Tài chính. Ngày 14-5-2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Đây là nghị định có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn bán hàng đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cơ quan thuế. Nghị định đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ quan thuế, công chức thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn. ° Xin ông cho biết những nội dung quan trọng nào của Nghị định 51/2010/NĐ-CP mà các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phải lưu ý? ° Nghị định 51/2010/NĐ-CP đã thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý hóa đơn từ phương thức truyền thống để tiến tới phương thức quản lý theo mô hình hiện đại. Nghị định ra đời nhằm tạo một bước đột phá trong công tác quản lý và sử dụng hóa đơn, được thể hiện qua rất nhiều nội dung mới, trong đó có 3 điểm quan trọng như sau: Thứ nhất: kể từ ngày 1-1-2011 doanh nghiệp phải tự in hóa đơn hoặc tự đặt in hóa đơn để sử dụng theo quy định. Thứ hai: từ ngày 1-1-2011, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) không thực hiện in hóa đơn để cấp cho các cục thuế. Các cục thuế sẽ căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để đặt in hóa đơn và bán cho tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương hoặc cấp cho các tổ chức không phải là các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng. Thứ ba: Nghị định 51 quy định chi tiết các hành vi vi phạm về hóa đơn và các hình thức xử phạt phù hợp với luật và pháp lệnh hiện hành đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. ° Xin ông cho biết cụ thể từng loại và mục đích sử dụng các loại hóa đơn này như thế nào? ° Theo quy định tại Nghị định 51, hóa đơn gồm có 4 loại và mục đích sử dụng như sau: Hóa đơn xuất khẩu là hóa đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ; hóa đơn bán hàng là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp và các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan (khu chế xuất) khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với nhau, xuất khẩu ra nước ngoài; các loại hóa đơn khác (gồm vé, thẻ hoặc các chứng từ có tên gọi khác nhưng có hình thức và nội dung quy định như hóa đơn). Hóa đơn được thể hiện bằng các hình thức sau: 1) Hóa đơn tự in là hóa đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, dịch vụ; 2) Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; 3) Hóa đơn đặt in là hóa đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, cá nhân. ° Xin cảm ơn ông! Nhằm chống hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực điện tử, điện máy, Báo SGGP rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc. Khi có bất kỳ phản ánh, thắc mắc, khiếu nại về hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng xách tay, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không hóa đơn chứng từ, trốn thuế… hãy gởi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08) 39294072 hoặc 0903.975323. THI HỒNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinhte/2010/9/238464/