Nghề 'săn' kim cương ở châu Phi

Ở nơi khoảng 70% người trẻ thất nghiệp, lựa chọn duy nhất của các thanh niên là dùng xô, xẻng để 'săn' kim cương ở những khu vực sông, hồ và đầm lầy.

Khai thác kim cương ở châu Phi Châu Phi vốn là nơi nổi tiếng với nhiều mỏ kim cương, tuy nhiên, người dân ở "lục địa đen" không thể trang bị cho mình những loại phương tiện máy móc khai thác hiện đại, họ đành dùng cách thủ công nhất với hy vọng thay đổi cuộc sống nhờ nguồn tài nguyên quý giá này.

Sierra Leone là một đất nước từng trải qua 11 năm nội chiến ở châu Phi và nổi tiếng với các mỏ kim cương. Một số công ty tìm mọi cách khai thác nguồn tài nguyên quý giá này bằng nhiều máy móc hiện đại. Nhiều thanh niên không tìm được việc làm nên tụ tập thành các nhóm và tự khai thác ở những khu vực quanh mỏ kim cương. Ở đất nước có tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ khoảng 70%, đây là một trong những công việc phổ biến nhất.

Sierra Leone là một đất nước từng trải qua 11 năm nội chiến ở châu Phi và nổi tiếng với các mỏ kim cương. Một số công ty tìm mọi cách khai thác nguồn tài nguyên quý giá này bằng nhiều máy móc hiện đại. Nhiều thanh niên không tìm được việc làm nên tụ tập thành các nhóm và tự khai thác ở những khu vực quanh mỏ kim cương. Ở đất nước có tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ khoảng 70%, đây là một trong những công việc phổ biến nhất.

Các nhóm này thường có ba người. Một người múc bùn từ đáy sông, một người giữ cơ thể của người kia nhằm tránh bị nước cuốn trôi, người còn lại đỡ xô bùn và đổ vào máng. Khi máng đầy, họ bắt đầu đãi bùn để tìm kim cương. Những người này thú nhận rất hiếm khi gặp may mắn trong việc tìm kiếm.

Sau nhiều giờ ngâm mình dưới nước và luân phiên thay đổi vai trò cho nhau, những người thợ khai thác cũng tìm được một mảnh kim cương.

Những người thợ dành cả ngày ngâm mình dưới sông, thỉnh thoảng họ nghỉ ngơi và luân phiên thay đổi vai trò. Kim cương ngày càng trở nên hiếm hoi, đặc biệt là ở tầng đáy sông nông. Vì vậy, việc dùng sức người để khai thác luôn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.

Sierra Leone nằm ở phía tây châu Phi với địa hình chủ yếu là đồng cỏ và núi, một số đồng bằng ven biển có nhiều đầm lầy, ao hồ. Đây là nơi người dân tập trung khai thác kim cương. Do nhiều khó khăn, sản lượng kim cương của đất nước này giảm sút đáng kể trong những năm qua. 80% người dân Sierra Leone tham gia sản xuất nông nghiệp.

Một số người có điều kiện sẽ trang bị một cỗ máy hiện đại hơn. Họ múc bùn ở tầng sâu hơn và đưa lên một tấm vải lưới rồi bơm nước vào nhằm làm sạch bùn. Từ đó, những viên kim cương óng ánh sẽ dễ được phát hiện bằng mắt thường hơn. Tuy nhiên, giá của thiết bị này quá đắt đỏ so với thu nhập trung bình của người Sierra Leone, đa phần trong số họ phải dùng xẻng và sàng thủ công với mức giá vài USD.

Sau khi phát hiện được viên kim cương, những người thợ vui mừng trở về nhà. Họ đã không tìm được viên kim cương nào suốt một tháng qua.

Hơn một thập kỷ sau khi cuộc nội chiến khiến hơn 50.000 người chết, Sierra Leone từng một lần nữa gặp thách thức tồi tệ nhất trong lịch sử: Ebola. Năm 2014, dịch bệnh khủng khiếp khiến hàng nghìn người tại đất nước này thiệt mạng. Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với tỷ lệ người nghèo gần chạm mức 70%.

Nhiều năm trước, nội chiến nổ ra ở nhiều nước châu Phi do các nhóm phiến quân tranh giành ảnh hưởng nhằm khai thác và kiểm soát nguồn kim cương. Người dân châu Phi từng bị bóc lột vì vấn nạn "kim cương máu" này. Ngày nay, nội chiến đã chấm dứt. Kim cương trở thành hy vọng và nguồn sống chính để trẻ em được tới trường, bệnh viện được xây dựng, cuộc chiến HIV/AIDS được tiếp tục...

Cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm trời đã khiến cuộc sống của người dân Sierra Leone bị ảnh hưởng. Nhà cửa bị tàn phá, người thân thiệt mạng... Điều duy nhất giúp nhiều thanh niên duy trì cuộc sống là cố gắng tìm kiếm những viên kim cương óng ánh nhưng ít ỏi.

Người thợ mang viên kim cương nhỏ ra chợ bán và kiếm được 35 USD. Anh rất vui mừng vì cho rằng đó là giá cao hơn anh dự tính. Giá kim cương ở đây là 3.200 USD cho 1 carat với 40% tinh khiết.

Thế Long
Ảnh: BBC

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nghe-san-kim-cuong-o-chau-phi-post711902.html