Nghề bó chổi Vĩnh Hựu: Gian truân gìn giữ làng nghề

Phát sinh từ nhu cầu sinh hoạt của người dân, trải qua bao lần “cải tiến”, những cây chổi que dừa xuất hiện và trường tồn với người dân Gò Công Tây nói riêng và người dân miền Nam nói chung.

“Xóm chổi” ngày nào bây giờ đã trở thành làng nghề Vĩnh Hựu, nằm dọc theo con kênh Vàm Giồng êm đềm quanh năm rợp mát bóng dừa. Nơi đây có diện tích vườn dừa nhiều nhất của huyện.

Nghề bó chổi que dừa ở Vĩnh Hựu đã có từ lâu, thời gian đầu chỉ có vài chục hộ, nhưng đến nay đã phát triển rất mạnh. Ban đầu người trong làng bó chổi bằng cây ráng, một loại cây mọc hoang dã khá nhiều ở các mương rạch.

Trong lúc nông nhàn, họ bó chổi ráng với mục đích là để dành xài hoặc biếu người thân; sau đó có người hỏi mua, và họ mới nảy sinh ra làm nhiều để bán. Thấy “làm ăn được”, nên người nọ nối bước người kia. Thế là hình thành một Xóm chổi.

Công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng nhưng người dân vẫn luôn giữ nghề

Xóm chổi ban đầu chỉ vài chục hộ, nhưng cũng đủ làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu trời cho là cây ráng này. Nó không sao cung ứng nổi lượng cầu mỗi lúc càng nhiều của người dân thành thị. Người ta bèn nghĩ ra dùng tàu cau thay thế, bởi lúc đó tại Vĩnh Hựu cau trồng rất nhiều. Họ bèn “làm thử”, thì thấy chổi tàu cau có phần đẹp mắt hơn, coi “sang” hơn! Thế là chổi tàu cau ra đời thay thế chổi ráng.

Cây cau vào thời điểm ấy lại được nhà vườn sử dụng triệt để vì ngoài tàu cau dùng làm chổi, thân cau già còn dùng để cất nhà, che trại. Trái cau dùng ăn trầu, không thể thiếu trong các tiệc cưới, hỏi. Cau tươi không sử dụng hết sẽ được tách ra lấy ruột phơi khô bảo quản. Cau khô còn được dùng trong công nghệ nhuộm nên lúc bấy giờ.

Do chiến tranh loạn lạc, vùng Vĩnh Hựu là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nên vườn cau điêu tàn, nguồn nguyên liệu cạn kiệt. Nhiều người không thể bỏ nghề truyền thống, họ dần chuyển qua bó chổi bằng que dừa. Nghề bó chổi bằng que dừa bắt đầu thịnh hành sau những năm đầu thập niên 70. Tuy không được nhắc đến ồn ào, nhưng cây chổi que dừa của bà con ở làng nghề Vĩnh Hựu đã giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân ở một làng quê nông thôn mới.

Đến các ấp Bình An, Phú Quý, Thạnh Thới, bạn cũng sẽ bắt gặp cảnh các chị em cùng ngồi bên nhau để bó những cây chổi từ que dừa rất nhộn nhịp. Chổi que dừa của làng nghề Vĩnh Hựu đã có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long làm nên “thương hiệu” cho một vùng đất.

Người bó chổi sau khi có nguyên liệu từ que dừa, còn phải sắm thêm dây gân (dây nylon loại dùng câu cá) buộc và vót cây trúc thành những tấm mỏng vừa phải, dày độ 2 mm để bó cặp theo thân chổi cho chắc chắn. Để hình thành một cây chổi, trước hết người ta phải “chuốt que”. Chuốt que là dùng dao nhỏ làm sạch hai phiến lá hai bên, chỉ chừa lại cọng gân ở giữa, mà từ chuyên môn là “que”.

Việc làm này tuy nhẹ nhàng nhưng chiếm rất nhiều thì giờ: Mỗi người ngồi ròng rã mà chỉ chuốt được 10kí/ngày, nên không thể nào đáp ứng được yêu cầu người làm chổi, nên họ phải mua que từ “lái que”, tức là người thu mua que các nơi đem về “bỏ” lại. Công đoạn để sản xuất chổi bắt đầu từ làm “mái” – tức bộ phận dùng để quét. Đó là việc kết que dừa lại với nhau và ốp với miếng bẹ dừa, thân trúc đã chẻ đủ độ dài để hình thành sơ bộ hình dáng chiếc chổi. Công việc này đòi hỏi phải khéo tay.

Sau khi đã có “mái”, có thể chuyển giao tiếp cho các lao động nhỏ tuổi hơn để làm “cán”. Bấy giờ, với một cây cọc chôn sâu phía trước nối những sợi dây gân và chiếc búa nhỏ để trợ lực, người thợ sẽ chọn những thanh bẹ ngắn hơn, một đầu vót nhọn hình mũi tên để chèn thêm vào thân và cán chổi cho no đầy, rồi buộc chắc lại cho tròn trịa, vừa tay người cầm.

Tiếp đó là công đoạn nện cho chặt những thanh bẹ dừa chẻ nhỏ vào thân chổi. Công đoạn cuối, người thợ sẽ kiểm tra lại toàn bộ các chỗ buộc, chỉnh sửa cho hình dáng cây chổi bung ra đẹp mắt và sẽ cắt bỏ những phần dư thừa, làm chổi gọn và tiện cho người sử dụng. Nhiều khi, qua công đoạn cắt tỉa này, phần dôi ra có thể tận dụng để làm những chiếc chổi nhỏ hơn, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Với “hàng chợ”, cán chỉ được làm bằng những que dài.

Nhưng dù cán được làm bằng cách nào thì sau khi làm xong, người ta cũng phải dùng những bẹ dừa chẻ nhỏ ra, chót nhọn, dài ngắn, to nhỏ khác nhau mà “nêm” vào cán chổi cho đến khi nào thấy không còn lỏng lẻo thì thôi. Cuối cùng là kiểm tra lại coi que nào “mất trật tự” thì cắt bỏ đi cũng như sửa lại những thân chổi cong queo thiếu tính thẩm mĩ.

Tuy nhìn nhẹ nhàng là vậy, nhưng nghề nào cũng có gian truân trong đó. Tai nạn lao động dù mức độ không đáng kể nhưng lại thường xảy ra. Trong quá trình làm chổi, việc “nặng” nhất là siết dây vào thân, cán chổi: Một đầu dây được quấn vào nọc được đóng chặt xuống đất; đầu kia được buộc vào thân, cán chổi rồi vừa kéo mạnh, vừa xoay vòng. Kéo càng mạnh thì thân chổi càng dẽ dặt. Thường thì dùng dây gân 2 li, không ít trường hợp dây bị đứt, bắn vào cổ, vào ngực gây trầy xước, rát cả da. Với “hàng đặt”, người ta dùng dây kẽm thay cho dây gân, trường hợp nầy nếu dây đứt thì đổ máu như chơi!

Bình thường, một người lao động có thể bó được hơn 20 cây chổi, người thâm niên tuổi nghề thì bó rất nhanh và khéo, hơn 30 cây mỗi ngày, thu nhập đủ chi tiêu trong gia đình. Sản phẩm chổi que dừa của làng nghề Vĩnh Hựu đã có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, ra tận Vũng Tàu.

Làng nghề bó chổi ở Vĩnh Hựu cũng đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Ở mỗi giai đoạn, người làm ra chổi không ngừng cải tiến và hoàn thiện sao cho vừa đẹp vừa bền, tạo sự tin dùng cho khách hàng.Ngày nay, chủ trương của xã Vĩnh Hựu là thu hút lao động tại chỗ, đồng thời khai thác các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống bằng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, nhất là mở rộng hoạt động làng nghề bó chổi là một trong những hướng ưu tiên trong định hướng phát triển của địa phương.

Bảo Phương / KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nghe-bo-choi-vinh-huu-gian-truan-gin-giu-lang-nghe-p43108.html