Nghị định 115 về miễn thủy lợi phí: Nhiều bất cập phải sửa đổi

Sau gần 3 năm triển khai Nghị định 115 của Chính phủ về chính sách miễn thủy lợi phí đã giúp người dân giảm được chi phí sản xuất nông nghiệp, tình trạng nợ đọng thủy lợi phí hoàn toàn chấm dứt. Song những vướng mắc về mức thu thủy lợi phí được quy định trong Nghị định chưa phù hợp cần được sửa đổi.

Nông dân được hưởng lợi lớn Nhằm giảm chi phí cho nông dân, năm 2008 Chính phủ ban hành Nghị định 115 quy định về miễn thủy lợi phí đối với nông dân được giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối (trong hạn mức đất được giao). Sau gần 3 năm triển khai hầu hết các địa phương đều đánh giá cao chính sách miễn giảm thủy lợi phí, đáp ứng chủ trương giảm bớt một phần chi phí đóng góp của người dân. Không còn tình trạng giấu diện tích trong hợp đồng tưới tiêu giữa các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức của người dân. Tại Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, việc miễn thủy lợi phí đã giúp nông dân giảm được bình quân từ 3-10% tổng chi phí sản xuất. Mặt khác, nhờ hỗ trợ từ việc thực hiện miễn thủy lợi phí, nhiều đơn vị thủy nông đã có kinh phí để duy tu, sửa chữa kịp thời những công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Ông Vũ Văn Thặng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết; Kết quả phục vụ tưới tiêu của các công trình thủy lợi tăng lên rõ rệt kể từ khi chính sách miễn giảm thủy lợi phí được triển khai thực hiện. Rất nhiều hệ thống công trình thủy lợi được duy tu sửa chữa, hệ thống kênh mương được tu sửa nạo vét đã nâng cao năng lực, mở rộng diện tích tưới. Bên cạnh đó nhờ có chính sách này đã góp phần tăng diện tích tưới chủ động, tăng năng suất lúa. Diện tích rau màu, cây công nghiệp, cây vụ đông được tưới cũng tăng mạnh. Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2009 đã cấp phát cho các địa phương 2.800 tỉ đồng, năm 2010 là 3.500 tỉ đồng. Dự kiến năm 2011 mức kinh phí sẽ chuyển là 3.900 tỉ đồng. Cũng theo Bộ Tài chính trong thời gian tới, chính sách này sẽ tiếp tục được thực hiện và việc cấp bù kinh phí thủy lợi cho các địa phương vẫn tiến hành Miền núi kêu khó Từ thực tế cho thấy người nông dân được hưởng lợi từ Nghị định 115 là rất lớn. Song với mức trượt giá như hiện nay việc lấy mức quy định của Nghị định 143 của Chính phủ làm cơ sở tính toán, trên cơ sở đó nhân với hệ số trượt giá (2,31 lần) để xác định mức thu quy định của Nghị định 115 là không phù hợp thực tế. Vì các đơn vị, tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, tưới, tiêu ở miền núi có địa bàn phục vụ quản lý rộng, diện tích phân tán, địa hình phức tạp độ dốc lớn, thường phát sinh úng hạn cục bộ, kênh mương dài và hay bị bồi lấp, hư hỏng. Do đó, chi phí tu bổ nạo vét kênh mương, sửa chữa công trình hàng năm rất lớn, chi phí tiền điện tiêu úng, chống hạn tăng so với các khu vực đồng bằng có điều kiện thuận lợi hơn. Đối với diện tích đất được tưới tiêu từ công trình thủy lợi đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc có một phần vốn ngân sách nhà nước, Nghị định 115 quy định: Mức thu thủy lợi phí do đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thỏa thuận với hộ dùng nước và được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấp thuận. Thế nhưng, theo phản ánh của các tỉnh thì quy định này rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc sử dụng thủy lợi phí còn bị gò ép bởi các chính sách hiện hành. Theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Nghị định 143 của Chính phủ thì thủy lợi phí chỉ được dùng cho duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành công trình thủy lợi, có bao gồm sửa chữa lớn. Do vậy, một số tỉnh có chi phí cao, sau khi sử dụng kinh phí thủy lợi cho công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng sửa chữa còn dư rất ít, nếu muốn sử dụng vào việc xây dựng cơ bản như kiên cố hóa kênh mương, đại tu nâng cấp công trình thủy lợi sẽ rất khó thực hiện do vướng mắc về cơ chế. Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường thủy nông và cấp bù thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây đa số các ý kiến đều cho rằng, việc duy trì chính sách miễn thủy lợi phí là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh lại một số quy định cho phù hợp với tình hình hiện nay. Có như thế mới chấm dứt được thực trạng cùng một chính sách nhưng ở tỉnh này thì hào hứng, tỉnh kia thì thờ ơ. Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=33667&menu=1479&style=1