Nghệ thuật - Xu hướng ham thích mới của giới thượng lưu Nga

(DVT.vn) - Không phải quần vợt hay trượt tuyết, giới doanh nhân - quý tộc Nga đặc biệt yêu chuộng nghệ thuật, nhất là hội họa.

(DVT.vn) - Không phải quần vợt hay trượt tuyết, giới doanh nhân - quý tộc Nga đặc biệt yêu chuộng nghệ thuật, nhất là hội họa. Một triết gia Pháp từng nói: “Nghệ thuật nếu không phải là bánh mì, thì cũng là rượu vang của cuộc sống”. Tại các thành phố lớn của SNG như Moskva, Saint-Petersburg, Kiev, Minsk… trong giới thượng lưu, đang hình thành một xu hướng mới, được giới truyền thông đặt tên là “Thời đại Khai sáng”. Để có được tấm “hộ chiếu” bước chân vào tầng lớp quí tộc mới này, giàu có không thôi chưa đủ, mà còn cần phải am tường nghệ thuật hiện đại và cổ điển. Tại các viện bảo tàng nổi tiếng, các phòng triển lãm tranh, thậm chí trong các trung tâm thương mại tại các thành phố nói trên, thường xuyên diễn ra các khóa học, các buổi hội thảo, các cuộc tham quan… Hoạt động này chiếm hầu hết quỹ thời gian giải trí sau giờ làm việc tại công sở của các nhà doanh nghiệp, nhà tài chính, các giám đốc... Nghệ thuật đòi hỏi sự cảm nhận một cái gì đó cụ thể và đàm đạo về nó. Hơn thế, nghệ thuật hiện đại còn đòi hỏi cả sự hy sinh, mà trước tiên là thời gian và tiền bạc. Một nhà phê bình điện ảnh kiêm giám đốc một trung tâm đào tạo nghệ thuật cho biết: “Trung tâm của tôi là một trong những nhà trường đắt giá nhất nước Nga. Học phí trung bình 3.000 euro/tuần. Vậy mà không bao giờ vắng học viên. Ngày nào cũng có bài giảng và các phòng học luôn chật kín”. Đây là một xu thế mới của giới thượng lưu Nga muốn tự khẳng định mình trước đồng nghiệp và để giành quyền trở thành tinh hoa của xã hội Nga hiện đại. Bức "Lilacs in a vase" tại tuần lễ nghệ thuật Nga. Trong các gian phòng của Viện Bảo tàng quốc gia mang tên Tchetiakov có rất đông khách tham quan. Các hướng dẫn viên say sưa diễn giải về các danh họa thế giới cũng như các kiệt tác vượt thời gian. Đối với vị giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Tirkom chuyên buôn bán rượu vang Moldavia và rượu Cognac, thì chẳng có gì là quá tốn kém khi phải chi mấy khoản tiền nho nhỏ cho những cuộc du lịch vào thế giới hội họa như ở bảo tàng Tchetiakov. Ngay trên tầng năm của SUM (Bách hóa Tổng hợp Moskva), một khóa học về nghệ thuật sáng tạo Pháp cũng được tổ chức. Hằng ngày, Nhà đấu giá Phillips de Pury trình bày các bài giảng về nghệ thuật đương đại Pháp và phương Tây. Một khóa sáu tháng với giá 3.200 USD. “Các học viên đến đây là những người mà không phải ai muốn gặp cũng được - Anna, trợ giảng của khóa học, thổ lộ. - Ngoài các bài giảng của khóa học, chúng tôi còn tổ chức đi tham quan thành phố, tham quan các show diễn thời trang, và các tour du lịch ra nước ngoài. Sắp tới, chúng tôi sẽ cùng cả lớp sẽ đi thăm Maroc”. Hội họa Nga luôn là đề tài hấp dẫn trong sự cải biến của nghệ thuật hiện đại. Một trong những trung tâm đào tạo nghệ thuật như trên là rạp chiếu phim Pioner ở Moskva. Tại đây, người ta trình chiếu các bộ phim kinh điển của thế giới. Phòng chiếu bao giờ cũng kín người. Sau mỗi bộ phim, các nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng của Nga hướng dẫn thảo luận về nội dung cũng như nghệ thuật thể hiện của các diễn viên... Người ta còn nói tới những tên tuổi lớn của nền điện ảnh thế giới. Ông Roman Krupnov, thư ký báo chí của rạp chiếu phim, nói : “Nhiều khi không đủ chỗ ngồi, phải đặt thêm bên ngoài hành lang các màn hình vô tuyến”. Các buổi hội thảo về nghệ thuật tại Moskva được tổ chức ngày một nhiều. Có một nhận xét, khách tham gia các các hoạt động “khai sáng” phần lớn là phụ nữ. Tỷ lệ này đạt tới 90%, lứa tuổi từ 17 đến 87, và đủ các ngành nghề. Họ khao khát được nâng tầm hiểu biết cũng như hình ảnh của mình trong con mắt người yêu. Nhu cầu mỹ học được đánh thức trong một số giai tầng của xã hội Nga cách đây không lâu. Đặc biệt, giới doanh nhân thành đạt, vào độ tuổi 40 - 45, khi họ đã đứng vững trên nền tảng vật chất, do đó, nảy sinh đòi hỏi đánh giá lại các giá trị của cuộc sống. Trong quá trình tích lũy tư bản vào những năm 1990, những triệu phú, tỷ phú của nước Nga chỉ vào độ tuổi 30, họ thích sự phô trương với các thiếu nữ chân dài, rượu sâm banh thượng thặng... Còn bây giờ, đã sang tuổi tứ - ngũ tuần, họ không còn thích ăn nhậu nữa, rượu hầu như cũng không uống. Vậy họ sẽ nói chuyện gì với nhau? Thời tiết hay chính trị? Cả hai thứ đó đều nhanh chóng nhàm chán. Và thế là nảy sinh nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật. Am tường nghệ thuật hiện đại là một xu thế của thế giới. Nó là cái “vé” để bước vào một thế giới khác - thế giới tinh hoa của xã hội. Rất nhiều nhà triệu phú, tỷ phú Nga mở những phòng tranh hiện đại, phòng tranh cổ điển... ham mê sưu tập các kiệt tác hội họa Nga và thế giới, tham gia tài trợ các di sản văn hóa của đất nước. Thí dụ, phòng tranh của danh họa Mikhain Vruben tại bảo tàng Tchetiakov được phục hồi và sửa chữa bằng tiền của chủ tịch tập đoàn Renov, tỷ phú Viktor Vekselberg. Rồi, Chủ tịch Alfa Bank Piot Aven xuất bản một bộ sưu tập riêng về hội họa Nga thế kỷ 19-20... Tóm lại, để giành được “giấy phép” bước chân vào giới thượng lưu, không chỉ những người giàu có, mà cả tầng lớp trung lưu ở Nga đang cố gắng nâng cao trình độ thẩm mỹ của mình. Cánh cửa nhỏ đó rất khó mà cũng rất dễ chui qua, vì được vị thần bảo trợ nghệ thuật Apollon ngày đêm canh giữ. Vũ Tuấn Hoàng (Từ SNG)

Nguồn DVT.vn: http://dvt.vn/20101229082442326p0c42/nghe-thuatxu-huong-ham-thich-moi-cua-gioi-thuong-luu-nga.htm