Nghệ thuật sơn mài trên áo dài

Thêm một lần nữa, nhà thiết kế thời trang Xuân Thu lại tiếp tục tìm tòi từ kho tàng văn hóa Việt Nam để làm đẹp cho áo dài qua những thiết kế mới trong bộ sưu tập "Lửa". Những chiếc áo dài này lấy cảm hứng từ nghệ thuật sơn mài truyền thống, được trình diễn trong show thời trang "Son" vào tối nay (23-4) tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).

Ảnh: Dân trí

Nguyễn Xuân Thu là một trong những nhà thiết kế thời trang thế hệ đầu của Hà Nội. Chị sinh năm 1969, tốt nghiệp Khoa Thiết kế thời trang, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Năm 2002, nhà thiết kế Xuân Thu là một trong những người đầu tiên được Hiệu trưởng Trường London Fashion Center (Anh) tuyển chọn tham gia khóa học về kỹ thuật thiết kế. Thấy được triển vọng từ khóa học này, chỉ hai năm sau, Học viện Thiết kế và Thời trang London đã được mở tại Hà Nội, trở thành nơi đào tạo thiết kế uy tín và chất lượng tại Việt Nam.

Nhà thiết kế Xuân Thu sau đó đã tìm được hướng đi cho sự nghiệp của mình với những sáng tạo lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc, thực hiện bằng kỹ thuật thủ công tinh tế. 15 năm qua, những thiết kế đầy màu sắc của chị trong "Cổng làng", "Gió mùa", "Gió đại dương", "Màu Kinh Bắc", "Góc xưa" hay những bộ áo tứ thân mang họa tiết gốm hoa nâu... vẫn được yêu chuộng. Chị quan niệm: "Chính yếu tố văn hóa truyền thống là ngôn ngữ để có thể giao lưu và hội nhập với thế giới, cũng như tạo sự khác biệt cho thời trang Việt Nam".

Bộ sưu tập áo dài "Lửa" lần này của nhà thiết kế Xuân Thu là một khai thác mới từ nghệ thuật sơn mài truyền thống. Chị vẫn sử dụng những chất liệu thiên nhiên như gấm, lụa, the, đũi..., các màu nâu non, nâu đỏ, màu xanh của đồng lúa, màu hồng của phù sa như nhiều bộ sưu tập trước đó. Điểm mới trong bộ sưu tập này là các chi tiết gắn nổi trên thân áo. Những họa tiết hoa sen, hoa cúc dây trong dòng gốm hoa nâu thời Lý - Trần được cách điệu theo lối vẽ tranh sơn mài và kỳ công thêu tay bởi các nghệ nhân làng nghề Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội). Chị đã dành hai năm tìm cách thể hiện ý tưởng, mời các họa sĩ tham gia vẽ họa tiết sơn mài và đặt hàng nghệ nhân thêu để có được bộ sưu tập mà chị gọi là: "Sự tương tác của những người yêu văn hóa Việt". Xuân Thu chia sẻ: "Tôi muốn kể những câu chuyện dân gian, chuyện về người phụ nữ Việt Nam truyền thống tỏa sáng đẹp đẽ ở thời đại ngày nay. Thậm chí, họ có thể tự tin bước ra thế giới".

Đi cùng những chiếc áo dài "Lửa", nhà thiết kế Xuân Thu còn cho ra mắt bộ sưu tập áo chần bông khoác bên ngoài, phù hợp với thời tiết miền Bắc trong mùa đông tới. Những đường chần trên áo được khâu tay hoàn toàn, có nét hao hao áo trấn thủ, mang lại nét mới và thời thượng cho hai trang phục tưởng như khó kết hợp.

Ngoài hai bộ sưu tập trên, trong dịp này, nhà thiết kế Xuân Thu công bố 50 bộ trang phục đời thường mang tên "Xuân thì" bằng chất liệu lụa tơ tằm. Nghệ thuật sử dụng màu sắc tài tình, vừa truyền thống vừa hiện đại, đơn giản và trẻ trung của chị thể hiện rõ trong từng thiết kế này.

Không chỉ dừng lại ở việc thiết kế, Xuân Thu muốn đem đến cho khán giả một cảm nhận rõ nét về nghệ thuật thời trang. Vì vậy, chương trình "Son" ra mắt những thiết kế mới nhất của chị sắp tới là một đêm nghệ thuật đặc biệt: Kết hợp giữa trình diễn thời trang và âm nhạc đương đại trong không gian văn hóa của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Nghệ sĩ piano Phó An My là người đệm đàn trực tiếp theo từng bước trình diễn của người mẫu.

Chương trình thời trang "Son" cũng là sự kiện đánh dấu chặng đường 15 năm kiên định với nghề của nhà thiết kế Xuân Thu. "Son" còn là câu chuyện kể về một người đang nỗ lực tìm nét đẹp vàng son trong văn hóa truyền thống, đưa chúng "sống" trong thời đại hôm nay.

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/867318/nghe-thuat-son-mai-tren-ao-dai