Nghệ sĩ phía sau sự thành công: Hạnh phúc là khi biết cho đi

(VOV) - Mỗi nghệ sĩ là một bài học về lao động, về thành công, về cống hiến, về sự “cho đi” trong cuộc đời.

NSND Trần Hiếu: Phải biết tự phủ nhận mình

Giọng ca trù mượt mà của các nghệ nhân dân gian

Tháng 7/2011, phòng Văn nghệ Kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV) chính thức ra mắt khán giả chương trình mới Nghệ sĩ phía sau sự thành công. Đây là chương trình được đầu tư công phu về mặt hình ảnh, về âm nhạc, về lựa chọn nhân vật, về chiều sâu tư tưởng và giá trị văn hóa. Chương trình đang thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Phải nói thật rằng, ngày từ đầu, tất cả chúng tôi ái ngại với chương trình này. Ái ngại vì nhiều lý do. Thứ nhất, mỗi người đã phụ trách một chương trình riêng, làm tốt chương trình của mình, để chương trình có thể “đứng lại” trong lòng quí khán giả cũng đã là một sự vất vả. Thứ hai, Nghệ sĩ phía sau sự thành công thực chất là một thể loại phim chân dung – tài liệu – nghệ thuật. Để có thể thấu hiểu được chân dung một con người, một cuộc đời nhất là cuộc đời của một người nghệ sĩ lớn, với những cống hiến lớn là điều không đơn giản.

Kíp làm phim với Nghệ nhân Hà Thị Cầu

Hơn nữa, khía cạnh chúng tôi khai thác ở đây là phía sau sự thành công của mỗi nghệ sĩ, có nghĩa, đó không phải chỉ là cánh màn nhung, là nụ cười, là những tràng pháo tay, những bó hoa, những lời tán tụng của đông đảo khán giả mà đó là nước mắt, là lao động nhọc nhằn, là hy sinh, là cô đơn, là quá khứ, là khoảng riêng tư sâu thẳm mà, nếu không có sự thấu hiểu, đồng cảm thì không phải người nghệ sĩ nào cũng có thể mở lòng chia sẻ.

Tất cả những nỗi niềm ấy phải riêng, phải sâu sắc, phải chân thật, thì đó mới đúng là những thước phim tài liệu. Những thước phim mà khi làm, chúng tôi cho rằng, nó không chỉ có giá trị ở thời điểm hiện tại, mà 5 năm, 10 năm, 20 năm, 50 năm, thậm chí lâu hơn nữa... những thế hệ sau cần có tư liệu, cần có cái nhìn chân thật về cuộc đời của những người nghệ sĩ, có thể tin cậy vào những thước phim của chúng tôi.

Với các chân dung nghệ sĩ – biểu diễn, như nghệ nhân Hà Thị Cầu, nghệ sĩ Lê Khanh, nghệ sĩ Bạch Vân... thì đòi hỏi phải có những thước phim nghệ thuật mới có thể tái hiện được những cống hiến của nghệ sĩ. Thêm nữa, việc sưu tầm tư liệu, tái hiện lại những chặng đường thành công của người nghệ sĩ về mặt hình ảnh quà là không phải là việc dễ dàng. Đó là những yếu tố làm chúng tôi ái ngại.

Nhưng, rồi vượt lên tất cả, tháng 7/ 2011, chúng tôi đã cho ra mắt số đầu tiên của chân dung nghệ sĩ- chân dung nhà văn- nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục- người mà bằng tình yêu Hà Nội đặc biệt của mình đã góp phần làm nên thành công của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tiếp sau đó, những chân dung như nghệ sĩ Lê Khanh, nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu, nữ đạo diễn Phạm Thị Thành, nghệ sĩ Bạch Vân... lần lượt ra đời. Mỗi nghệ sĩ là một quan niệm về cuộc đời, một quan niệm sáng tạo, một bài học về lao động, về thành công, về cống hiến, về sự “cho đi” trong cuộc đời.

Chúng tôi nhận được ở nghệ nhân Hà Thị Cầu bài học về sự hút nhụy trong nhân gian để sống, để phục vụ lại nhân dân. Ít ai có thể tưởng tượng được nghệ nhân xẩm – báu vật sống Hà Thị Cầu ở tuổi 90 vẫn còn có thể nhớ và trình diễn một cách thăng hoa tất cả các làn điệu của xẩm. Nghệ nhân Hà Thị Cầu đang là người giữ xẩm của nhân gian, với làn điệu xẩm nguyên thủy, với cách trình diễn xẩm nguyên thủy nơi mảnh làng quê Ninh Bình nghèo khó của mình.

Chân dung nữ đạo diễn Phạm Thị Thành, nghệ sĩ Bạch Vân lại là những nghệ sĩ đã hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, nhận về mình tất thảy nỗi cô đơn để tận hiến cho nghệ thuật, để đem đến cho khán giả một nụ cười...

Lần lượt chân dung các nghệ sĩ lớn đã và đang được chúng tôi thực hiện.

Mỗi nghệ sĩ là một quan niệm về cuộc đời, một quan niệm sáng tạo, một bài học về lao động, về thành công, về cống hiến, về sự “cho đi” trong cuộc đời. Chúng tôi nhận được ở nghệ nhân Hà Thị Cầu bài học về sự hút nhụy trong nhân gian để sống, để phục vụ lại nhân dân.

Để có thể đem đến cho khán giả Nghệ sĩ phía sau sự thành công có lẽ, trước hết, chúng tôi đã có được niềm tin vào chương trình của mình. Chân dung nghệ sĩ, quả là kênh truyền hình nào cũng ít nhiều đều đã làm. Nhưng đi vào những gì thuộc về phía sau, thuộc về những ẩn ức, thuộc về số phận cá nhân... của người nghệ sĩ thì đó là con đường riêng của chúng tôi.

Sự ủng hộ của của Ban lãnh đạo VOVTV, đặc biệt là tính quyết đoán, ý thức luôn muốn đem đến những giá trị thưởng thức mới cho khán giả của nhà báo Đỗ Bích Nhung, sự tin cậy trong việc cộng tác của các nghệ sĩ... đã góp phần tạo nên sự thành công của Nghệ sĩ – phía sau sự thành công.

Chúng tôi, những người làm chương trình này thì nghĩ, chúng tôi đang học được ở những người nghệ sĩ lớn trí tuệ: biết “cho đi” để sống, cho đi những lao động vất vả, cho đi thời gian, cho đi tình yêu, niềm say mê, tâm huyết của mình, để nhận về những tri ân của khán giả./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/nghe-si-phia-sau-su-thanh-cong-hanh-phuc-la-khi-biet-cho-di/201111/190386.vov