Nghệ thuật và cuộc sống

Griselidis Reál (1929-2005) là gái điếm chuyên nghiệp kiêm văn sĩ đa tài của Thụy Sĩ, với kiệt tác văn chương Sổ tay của một điếm cao cấp, khi chết phần mộ được đưa vào Nghĩa trang các Vua ở thành phố Giơneve.

Minh họa: bigthink.

Chính thanh và tạp âm

Môi trường dù trong lành, thanh khiết đến đâu thì vẫn có những bụi bẩn. Âm thanh dù trong trẻo đến mấy vẫn có tạp âm. Dòng suối dù thanh trong thế nào vẫn có những gợn vẩn. Đời sống xã hội dẫu lý tưởng cũng không hoàn toàn trong sạch. Đời sống văn chương ở đâu, đời nào thì cái hay vẫn xen lẫn cái dở, vàng bạc châu báu vẫn lẫn với đá vụn và cát sỏi... Biết thế thì đừng nên lý tưởng hóa một cái gì, và cũng không nên quá thất vọng trước những gì chưa tốt đẹp.

Ca nhạc Huế trên sông Hương là một hình thức biểu diễn nghệ thuật thanh cao, cho du khách hiểu con người và mảnh đất cố đô mấy trăm năm của dân tộc. Một phần của ca nhạc Huế là Nhã nhạc cung đình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất nhiên ca nhạc phải được nghệ sĩ đích thực biểu diễn. Mùa thu năm 1996, thăm Huế, tôi được các anh ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức đi thuyền nghe ca Huế trên sông Hương. Đúng là một đêm thơ mộng, tuyệt diệu. Các làn điệu ca Huế được các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, cho chúng tôi hiểu được tâm hồn xứ Huế mộng mơ mà cao sang. Sau 12 năm, trung thu 2008 tôi trở lại, mọi sự đã đổi thay nhiều. Huế giàu có hơn, nhiều nhà cao tầng và cửa hàng cửa hiệu sang trọng. Con người cũng đẹp hơn, vẻ đài các đã tăng lên. Ngành du lịch Huế đã phát triển nhanh. Tôi lại được đi thuyền nghe ca nhạc trên sông Hương. Nhưng than ôi, đâu còn phải là ca nhạc Huế. Hàng mấy chục tốp "hát vườn" mỗi thuyền một đội đã làm hỏng cả một đêm trăng thơ mộng. Đó là tạp âm của ca nhạc Huế, của văn hóa Huế. Cơ chế thị trường, ngành nào cũng có đủ kiểu tạp âm.

Riêng đời sống văn chương, trong lịch sử hình như tạp âm có ít hơn. Bởi trước đây, chỉ những người gắn với nghiệp văn thì mới viết. Mấy chục năm nay thì không phải thế, có người cả đời chẳng gắn bó gì với văn chương, đến lúc nghỉ hưu bỗng thấy viết văn làm thơ được coi là người hay chữ nên đã nhảy xổ vào viết, sản xuất thơ văn đều đặn hàng ngày. Báo chí, xuất bản thì bây giờ lại dễ dàng quá. Báo thì thiếu bài để đăng. Xuất bản thì cứ không phạm vào điều cấm là được cấp giấy phép, cứ có tiền là in. Lượng thơ văn được in ra nếu dồn xếp lại có thể cao hơn nhiều trái núi. Mà thời cụ Cao Bá Quát thì thiên hạ mới có ba bồ sách! Vì thế, đời sống văn chương hiện nay đầy tạp âm, chọn được sách hay rất khó. Sự nhiễu loạn trong đánh giá, khen chê, trao giải thưởng... khó mà phân biệt chính thanh và tạp âm.

Trước đây, tạp âm cũng đơn giản, chỉ có tiếng rè. Thời hiện đại, khối lượng tạp âm nhiều vô kể và cũng phức tạp vô cùng. Có những tạp âm mà tưởng như chính thanh. Cũng giống như rác thải, có cả những bao bì đóng tem mác rất sang trọng, chứ không phải là mùn rác đơn thuần, ai nhìn cũng thấy. Vì thế sàng lọc âm thanh bây giờ khó khăn vô cùng. Nhưng dù khó khăn đến đâu thì cũng phải sàng lọc. Đó là công việc của mọi thời. Đã làm thì phải làm hết sức. Kết quả đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố! Nhưng không thể đầu hàng. Công việc này đặt lên vai cả một hệ thống, từ các cấp lãnh đạo đến tổ chức Hội Nhà văn, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và công chúng yêu văn chương.

Thực ra, đây là một cuộc chiến đấu. Bởi thời nay, tạp âm mà có năng lực tài chính thì nó biến hóa khôn lường, có sức mạnh khủng khiếp: Không ít người ngay sợ kẻ gian, người tài đức lại yếu thế. Tất nhiên, sự chế ngự của cái xấu cái ác trong lịch sử chưa bao giờ tồn tại được lâu. Dòng chính của con sông bao giờ cũng đổ đúng hướng ra biển cả, dẫu lúc nào đó nó có khúc cong, quanh co. Thì đấy, chúng ta thời gian qua đã tận mắt thấy sự tàn lụi của nhiều hiện tượng văn chương quái lạ một cách nhanh chóng, dẫu nó cũng biến ảo, cũng quẫy đạp đến đục ngầu cả dòng sông văn.

Anh hùng và nghệ sĩ

Trong lịch sử, những chính trị gia có tâm hồn nghệ sĩ không phải ít. Ở Việt Nam, từ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ... đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu... Ông vua Tự Đức có tiếng hay thơ. Nhà thơ Nguyễn Khuyến làm đến quan tổng đốc. Trên thế giới cũng vậy. Ở Trung Quốc, từ Tào Tháo đến Mao Trạch Đông đều là những nhà thơ. Nêrô bạo chúa thời La Mã, kẻ đã đốt cả thành Rôma, là nhà thơ. Tổng thống Sátđam Hútxen (Irắc) viết tiểu thuyết. Xămđéc Nôrôđôm Xihanúc (Campuchia) vừa đóng phim vừa sáng tác nhạc. Tổng thống Mỹ Rônan Rigân từ một diễn viên điện ảnh, từng đóng vai găngxtơ tiêu diệt người da đỏ khá thành công...

Vậy anh hùng và nghệ sĩ, hòa hợp hay đối kháng? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Giáo sư Vũ Khiêu, từ mấy chục năm trước đã có một chuyên luận về vấn đề này làm tôi chú ý. Nhà thơ Xuân Thủy thì ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là "người chiến sĩ mang tâm hồn nghệ sĩ". Nhưng tâm hồn nghệ sĩ theo cách hiểu thông thường là hơi ủy mị, mềm yếu, nhạy cảm, dễ xúc động, thì làm sao hòa hợp với tính chất anh hùng cứng rắn? Và tâm hồn nghệ sĩ nhiều khi cũng được hiểu đi liền với cái đẹp và sự trong sáng. Vậy làm sao lại có nhà thơ bạo chúa Nêrô? Làm sao lại có nhà thơ gian hùng Tào Tháo? Trong lịch sử văn chương Pháp còn có một người làm thơ hài hước chuyên trộm cắp bị kết án treo cổ, khi lên ngọn đầu đài đã làm bài thơ hài hước về tình cảnh của mình nổi tiếng còn lưu truyền đến nay. Griselidis Reál (1929-2005) là gái điếm chuyên nghiệp kiêm văn sĩ đa tài của Thụy Sĩ, với kiệt tác văn chương Sổ tay của một điếm cao cấp, khi chết phần mộ được đưa vào Nghĩa trang các Vua ở thành phố Giơneve (theo Tạp chí Người đẹp Việt Nam số 241 ngày 1/4/2009).

Tôi cũng thường nghe nói nhà thơ với nhà thơ là bạn. Nhiều người "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình", gặp nhau lập tức trở thành bạn thân thiết. Các đôi bạn thơ Nguyễn Khuyến - Dương Khuê, Xuân Diệu - Huy Cận như biểu tượng của tình bạn thi sĩ. Đỗ Phủ và Lý Bạch, hai phong cách thơ tưởng chừng như đối lập, một người hiện thực, một người lãng mạn mà nhớ nhau cũng thành những bài thơ nổi tiếng... Ngược lại, cũng có những nhà thơ đối lập nhau. Vua Tự Đức khi đọc Truyện Kiều, đã nói: Nếu Nguyễn Du còn sống thì phải lọc ra đánh 300 roi. Và chính vua Tự Đức đã tiêu diệt nhà thơ Cao Bá Quát và sự chống đối của những nông dân vùng Mỹ Lương. Ngoài ra còn có không ít nhà thơ ganh ghét nhau... Cho nên cũng không nên nhìn nhận và lý giải vấn đề anh hùng và nghệ sĩ một cách đơn giản được.

Thực ra anh hùng và nghệ sĩ không đồng đẳng trường ngữ nghĩa. Sáng tạo nghệ thuật, văn nghệ sĩ với tư duy hình tượng bay bổng và giàu tưởng tượng. Nó đối lập với tư duy lôgíc cụ thể của khoa học. Vì vậy các nhà khoa học thường không sáng tạo nghệ thuật, và các văn nghệ sĩ thường không làm khoa học. Nếu họ có làm thì cũng là làm tay trái, không thể thành công lớn được. Còn anh hùng và nghệ sĩ lại là một cặp phạm trù khác, không đối lập nhau, nhưng cũng không hoàn toàn đồng hợp. Anh hùng và nghệ sĩ có ảnh hưởng đến nhau không? Nếu hai phẩm chất này cùng có ở một con người thì nó tôn nhau lên hay níu kéo nhau xuống? Ở hai danh nhân văn hóa thế giới là Nguyễn Trãi tiên sinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì rõ ràng hai phẩm chất này đã tôn nhau lên. Còn hai nhà thơ Pêtôpi (Hunggari) và Cao Bá Quát thì chất nghệ sĩ có là nguyên nhân làm cho cuộc khởi nghĩa của họ thất bại?

Vì thế, các văn nghệ sĩ cũng không nên quá tự hào về phẩm chất nghệ sĩ. Phẩm chất nghệ sĩ có cả những ưu điểm và khiếm khuyết. Từng nghệ sĩ phát huy những ưu điểm của phẩm chất này và hạn chế những khiếm khuyết của nó như thế nào? Thời kinh tế thị trường có những văn nghệ sĩ làm kinh tế giỏi, và cũng không ít văn nghệ sĩ bị phá sản. Vấn đề là, các văn nghệ sĩ phải tự biết mình. Nếu không có phẩm chất của người quản lý thì đừng nên làm lãnh đạo, không có tư duy kinh tế thì đừng lao vào thương trường. Hãy cứ làm văn nghệ sĩ thuần túy, đốt cháy trái tim của mình lên và tỏa sáng. Ánh sáng của nghệ thuật cũng vinh quang lắm rồi. Ông cha ta từ xưa đã truyền dạy "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" đấy thôi. Thì Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Hàn Mặc Tử, rồi Thạch Lam, Nam Cao, Xuân Diệu nào có chức tước của nả gì, mà bằng tài năng của mình tên tuổi cứ trường tồn cùng trời đất. Chứ cần gì phải nhòm nhỏ những ngôi vị cao sang, những môi trường màu mỡ. Bởi vì biết bao ông quan to, vô vàn kẻ trọc phú không để lại tuổi tên, thậm chí có kẻ còn lưu danh xấu.

Đinh Quang Tốn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nghe-thuat-va-cuoc-song/105040