Nghề nguy hiểm, nhưng ít được bảo hiểm!

Để có những thước phim kịch tính với những pha hành động đẹp mắt ấy, nhiều cascadeur (diễn viên đóng thế), đã phải “đánh cược” thân mình vào những cảnh quay mạo hiểm: nhào lộn, đấu súng, rượt đuổi... Thế nhưng, cái nghề được coi là rất nguy hiểm ấy cho đến hôm nay vẫn ít được quan tâm xứng đáng.

“Những người hùng giấu mặt”

Theo chân một nhóm cascadeur đang tham gia đóng thế cho một bộ phim hành động khởi quay từ cuối tháng 12-2016. 10g sáng đoàn phim bấm máy cảnh đầu tiên trong ngày, 15g chiều sẽ tới cảnh của cascadeur. Thế nhưng anh em cascadeur phải tập luyện từ chiều hôm trước và 6g sáng hôm đó đã có mặt tại phim trường để tranh thủ tập thêm. Cảnh quay nhảy từ trên cao xuống liên tục 3 thành cầu thang phải quay đi quay lại hơn 10 lần. Chúng tôi hỏi Hoàng Đạt (SN 1988) - cascadeur thực hiện cú nhảy này rằng anh cảm thấy thế nào khi hoàn thành cảnh quay. Đạt bảo: “Em thấy vui vì mình được hành động, được làm nghề. Cảnh này dạng trung bình, quay lại nhiều lần không phải em làm không được, mà phải theo ý đạo diễn: đẹp, mãn nhãn, kịch tính thành ra vậy”.

Niềm hăm hở được vào những pha bay nhảy mạo hiểm của Đạt lớn đến mức giúp anh quên đi những đau đớn do vết hằn đỏ của sợi dây siết chặt vào người để đảm bảo an toàn lúc bay lơ lửng trên không. Đạt cũng thổ lộ, anh “không thấy nhọc nhằn dù phải lặp đi lặp lại cú quay nguy hiểm nhiều lần, nhưng chặng đường 6 năm theo nghề cascadeur thì mới đầy gian nan…”.

Nhiều cascadeur đã khẳng định rằng, nếu không có đam mê thì họ không thể tồn tại với nghề lâu được. Bởi lẽ, ai cũng biết, khi những bộ phim hành động với những pha nguy hiểm, người diễn viên không thể đảm nhiệm được nên bắt buộc phải tìm diễn viên đóng thế. Điều đó đồng nghĩa với việc khi một cascadeur nhận vai, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách và hiểm nguy.

Khi đi sâu vào tìm hiểu, hầu hết nghề diễn viên đóng thế ở Việt Nam hiện nay có ít người được đào tạo bài bản. Họ thường là những người làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều có chung một tình yêu với điện ảnh. Chính tình yêu đó đã dẫn dắt và đưa họ đến với nghề diễn viên. Trong số họ, thường là những người am hiểu về võ thuật, nhưng lại không có điều kiện để học về diễn xuất. Vì vậy, để hoàn thiện kỹ năng nghề của mình, họ thường phải tự học của đồng nghiệp và từ những người đi trước.

Không chỉ phải chấp nhận là “kẻ đứng sau” mà cát-sê cũng là một vấn đề đáng buồn đối với những diễn viên cascadeur. Anh Long một cascadeur chia sẻ: “Một năm dồn cát-sê đóng phim nhiều khi cũng không đủ cho 1 ca chấn thương nặng”. Thế nên, đối với hầu hết những diễn viên đóng thế này, họ không thể chỉ chuyên tâm duy nhất vào công việc diễn xuất. Đó cũng là sự bán chuyên nghiệp của nghề này. Ít ai có thể tin được, thù lao để trả cho một pha nhảy cao là khoảng 300 nghìn đồng. Những pha làm ngọn đuốc sống thì thù lao vào khoảng 2 triệu đồng. Vậy nên thu nhập của hầu hết các diễn viên đóng thế này chỉ tầm tầm 3-4 triệu/tháng. Tháng nào ít việc có khi xuống chỉ còn từ 1-2 triệu. Đúng là nếu không phải vì niềm đam mê võ thuật, muốn được cống hiến cho điện ảnh nước nhà những cảnh quay hành động đẹp mắt thì ít ai có thể trụ được với nghề. Bởi hiểm nguy thì nhiều mà thành công thì luôn thuộc về người khác.

Đối với những diễn viên đóng thế, trước mỗi bộ phim họ tham gia, thường trưởng nhóm sẽ nhận công việc đọc kịch bản và thỏa thuận với đạo diễn về các hành động diễn xuất, sau khi thống nhất, những người trong nhóm sẽ bàn về phương án tự bảo vệ mình trong mỗi cảnh quay, miễn sao có thể không để mình bị thương ở các cảnh quay họ tham gia.Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều rằng, bất kỳ diễn viên hay một đoàn làm phim nào đều đã từng gặp phải không ít tai nạn khi đóng phim. Công việc là vậy, tuy nhiên quyền lợi của các diễn viên đóng thế hiện nay không xứng với công sức và sự mạo hiểm mà họ phải phải đối mặt.

Làm cascadeur luôn phải đối mặt với mạo hiểm.

Cascadeur ẩn mình sau hiểm nguy

Theo đạo diễn, cascadeur Quốc Thịnh chủ nhiệm CLB cascadeur thì: “Ở Việt Nam cascadeur được xem là nghề phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bản chất của nghề là nguy hiểm nhưng đổi lại thì không có cái gì bảo đảm cho nghề này. Mọi người đến với nghề chủ yếu là vì đam mê, dù biết là gian nan trong tập luyện và nguy hiểm trong khi thực hiện nhưng vẫn hứng thú. Đôi khi dù đã rất cẩn thận khi thực hiện những pha nguy hiểm nhưng xác suất của sự tính toán cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nên do đó cascadeur cũng rất cần sự hỗ trợ của phía Cty bảo hiểm. Ở các nước điện ảnh phát triển thì có bảo hiểm cho cascadeur nhưng hiện nay ở Việt Nam thì chưa có một Cty bảo hiểm nào dám bán bảo hiểm cho cascadeur”.

Một cascadeur từng chia sẻ rằng làm phim hành động là một công việc hết sức gian nan, nên ở nước ngoài, việc bảo hiểm cho diễn viên, cho bộ phim là vấn đề được đặt ra hàng đầu khi thực hiện những hợp đồng phim. Thậm chí, có những người còn mua bảo hiểm từng bộ phận như đôi chân, tay, khuôn mặt… Một cascadeur cho rằng, bảo hiểm không giúp diễn viên, đặc biệt là diễn viên đóng thế tránh được những rủi ro, nhưng bảo hiểm sẽ giúp diễn viên có tâm lý tự tin hơn khi tham gia công việc của mình. Và nếu trong trường hợp không may, tai nạn xảy ra, sự chi trả của bảo hiểm sẽ giúp cho người diễn viên đỡ được phần nào gánh nặng tài chính trong quá trình chữa bệnh, phục hồi vết thương. Tuy nhiên, cái khó để có thể mua bảo hiểm cho diễn viên đóng thế nằm ở chỗ các Cty bảo hiểm lại rất khó hợp tác. Một cascadeur từng chia sẻ rằng: “Các Cty Bảo hiểm đều không dám ký hợp đồng, có lẽ họ sợ nghề của chúng tôi có quá nhiều rủi ro”.

Tài chính cho một bộ phim, nếu là phim Nhà nước thường chưa cao và rất khó để có thể cắt tiền đầu tư dành để mua bảo hiểm cho diễn viên. Số lượng diễn viên tham gia một đoàn làm phim cũng không nhỏ. Hơn nữa, các Cty bảo hiểm không phải lúc nào cũng sẵn sàng bảo hiểm cho công việc này. Vì đây là công việc khá đặc thù, độ nguy hiểm cao. Việc định giá bảo hiểm hay giám định tai nạn cũng còn nhiều khó khăn, chưa có cơ quan chuyên trách. Vì thế, ngay cả khi có nhu cầu mua bảo hiểm, các nhà sản xuất phim hay các diễn viên cũng không dễ tìm được đơn vị sẵn sàng bán bảo hiểm. Một khó khăn nữa là những người tham gia công việc của cascadeur thường hoạt động manh mún. Chưa có một tổ chức có yếu tố pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho các diễn viên đóng thế. Rất nhiều năm qua, nỗ lực thành lập Hiệp hội cascadeur vẫn còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, điều giới làm nghề diễn viên đóng thế lâu nay luôn trăn trở, đó là ở nước ta chưa ai công nhận đây là một nghề, đồng thời chưa có hội nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho diễn viên đóng thế. Thực tế, vài năm trước, giới diễn viên đóng thế tại TP. HCM từng có ý định thành lập Chi hội Cascadeur trực thuộc Hội Điện ảnh nhưng bất thành, sau đó mọi người tự thành lập CLB cascadeur hoặc hoạt động đơn lẻ. Điều đáng suy ngẫm hơn nữa, có chuyên gia từng phân tích, bên cạnh sự nguy hiểm khi vào các cảnh quay, những quyền lợi khác của diễn viên đóng thế như giải thưởng hàng năm của Hội nghề nghiệp không có. Nếu không có chi hội, diễn viên đóng thế không được công nhận lao động bằng các giải thưởng.

Để thực hiện được điều này, trách nhiệm đóng bảo hiểm cho các nghệ sĩ, diễn viên phải được quy định rõ cho các hãng phim, đoàn làm phim bằng thông tư hay cao hơn là nghị định. Trước khi ký hợp đồng làm việc, cả hai bên diễn viên và hãng phim cùng phải thống nhất và quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bên trong việc giải quyết hậu quả xảy ra đối với những pha nguy hiểm. Để bảo vệ quyền lợi cho họ, thiết nghĩ các cơ quan liên quan cần phải sớm ban hành các văn bản pháp luật quy định cụ thể đối với việc mua bảo hiểm cho diễn viên.

Nguyễn Khuê

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/nghe-nguy-hiem-nhung-it-duoc-bao-hiem-119500