Nghệ thuật và cái giá của nghệ thuật

(Toquoc)- Lần đầu tiên, một triển lãm tranh sale off đã diễn ra tại Hà Nội. Dù còn nhiều tranh cãi, song việc làm của các họa sỹ trẻ đã tạo nên một không khí sôi động hiếm hoi trong thị trường tranh vốn ảm đạm của mỹ thuật Hà Nội.

Khi nghệ thuật hạ giá

Họ đều là những người trẻ. Đỗ Hiệp sinh năm 1984, còn Nguyễn Đình Vũ (sinh năm 1980) và Triệu Tuấn Long (sinh năm 1981). Sau chục năm kể từ khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, họ vẫn chỉ “làm nghề” với tâm niệm, làm cho vui, làm vì yêu thích, chứ không thể sống bằng nghề. Cách “tiêu thụ” sản phẩm của các họa sỹ trẻ vẫn là ký gửi một vài bức tranh tại các gallery, giá cả do các gallery quy định. Mỗi năm bán một vài bức tranh nên việc làm kinh tế đối với các họa sỹ trẻ là điều xa vời, thậm chí họ còn tự nhận “lúc no lúc đói”, phải làm thêm các công việc khác như trang trí khách sạn, thiết kế sân khấu… để nuôi nghề vẽ.

Triển lãm đã làm sôi động hơn cho thị trường mỹ thuật trầm lắng của Hà Nội (Ảnh: Đ. Hiệp)

Cũng từ ý tưởng mong muốn một thị trường tranh sôi động, tạo điều kiện cho người chơi tranh, người vẽ tranh gặp gỡ, trao đổi, ba chàng trai trẻ đã táo bạo làm một triển lãm Sale off tranh. Theo lời các họa sỹ, toàn bộ phòng tranh thành một tác phẩm sắp đặt lớn, với mọi chi tiết đều có mục đích nhấn mạnh tính thương mại một cách giễu nhại. Có những băng rôn quảng cáo với màu hồng chủ đạo, trên đó ghi những hàng chữ có tính “rao hàng” như: “Tưng bừng khuyến mãi! Ưu đãi hoành tráng!” hay “Sự lựa chọn tốt nhất trong năm!”; “Discounts to 90%” (Giảm giá đến 90%). Đặc biệt, để chứng tỏ sự giảm giá, các họa sỹ đã đề bên cạnh bức tranh giá gốc (bị gạch bỏ) và đề giá sale off bên cạnh. Cách làm này được (bị) đánh giá là không khác gì ở các cửa hàng hay ở chợ, siêu thị.

Cách “quảng cáo” này theo ý đồ của các họa sỹ cũng nằm trong tổng thể của một triển lãm sắp đặt và nó làm tăng hiệu quả, thu hút công chúng đến xem và mua tranh. Họa sỹ Đỗ Hiệp cho biết: “Triển lãm Sale off không bắt nguồn từ vấn đề kinh tế của nhóm mà từ thị trường tranh. Hằng năm đều có mùa giảm giá các mặt hàng. Tại sao tranh lại không? Trong khi, thị trường tranh vốn im ắng, người có nhu cầu vẫn phải mua tranh chép về treo”. Đỗ Hiệp cũng chia sẻ, ban đầu, nhiều người tưởng mình bán đổ, bán tháo những tranh không đạt chất lượng. Nhưng khi đến triển lãm, thấy tất cả đều là tranh mới, độc bản thì họ đều rất ấn tượng và nhiều người sẵn sàng mua ngay. Đây cũng là điều nằm trong chủ ý của tác giả của triển lãm. Họa sỹ Đỗ Hiệp cho hay, người Việt vẫn nghĩ tranh là “của nhà trồng được” nên vẫn thường xin, tặng nhau là chính. Việc mở triển lãm này cũng là cách để kích thích mọi người mua tranh, thay đổi quan niệm của người dân về thị trường mỹ thuật.

Quả thật, triển lãm ngày nào cũng tấp nập người vào, ra, khác hẳn với không khí ảm đạm của các triển lãm chỉ sôi động ngày khai mạc. Và sau 10 ngày triển lãm (từ 24/10- 4/11), ba họa sỹ trẻ đã bán được 70 trong tổng số 90 bức tranh được triển lãm, với số tiền hơn 4500 USD. Đây là con số đáng kể bởi vì phần lớn tranh triển lãm đều là tranh khổ nhỏ.

Và những ý kiến trái chiều

Một cách làm mới, lạ và xét cho cùng cũng có hiệu quả, có tác động tích cực tới thị trường mỹ thuật đang trầm lắng của Hà Nội. Tuy nhiên, không phải không có những ý kiến trái chiều.

Ba họa sỹ trẻ đã dám nghĩ, dám làm (ảnh internet)

Việc hạ thấp giá tranh của những họa sĩ trẻ trên, có thể là một thách thức, nhưng cũng có thể xem là một trò đùa không hay. Họa sỹ Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Việc hạ thấp giá tranh của những họa sĩ trẻ trên, có thể là một thách thức, nhưng cũng có thể xem là một trò đùa không hay”. Họa sỹ cho biết: “Về thực chất, giá trị tính ra tiền của một tác phẩm nghệ thuật không do nghệ sĩ quyết định. Anh ta chỉ là người làm ra nó. Tác phẩm nghệ thuật được đánh giá theo những quy luật thị trường bên ngoài ý muốn của một cá nhân. Van Gogh khi sống chỉ bán được một bức tranh 300 quan, nhưng hiện tại giá tranh của ông lên đến cả trăm triệu USD, ông không biết và không bao giờ hiểu được điều đó”.

Tuy nhiên, họa sĩ Thành Chương lại cho rằng: “Đây là một triển lãm rất thú vị. Theo tôi, trước tiên là ở cách trưng bày và ở tinh thần của họa sĩ. Ít nhất là nghệ thuật sắp đặt đã mang lại cảm giác thú vị và dễ chịu về nội dung, giống như cái chợ tranh nhiều món và nhiều lựa chọn. Bấy lâu nay xu hướng chung của nghệ thuật thường có nhiều người ngộ nhận, bịp bợm, thần thánh hóa cao đạo nghệ thuật, khiến nó xa rời cuộc sống với những lý lẽ về nghệ thuật đỉnh cao. Triển lãm này có ý thức đối thoại lại với dòng suy nghĩ tràn lan và sai lạc với thị trường”.

Họa sỹ Bằng Lâm- Nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng: “Người nghệ sỹ phải là người đi trước thời đại, hướng tới điều đó để nâng cao chất lượng cuộc sống, đem nghệ thuật đến với công chúng. Hiện nay, nhiều người có mức sống trung bình cũng muốn có tranh để treo ở nhà. Bởi vậy, giá tranh cũng phải phù hợp, vừa phải với đa số người dân. Người nghệ sỹ phải sáng tạo, đó là điều các em đã làm được. Có khen, có chê là lẽ thường tình. Vấn đề là tuổi trẻ đã dám nghĩ, dám làm, đem tư duy mới, cách nhìn mới đến công chúng”.

Ba họa sỹ trẻ hiện nay đã nhận được lời mời vào TP Hồ Chí Minh để tiếp tục làm triển lãm Sale off. Tuy nhiên họ cho biết, còn phải cân nhắc một thời gian nữa mới tiếp tục thực hiện được. Song họ đều khẳng định, sẽ biến triển lãm Sale off thành hoạt động thường niên vào dịp mùa thu ở Hà Nội, thậm chí, nếu có thể, họ mong muốn, có một mùa sale off tranh của hệ thống tất cả các gallery trên toàn quốc.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/14/my-thuat/81143/nghe-thuat-va-cai-gia-cua-nghe-thuat.aspx