Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam

Trí Nguyễn là nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng người Việt, hiện sống tại Pháp. Trong 3 năm, kể từ 2014, Trí Nguyễn đều đặn cho ra mắt 3 album hòa tấu đàn tranh theo dòng world music. Các đĩa nhạc của anh được khán giả trên thế giới đón nhận, trong đó đĩa đầu tay "Hòa điệu" đã nhận được giải Vàng cho Album xuất sắc nhất của Global Music Awards và giải thưởng của Akademia Music Awards. Những ai từng nghe nhạc của Trí Nguyễn hẳn đều thấy trong đó sự đau đáu, chênh chao của một trái tim bềnh bồng trôi giữa hai thế giới. Để đưa đàn tranh vượt ra khỏi biên giới chỉ có thể là một tâm hồn Việt thuần khiết, còn để đưa nó đi xa đến vậy, chỉ có thể là sự liều lĩnh.

NGHỆ SĨ TRÍ NGUYỄN: NGƯỜI TỪ XỨ LẠ

Trí Nguyễn tự mô tả về mình như vậy.

30 năm xa quê là chừng ấy thời gian anh sống giữa hai bờ thế giới.

“Dù đi đâu, ở đâu, tôi vẫn là người Việt” không chỉ là lời khẳng định về cội nguồn, mà còn là "danh tính" Trí Nguyễn lựa chọn cho âm nhạc của mình.

Với mong muốn nhạc dân tộc không chỉ đẹp trong "bảo tàng", mà phải được "sinh sôi", được thay đổi và đi xa hơn ngoài biên giới, Trí Nguyễn đã cùng cây đàn tranh ngao du khắp chốn, hòa điệu cùng những tâm hồn, bất chấp mọi khác biệt về cả thời gian lẫn không gian. Thế nhưng, mỗi cuộc trở về của anh lại lặng lẽ, nhỏ nhẹ như một người đi xa ghé thăm nhà.

Đọc thêm:

- Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam

- Nghệ sĩ Teca Calazans: "Sự say mê của Trí Nguyễn luôn khiến tôi thích thú"

- Nghệ sĩ Gurujas Kaur Khalsa - Ứng cử viên Grammy 2017: Âm nhạc có thể hàn gắn thế giới

- Nghệ nhân Vĩnh Tuấn: "Trí Nguyễn biết người biết ta đó"

- Nghệ sĩ violon Sơn Mạch: "Ở Việt Nam, ít người biết về Trí Nguyễn"

Tổ chức: Thùy Anh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Âm nhạc của tôi không mang tính thương mại”

- Năm 2017 là tròn 30 năm anh rời Việt Nam, lần thứ 3 về nước để giới thiệu album thứ 3 của mình. Dường như có quá nhiều sự trùng hợp ở đây?

- Trước đó từng có rất nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ví như, gia đình tôi chuyển đến Pháp ngày 15 tháng 8, thì 28 năm sau, tôi trở về Việt Nam lần đầu cũng vào ngày 15 tháng 8.

Lần thứ 3 trở về Việt Nam để giới thiệu album thứ 3 sau 30 năm, đúng là những con số trùng lặp thú vị.

- Mỗi lần về nước được đánh dấu bằng một sản phẩm mới. Vậy lần trở về này có gì khác so với hai lần trước đó?

- Là một album khó nghe hơn, trừu tượng hơn, nhưng là sự nối dài trong hành trình âm nhạc của tôi tới khắp các châu lục trên thế giới.

Album “Beyond borders” (Vượt lên mọi ngăn cách) là các mảnh ghép âm nhạc của thổ dân Châu Phi, của làn điệu cổ Châu Mỹ, của lối hát phức điệu từ thời Trung cổ trên đảo Corsica, của những làn điệu dân ca Nam bộ...

- Có vẻ như đó là một bảng màu cần nhiều sự liều lĩnh?

Tôi muốn nhạc dân tộc không chỉ đẹp trong "bảo tàng", mà nó phải được "sinh sôi", được thay đổi và đi xa hơn ngoài biên giới. Tôi mong đàn tranh sẽ trở nên phổ biến như piano hay ghi ta.

- Âm nhạc của tôi không mang tính thương mại, đó cũng là một sự liều lĩnh. Lúc đầu người ta có thể chê, có thể không hiểu, nhưng càng nghe sẽ càng thích, và có thể nhận ra nhiều điều ẩn sau mỗi giai điệu. Đó chính là cách làm nhạc hiện nay trên thế giới.

- Hai chữ “Việt Nam” có ý nghĩa thế nào với anh?

- Tôi may mắn được thừa hưởng một nền giáo dục đậm màu truyền thống, dù ở chân trời góc biển nào, trái tim tôi cũng luôn hướng về Việt Nam.

Khi ra mắt một sản phẩm âm nhạc mới, thay vì tổ chức họp báo tại Pháp, Anh hay Mỹ thì Việt Nam luôn là lựa chọn đầu tiên của tôi, bởi tôi không muốn xuất hiện trên truyền thông nước ngoài, rồi sau đó được nhắc đến như một Việt kiều trên chính quê hương mình. Tôi từng từ chối nhiều lời mời như vậy.

“Giữ quốc tịch Việt nam là việc đương nhiên”

- Nghe nói anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam?

- Giữ quốc tịch Việt Nam là việc đương nhiên, vì dù đi đâu, ở đâu, tôi vẫn là người Việt.

- Nhưng chẳng phải một tấm hộ chiếu quốc tế sẽ khiến cuộc sống thuận lợi hơn sao?

- Vì dân tộc mình, xứ sở mình mà mất thêm một vài ngày cho việc giấy tờ thì có đáng chi. Chỉ là chuyện nhỏ mà thôi!

- Chứng kiến hành trình về nguồn cội của anh, cả trong âm nhạc và cuộc sống, bố mẹ anh nghĩ gì?

- Ba tôi mất sớm. Lần đầu trở về Việt Nam, má tôi có đi cùng, bà nói với tôi: “Má đã dạy con nên người. Má rất mừng”.

- Nghe nói anh được học cả đàn tranh và piano từ khi còn rất nhỏ?

- Tôi được ba mẹ cho học piano với thầy giáo Pháp từ khi 5 tuổi, lên 7 tuổi thì học đàn tranh với thầy Hai Biểu. Tuổi thơ của tôi là những năm tháng gắn liền với hai cây đàn và những lần đòn roi của ba. Ba tôi nghiêm khắc lắm. Ba má rèn tôi theo tiêu chuẩn trí thức thời bấy giờ: cầm, kỳ, thi, họa đủ cả; nên tôi phải học suốt. Tôi được gửi học tại trường Pháp, tiếp thu trọn vẹn cả hai nền giáo dục Á - Âu. Điều này cho phép tôi thấu hiểu văn hóa phương Tây không thua kém gì người bản xứ, mà hồn cốt, phong tục tập quán truyền thống vẫn vẹn nguyên vì đã ăn vào máu rồi. Nhờ vậy mà tôi có thể hòa đồng, phổ biến âm nhạc Việt Nam một cách tương thích với văn hóa thế giới.

Ba má tôi luôn nhắc nhở “Con là người Việt Nam”, nên ngày hôm nay, khi tôi có cơ hội đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới thì đó cũng là cách tạ ơn ba má.

"Để kết nối với âm nhạc thế giới, cần có sự tò mò, lòng kính trọng và một trái tim rộng mở"

- Sự song hành Đông – Tây đã mang đến điều gì cho âm nhạc của Trí Nguyễn?

- Nó giúp tôi vượt qua mọi rào cản về sự khác biệt trong văn hóa. Điều này thể hiện rất rõ trong album đầu tiên “Consonnances” (Hòa điệu). Tôi biết rõ mình cần gì từ tiếng đàn tranh và cần kết hợp thế nào với tứ tấu đàn dây. Được đào tạo trên cả hai nền tảng, nhạc cổ truyền và nhạc cổ điển, cộng với cuộc sống hòa trộn cả văn hóa phương Tây và truyền thống Á Đông, đã cho tôi khả năng giao thoa được hai nền âm nhạc này, thấu hiểu những nghệ sĩ quốc tế để làm việc với họ mà không có bất kì khoảng cách nào.

- Vậy đâu là sự khác biệt giữa nhạc dân tộc và nhạc cổ điển?

- Là sự lan tỏa. Âm nhạc truyền thống Việt Nam luôn gắn liền với nghi lễ, sinh hoạt cung đình, và ngôn ngữ Việt. Nghệ sĩ nhạc dân tộc Việt sẽ không chơi nhạc Trung Hoa, Nhật Bản và ngược lại. Trong khi đó, một nghệ sĩ Pháp hoàn toàn có thể chơi nhạc của Chopin (người Ba Lan), hay nhạc của Mozart (người Áo). Trong nhạc cổ điển, biên giới quốc gia không hề tồn tại.

Điều này lí giải vì sao nhạc truyền thống Việt Nam vẫn bị bó hẹp trong cộng đồng Việt, thảng hoặc người nước ngoài nghe thì chỉ giới hạn trong nghiên cứu hàn lâm. Người ta sẽ không ra cửa hàng mua đĩa nhạc dân tộc như cách họ mua một đĩa nhạc Beethoven hay một sản phẩm của Lady Gaga.

Vì vậy, tôi rất hãnh diện khi album đầu tay “Hòa điệu” được khán giả quốc tế đón nhận, được nhận giải thưởng Album world music xuất sắc (USA Global Music Award), và giải cho Album hòa tấu hay nhất (Award from Akademia USA for Best Album). Những giải thưởng này ghi nhận nhạc truyền thống đã vượt qua những giới hạn biên cương, đáp ứng được nhu cầu thẩm âm của khán giả trên thế giới.

- Qua cách anh nói, việc “hòa điệu” nghe có vẻ đơn giản?

- Nếu có trọn vẹn cả hai nền tảng âm nhạc, hiểu nó như máu thịt mình, thì không có gì là không thể. Chỉ cần có sự tò mò, lòng kính trọng với những nền văn hóa khác và một trái tim rộng mở là âm nhạc sẽ được kết nối.

Khi tôi làm việc với các nghệ sĩ kèn túi Scotland, lần đầu biết tới đàn tranh, họ đã thốt lên: “Trời ơi, sao nhạc Việt Nam hay vậy mà chưa bao giờ chúng tôi nghe qua”. Đó chính là niềm tự hào của tôi, đã giúp họ khám phá được một thế giới âm nhạc hoàn toàn mới.

- Anh lựa chọn những người cộng sự như thế nào?

- Tìm được họ là cả một hành trình. Tôi thường tổ chức những buổi tuyển chọn và mời nhiều nghệ sĩ tham gia. Quan trọng nhất, họ phải là những người cởi mở, nhờ vậy mới có khả năng “bung” ra khỏi không gian âm nhạc quen thuộc. Rất may, họ cũng là những người tò mò, thích khám phá, giống tôi.

- Có một số nghệ sĩ Việt Nam hiện sinh sống ở Pháp và các nước khác cũng đang nỗ lực đưa âm nhạc dân tộc hòa vào dòng chảy chung của world music. Anh có từng cộng tác với họ không?

- Tôi được biết về thầy Tôn Thất Tiết, nghệ sĩ Nguyên Lê, nghệ sĩ Hương Thanh, nhưng chưa có cơ hội làm việc với họ. Tôi nghĩ, mỗi nghệ sĩ lựa chọn cho mình một con đường vừa để trở về vừa để song hành cùng thế giới. Mong rằng những hành trình của chúng tôi sẽ có sự giao thoa trong tương lai.

- Là thành viên Hội đồng Bình chọn giải Grammy, vậy anh có nghĩ đến một giải Grammy cho chính mình không?

- Đó là ước mơ của mọi nghệ sĩ làm nhạc, trong đó có tôi. Tôi muốn nhạc dân tộc không chỉ đẹp trong "bảo tàng", mà nó phải được "sinh sôi", được thay đổi và đi xa hơn ngoài biên giới. Tôi mong đàn tranh sẽ trở nên phổ biến như piano hay ghi ta.

"Trong tình yêu, tôi là người đòi hỏi nhiều"

- Trong cuộc sống thường ngày, anh là người cởi mở hay gia giáo truyền thống?

- Tôi có cả hai điều ấy. Tôi cởi mở trong cách suy nghĩ, nhưng lại rất khắt khe với những lễ nghi truyền thống, như chuyện thờ cúng tổ tiên. Thêm nữa, tôi rất khó tính trong giao tiếp và ăn uống. Những món ăn hàng ngày tôi thường tự nấu, và hầu hết đều là những món dân dã tôi học được từ má.

- Còn trong tình yêu?

- Tôi là người khá nhạy cảm, đòi hỏi nhiều và rất chung thủy. Tôi quan niệm, tình yêu phải có sự tương đồng, nhưng cũng cần khác biệt để còn tò mò, háo hức, và muốn khám phá. Chúng tôi tôn trọng cá tính của nhau. Người ấy dành cho tôi một không gian đủ tự do để làm nhạc. Đó là điều tôi hết sức trân trọng.

- Là người mà anh có ghi trong lời tựa album: “Dành tặng... ngọn gió nâng đôi cánh”?

- Tôi không thể nói gì nhiều hơn, chỉ biết là tôi đang rất hạnh phúc.

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/Entertainment/Nghe-si-Tri-Nguyen-Trai-tim-toi-luon-huong-ve-Viet-Nam/49659.dep