Nghệ sĩ Việt kể khổ

Mới đây, Quyền Linh có một bài viết trải lòng về ngày xưa cơ cực, làm nhiều khán giả xúc động.

Bài viết không “ôn nghèo kể khổ” một cách thông thường mà được kể bằng hình ảnh và liên tưởng gợi cảm: “Nhà tôi ở giữa đồng, ngó bên này là lúa, bên kia cũng lúa, lúa xanh hút mắt, thẳm đến chân trời. Cho đến bây giờ, nhà tôi vẫn vậy, chỉ khác là, đã vắng tôi. Nhiều đêm, trong cơn mộng mị, thảng hoặc nghe mùi cỏ cháy, xoay qua bảo vệ: “Tới mùa đốt đồng”, vợ cười trong hơi thở. Đêm chập chờn, mờ khói”. Mục đích của Quyền Linh khi viết bài này không chỉ là sự “thương nhớ đồng quê” mà anh ghi rõ: “Mong mọi người chia sẻ rộng rãi bài viết này để mọi người có thêm động lực và niềm tin trong cuộc sống”.

Quyền Linh

Chuyện nghệ sỹ Việt kể khổ không hiếm. Những người chăm theo dõi bước đi của sao Việt hẳn còn nhớ chuyện diễn viên của “Tuổi thanh xuân” chia sẻ về thời khốn khó bị nhiều người cho là nói dối. Cô nói: Mình sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố làm giáo viên, mẹ làm rẫy, bán hàng rong. Một số ý kiến chỉ trích: Cô lấy sự nghèo khổ để “câu” yêu thương của khán giả. Có người nói: Bố Nhã Phương là hiệu trưởng trường cấp 1, mẹ là nội trợ, chứ không bán hàng rong. Cho nên, chính diễn viên trẻ đã phải đăng đàn trên mạng xã hội giải thích: “Ngày Phương chưa ra đời, ba má mới ở quê lên Daklak để khởi nghiệp. Ba Phương thì đi dạy học cho các em nhỏ trong vùng, còn má hàng ngày dắt chị 2, chị 3 đi ra rạp chiếu phim buổi tối ngoài trời để bán hàng rong (…). Khi Phương sinh ra mọi thứ có lẽ đã nhẹ nhàng hơn phần nào” v.v..

Không ai cấm nghệ sỹ hồi tưởng quá khứ nhọc nhằn hay nói về đời sống còn nhọc nhằn hôm nay nhưng chia sẻ ra sao để không gây phản ứng ngược trong dư luận, không đơn giản. Những nghệ sỹ đích thực thường không muốn khán giả yêu mình chỉ vì hoàn cảnh. Nghệ sỹ Trần Hạnh từng đề nghị: “Đừng thương hại chúng tôi kiểu như vậy (…) Hãy nhìn vào nghệ thuật chứ đừng quá quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi”.

Su Su

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giai-tri/nghe-si-viet-ke-kho-1070265.tpo