Nghệ thuật chỉ huy tình huống trong Chiến dịch Tây Nguyên

Đến 9 giờ ngày 19-3-1975, quân Giải phóng đã đánh, phá sản cuộc 'rút lui chiến lược' của Quân khu 2 và các lực lượng khác của địch ở Tây Nguyên.

Ngoài một số ít địch chạy thoát về Tuy Hòa, quân Giải phóng đã bắt gần 17.000 tù binh, trong đó có 779 sĩ quan từ chuẩn úy đến chuẩn tướng. Phá hủy, thu giữ 17.183 súng các loại, trong đó có 79 khẩu pháo từ 105mm trở lên; hơn 2.000 xe quân sự (có 207 xe tăng và xe bọc thép; 44 máy bay bị bắn rơi, 110 chiếc khác bị thu và phá hủy). Kết quả này đã biến ý định "rút lui chiến lược", bảo toàn lực lượng về giữ các tỉnh Nam Trung Bộ ven biển của Nguyễn Văn Thiệu thành "thảm kịch đường số 7". Đây được xem là một điển hình về nghệ thuật chỉ huy tình huống trong tác chiến chiến dịch. Nghệ thuật này tựu chung ở những vấn đề chính sau.

Một là, nắm chắc tính hình, dự kiến chính xác khu vực mục tiêu

Sơ đồ chiến lệ trận tiến công địch ở đường số 7 và đường 5.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, sau khi ta đã thực hiện hai trận đánh then chốt là vào thị xã Buôn Ma Thuột từ ngày 10 đến 11-3-1975 và tiến công địch phản kích ở Phước An từ ngày 12 đến 18-3-1975 thì thế và lực của quân ta lên rất mạnh. Do bị kéo căng trong thế chiến tranh nhân dân của ta, cùng lúc phải đối phó với nhiều hướng, mũi ở các địa bàn chiến lược trọng điểm, như: Đà Nẵng – Huế; Tây Ninh và Tây Nguyên; do thiếu vũ khí, trang bị kỹ thuật và lực lượng nên Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã quyết định ngừng chi viện, phản kích, đồng thời cho lực lượng rút khỏi Tây Nguyên. Mục đích là địch rút quân về đồng bằng ven biển để củng cố, đủ lực bảo vệ những phần đất còn lại của Quân khu 2.

Thảm kịch đường số 7. Ảnh tư liệu.

13 giờ ngày 15-3, cuộc di tản của Quân đoàn 2 VNCH chính thức bắt đầu. Thiết đoàn 19 và Liên đoàn 6 Biện động quân (BĐQ) mở đường từ Plây-cu đi Phú Túc. Tiếp đó là bộ phận còn lại của Bộ tư lệnh Quân đoàn II, Lữ đoàn 2 Thiết kỵ, các đơn vị bộ binh, hậu cần, kỹ thuật... Cùng với sự di chuyển này là lượng lớn dân sự, gồm công chức hành chính và thân nhân của sĩ quan, binh sĩ VNCH. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, có khoảng hơn 2.000 phương tiện giao thông dân sự tham gia vào cuộc rút quân đã làm cho việc tổ chức rút quân rất phức tạp. Thêm nữa, việc rút lui theo đường số 7 từ Plây-cu đi Cheo Reo, Phú Bổn (thuộc tỉnh Gia Lai ngày nay) đi Phú Yên của địch cũng không thuận vì đường hẹp, mặt đường xấu, nhiều cầu nhỏ, trong khi năng lực của công binh Quân đoàn 2 VNCH rất hạn chế.

Sáng 16-3, khi đội thiết giáp đi đầu trong đoàn xe quân sự dài đến hơn 2.000 chiếc đã đến Cheo Reo (bây giờ là thị xã Ayun Pa) an toàn và bắt đầu di chuyển xuống Củng Sơn thì toán cuối của đoàn xe này mới ra khỏi thị xã Plây-cu.

Nắm được tình hình địch, chiều 15-3, khi cánh quân đi đầu của Thiết đoàn 19 đã qua Cheo Reo, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã quyết định sử dụng toàn bộ Sư đoàn 320A, Tiểu đoàn xe tăng 2 (Trung đoàn 273), Trung đoàn pháo binh 675, Trung đoàn cao xạ 593 và hai Tiểu đoàn quân địa phương ở Phú Yên thực hiện truy kích.

20 giờ ngày 16-3, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320A) được lệnh cắt rừng, cơ động suốt đêm và lập một chốt chặn ở phía Nam thị xã Cheo Reo. Tiếp ứng phía sau là Trung đoàn 64 hành quân trên 110 xe ô tô các loại và các lực lượng khác.

Như vậy, với việc nắm chắc địch, ta đã tận dụng triệt để thời cơ và thế thắng trước đó, nhanh chóng điều và cơ động lực lượng chốt chặn các vị trí, hình thành thế chặn đầu, khóa đuôi để tấn công lực lượng địch di tản.

Hai là, bố trí thế trận hợp lý, chớp thời cơ, sử dụng lực lượng phù hợp, tạo tập thế trận vững chắc.

Khi địch rút bỏ Tây Nguyên, ta đã nhận định: Nếu so sánh lực lượng thì địch còn đông, trang bị vũ khí mạnh, ta chỉ có một sư đoàn được tăng cường binh khí kỹ thuật. Nhưng địch đang hoang mang, bạc nhược, chỉ huy rối loạn, đội hình lộn xộn. Bộ tư lệnh chiến dịch đã quyết định tiến công ngay. Ta đã lập được thế trận, dồn địch vào một tình thế rất bất lợi: Bộc lộ cả đội hình lớn trên một đoạn đường 7 chật hẹp và xấu, rất khó chỉ huy điều hành cơ động, nhất là khi bị tiến công; hơn nữa, do nhiều công chức và nhân dân đi theo nên dễ hoảng loạn, ảnh hưởng rất lớn đến phương án tác chiến, khi bi tiến công sẽ nhanh chóng kéo theo sự hoảng loạn. Điều này đã được khẳng định trong cách đánh của ta.

Sáng 17-3, tốp xe tăng, thiết giáp đi đầu của Thiết đoàn 19 và Liên đoàn 6 Biệt động quân VNCH đã chạm súng với Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 quân Giải phóng tại đèo Tuna, cách Cheo Reo 4km về Đông và bị chặn lại ở đây. Từ chiều tối 17 đến sáng 18-3, địch sử dụng Liên đoàn 7 BĐQ với sự yểm hộ của không quân, pháo binh và thiết giáp liên tục công kích nhổ chốt, vu hồi bọc chốt để mở đường nhưng đều bị đẩy lùi.

Nhờ đánh giá đúng về địch, ta đã sử dụng lực lượng hợp lý, nhanh chóng hình thành thế trận tiến công địch. Các đơn vị hiệp đồng ăn khớp, chốt chặn, vận động tiến công cả phía trước, phía sau, bên sườn, tiêu diệt, không cho địch có cơ hội thoát về đồng bằng. Thế trận ấy được giữ vững khiến cho quân địch ùn ứ, mất tính chủ động trong tác chiến và hỗn loạn, phải bỏ chạy, đầu hàng.

Ba là, linh hoạt trong vận dụng phương pháp tác chiến và chiến thuật đánh trận then chốt

Một yếu tố quan trọng dẫn tới sự thành công của trận đánh chặn này là các lực lượng của ta đã nhuần nhuyễn trong tác chiến trận then chốt. Các đơn vị nắm chắc địch, đánh giá đúng khả năng của địch để vận dụng các loại hình chiến thuật phù hợp. Ta đã thay đổi phương pháp tiến công, dùng hỏa lực pháo binh đánh phá mãnh liệt, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận, làm cho dịch hoang mang đến cực độ, khiến chúng bị tan rã. Các đơn vị của ta đã sử dụng các hình thức chiến thuật khôn ngoan, kết hợp chốt với tiến công. Sau khi đã đẩy lùi các lần đột phá của địch, ta đã chủ động đánh thẳng vào đội hình của chúng, rồi hình thành thế bao vây, chia cắt để tiêu diệt địch.

Sáng 18-3, toàn bộ Trung đoàn 64 (Sư đoàn BB 320A) đã triển khai xong các chốt chặn tiếp theo phía hạ lưu đèo Tuna. Trung đoàn 48 (thiếu) của sư đoàn 320A và Trung đoàn 9 (Sư đoàn 968) đã bao vây Cheo Reo từ ba mặt. Trưa ngày 18-3, Chuẩn tướng Phạm Văn Tất điều Liên đoàn 25 BĐQ đang làm nhiệm vụ cản hậu vượt lên trước cùng với Lữ đoàn 2 Thiết kỵ mở cuộc công kích cuối cùng để mở đường. Cũng thời điểm này, các đơn vị pháo binh của Trung đoàn 675 tập kích hỏa lực vào các vị trí đóng quân tạm thời của địch trong thị xã Cheo Reo và 3 trung đoàn bộ binh quân Giải phóng bắt đầu tấn công. Phía trước bị chặn, phía sau bị tiến công, khiến địch tranh đường của nhau để chạy.

Sau trận đánh này, cuộc di tản của ngụy quyền Sài Gòn rời bỏ Tây Nguyên đã trở thành thảm kịch. Báo chí nước ngoài gọi đó là "Thảm kịch đường số 7". Chiến thắng chặn, truy kích địch ở đường số 7, số 5 trong Chiến dịch Tây Nguyên đã trở thành bài học vô giá, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ths VŨ BÌNH TUYỂN, Viện LSQS Việt Nam

Tài liệu nghiên cứu chủ yếu: Tổng kết những trận đánh then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà Xuất bản QĐND 2001)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-chi-huy-tinh-huong-trong-chien-dich-tay-nguyen-505477