Nghệ nhân thổi hồn cho rối nước

Thời gian lấy đi màu tóc xanh của tuổi trẻ nhưng đã để lại cho ông Đinh Thế Văn một quá khứ thật hào hùng, rực rỡ. Đứa con của làng Đào Thục cống hiến, làm rạng danh quê hương bằng những chiến công lẫy lừng nơi chiến trường Điện Biên Phủ và góp công khôi phục nghệ thuật rối nước của mảnh đất quê mình.

"Lão chiến sĩ" kiêm "lão nghệ nhân" của làng Đào Thục – ông Đinh Thế Văn chia sẻ những câu chuyện về chiến trường và làm rối.

"Lão chiến sĩ" kiêm "lão nghệ nhân" của làng Đào Thục – ông Đinh Thế Văn chia sẻ những câu chuyện về chiến trường và làm rối.

Người chiến sĩ hai lần đánh trận Điện Biên.

Ông Đinh Thế Văn ( 80 tuổi ) sinh ra và lớn lên tại làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ở tuổi 16, ông đã theo hai anh trai tham gia kháng chiến chống Pháp. Chàng trai “chưa đủ tuổi” ấy theo đoàn quân lên Tây Bắc để tham gia trận đánh cuối cùng với quân viễn chinh Pháp ngay tại lòng chảo Điện Biên. Kết thúc trận đánh lịch sử, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông xuất ngũ, miệt mài lao động và học tập. Đến năm 1965, ông học xong chương trình phổ thông và thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa.

Thế nhưng, cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ nổ ra đã khép lại nhiều dự định, hoài bão của ông. Ông trở lại quân ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng Không - Không quân). Nhờ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện nên vừa ngoài 30 tuổi, ông đã được giao giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (năm 1971), sau trở thành Tiểu đoàn trưởng tham gia vào chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Trong Bảo tàng Binh chủng Phòng không - Không quân hiện còn lưu giữ cuốn “sổ đỏ” nói về cách đánh B.52 mà trong đó, ông Văn - Tiểu đoàn 77 đã góp vào những trang rất độc đáo mà không một giáo án nào trước đó đề cập đến. Đó là “đánh theo cách của Văn”.

Tiểu Đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) đang thuyết minh cách đánh B.52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)

Kết thúc chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”, ông Đinh Thế Văn được lên làm tham mưu trưởng trung đoàn 257 và được cử đi học tại Học viện Phòng không – Không quân. Năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Để vinh danh cho những công lao to lớn ông đã đóng góp, năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Về giữ hồn dân tộc

Sinh ra trong gia đình truyền thống rối nước nên sau khi từ chiến trường trở về, ông tiếp tục theo đuổi nghề diễn rối. Ông chia sẻ về nghiệp làm rối: “Nghề rối của Đào Thục đã có gần 300 năm tuổi và đến giờ vẫn được giữ gìn truyền lại cho con cháu. Khi đất nước trong thời kì chống Pháp, chiến tranh đã khiến nó mai một đi. Do điều kiện trong chiến tranh khó khăn nên các buổi biểu diễn ít đi, quân rối bị thất lạc nhưng các cụ vẫn cố gắng giữ gìn được các trò rối từ xa xưa. Đó là cái tâm, cái đam mê của các cụ. Mình thì mình cũng mong làm sao để giữ được nét văn hóa đẹp của riêng làng và cũng là của dân tộc”. Với ông, nghệ thuật rối nước không phải là cái đẹp chỉ người Việt Nam hâm mộ mà thế giới cũng rất ngưỡng mộ.

Bởi vậy, ngay khi về hưu, ông đã rất tâm huyết gây dựng lại phường múa rối và đưa nghệ thuật rối nước đi khắp nơi. Ông tìm đến Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nhờ hỗ trợ, giúp phục hồi và tìm hướng phát triển. Từ đó những giá trị độc đáo của nghệ thuật múa rối truyền thống trên đất Cổ Loa dần dần được khôi phục. Phường rối làng Ðào Thục đã xây dựng được sân khấu thủy đình đẹp vào hàng bậc nhất cả nước và dàn dựng lại 720 trò rối hấp dẫn, đào tạo được một đội ngũ diễn viên lành nghề.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng kỷ niệm chương vì những cống hiến cho nghệ thuật dân tộc của ông Đinh Thế Văn.

Với ông Văn, con rối không phải là vật vô tri vô giác, mà qua nó, người nghệ nhân thể hiện được muôn vàn câu chuyện; nó lột tả lên hết cả những hình ảnh giản dị đời thường “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, những đồng ruộng, cách làm lúa nước đến những vở kịch trào phúng, châm biếm; rồi cả câu chuyện hào hùng của lịch sử dân tộc, rối cũng tái hiện được hết.

Đến nay tác phẩm mà ông tâm đắc nhất vẫn là vở “Đánh B52” do chính ông cùng một số nghệ nhân của làng sáng tác năm 1984. Có lẽ, trận đánh B52 năm nào vẫn còn cựa quậy trong người lính già này nên qua hình tượng con rối, khán giả có thể hình dung một cách sinh động, hấp dẫn về trận đánh 12 ngày, đêm lịch sử tại sân khấu thủy đình của làng Đào Thục. Tiết mục này đã góp phần tích cực vào việc giáo dục cho thế hệ sau về lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm tốt đẹp của cha ông.

Tuổi “xế chiều” vẫn trăn trở vì cái đẹp dân tộc

Khôi phục đã không dễ, giữ gìn được cả một nét văn hóa lại càng khó. Khi nói về truyền thống múa rối nước, ông Văn vừa tự hào nhưng cũng không giấu được nỗi lo lắng của mình. Môn nghệ thuật này cần kinh phí biểu diễn rất lớn, ngay cả những con rối cũng đắt tiền, lại thường xuyên phải thay bởi hư hỏng do ngấm nước.

Bên cạnh đó là nỗi trăn trở về người biểu diễn. Nhiều người cũng có cái tâm, cái đam mê yêu thích với con rối quê hương nhưng vì “miếng cơm manh áo” nên phải “gác” sở thích lại. Múa rối chỉ như một “thú chơi tài tử”, là món ăn tinh thần trong lúc nông nhàn, chứ không thể trông chờ “ăn nên làm ra” từ nó. Hơn nữa làm nghệ nhân múa rối rất vất vả, việc ngâm người dưới nước hàng tiếng đặc biệt trong trời lạnh là rất khó khăn.

Ông trải lòng: “Giờ đỡ rồi có quần có áo chứ xưa các cụ toàn phải ngậm muối trước khi diễn, khi biểu diễn luôn phải cởi trần, giấu những đạo cụ xuống nước, tất cả phải được biểu hiện qua con rối”.

Ở tuổi 80, mái tóc đã chuyển màu bạc nhưng vị Đại tá vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn vô cùng, từ người nghệ nhân, giờ ông trở thành người cố vấn, người thầy truyền lửa cho một lớp thanh niên mới trong làng.

Suốt cả thời trai trẻ lăn lộn trên các chiến trường, ở tuổi xế chiều, người anh hùng Ðinh Thế Văn vẫn không mệt mỏi, dành hết tâm huyết cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Ghi nhận công lao của ông với văn hóa nghệ thuật dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định trao giải thưởng cao quý và kỷ niệm chương như một lời cảm ơn sâu sắc tới một con người dáng dấp nhỏ bé mà không tầm thương chút nào.

Vân Anh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/nghe-nhan-thoi-hon-cho-roi-nuoc-1109530.tpo