Nghèo mà xài sang

Thông tin tỉnh An Giang chuẩn bị xây sân bay hơn 3.400 tỉ đồng thật khó làm ai vui. Chỉ khu vực Nam Bộ đã có đến 5 sân bay, trong đó 3 sân bay quốc tế, thì không hiểu sân bay An Giang sẽ hoạt động ra sao.

Tất nhiên, lãnh đạo tỉnh này thì khá hồ hởi và vẽ ra viễn cảnh kinh tế sẽ phát triển vùn vụt từ dự án này, nào là du lịch phát triển, phục vụ các doanh nghiệp đến tìm cơ hội đầu tư, kết nối với quốc tế... mà quên mất thực tế không mấy sáng sủa của các sân bay khu vực. Cách An Giang khoảng 60 km đã có sân bay Cần Thơ, đến nay năng lực hoạt động chỉ khoảng 10% công suất. Xa hơn là sân bay Cà Mau, mỗi ngày chỉ có một chuyến. Sân bay này mỗi ngày chỉ mở cửa vỏn vẹn 2 giờ nhưng phải gánh bao nhiêu là chi phí...

Cách đây chưa lâu, sân bay Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 5.600 tỉ đồng cũng đã được khởi công. Khoảng 100 km kể từ vị trí này, dự án sân bay quốc tế Long Thành cũng sắp khởi động. “Nhích” ra một chút đã có sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), Phù Cát (Bình Định), Chu Lai (Quảng Nam)... Thông thường, khách du lịch đi máy bay đến những địa phương trung tâm, sau đó sử dụng ô tô về các tỉnh - thành lân cận để tham quan, vui chơi chứ chẳng ai lắm tiền mà bay từng chặng. Các sân bay chỉ cách nhau 100, 200 km thì chẳng thể nào tìm ra khách. Bởi vậy, không ít sân bay đầu tư cả ngàn tỉ nhưng mỗi ngày chỉ phục vụ một ít chuyến bay. Chưa hết, cả nước có 63 tỉnh - thành nhưng theo quy hoạch có đến gần cả trăm sân bay. Chẳng biết lấy đâu ra khách để phục vụ!

Phong trào xây dự án khủng có vẻ chưa dừng lại. Tương tự là quy hoạch sân golf, dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 sân. Chỉ riêng vùng Đông Nam Bộ có đến 21 sân golf. Kéo theo các dự án này là việc thu hồi đất, kể cả đất nông nghiệp, đất của người dân đang sản xuất. Không ít bức xúc xã hội cũng từ các quy hoạch dự án “khủng” kiểu này mà phát sinh dù các địa phương ấy có khấm khá gì cho cam. Có tỉnh đầy đủ sân golf, sân bay, trung tâm hành chính hoành tráng... nhưng hằng năm vẫn nhận cả ngàn tỉ đồng từ ngân sách trung ương để chi cho bộ máy quản lý địa phương; vẫn xin tiền cứu trợ, hỗ trợ vì thiên tai, mất mùa trong khi cán bộ lãnh đạo thì suốt ngày mơ tưởng hết dự án này đến dự án khác.

Người dân khổ với những “phong trào” như trên lắm rồi! Cái họ cần là đường sá được xây dựng, duy tu để các địa phương vùng sâu, vùng xa có cơ hội phát triển. Trường học cần xây thêm để con em không phải khổ sở với mưa nắng. Hỗ trợ, đầu tư sản xuất để đời sống người dân được nâng cao. Chứ tranh nhau tiếng gáy, tỉnh - thành khác có gì thì mình phải được vậy thì tội cho người dân. Lập dự án để phát triển kinh tế thì người dân mừng nhưng làm ồ ạt, bất chấp chỉ vì lợi ích cục bộ và bao nhiêu thứ lợi ích không tên gọi khác thì hãy dẹp bỏ để dân bớt khổ.

Phạm Hồ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ngheo-ma-xai-sang-20160815224443419.htm