Nghề báo lắm hiểm nguy

Mỗi năm, đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, lại gợi tôi nhiều kỷ niệm buồn vui lẫn lộn. Tôi thông cảm cho Thế Thanh. Trước đây, khi tôi còn làm báo. Thế Thanh và Kim Hạnh đã rời vũ đài trước. Gặp tôi Thế Thanh thường tâm sự: 'Mình chỉ muốn trở lại nghề báo thôi Khế ơi!'. Nghề báo, đối với chúng tôi là lẽ sống, là khát vọng sống, đôi khi là sống và chết chứ không phải là nghề kiếm cơm đơn thuần.

Làm báo liên quan đến sinh mệnh chính trị của đối tượng mình viết và quan trọng hơn là liên quan đến sinh mệnh của người viết. Ảnh tư liệu

Làm báo liên quan đến sinh mệnh chính trị của đối tượng mình viết và quan trọng hơn là liên quan đến sinh mệnh của người viết. Ảnh tư liệu

Tôi nhớ khi vụ Năm Cam đã lên đỉnh điểm của sự căng thẳng, lúc đã đủ tư liệu về thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy, báo Thanh Niên quyết định công bố sự thật. Hoàng Hải Vân (Tổng thư ký tòa soạn khi đó) là người chắp bút bài báo này. Sau khi bài báo được viết ra, chúng tôi kiểm chứng tài liệu từ tập hồ sơ báo cáo đến ông Võ Văn Kiệt của cơ quan Cảnh sát điều tra (dù lúc đó chú Sáu Dân đã không còn giữ chức Thủ Tướng).

Tài liệu thứ hai mà chúng tôi tham khảo là văn bản gợi ý kiểm điểm từ UB Kiểm tra Thành Ủy đối với trường hợp Thứ trưởng Bùi Quốc Huy. Kiểm chứng hai nguồn tài liệu đó, tôi khẳng định rằng tài liệu viết bài của chúng tôi điều tra là đủ cơ sở để công bố rằng đã đến lúc phải đưa ra công khai những liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công an và một vài nhân vật cấp cao tương tự thì vụ án Năm Cam mới đi đến thắng lợi.

Cái khó của chúng tôi là, tài liệu chúng tôi tự điều tra khớp với một phần với cơ quan chức năng gợi ý, vì thực ra những tài liệu đó cũng do chúng tôi cung cấp cho cơ quan thẩm quyền tham khảo. Nhưng việc công bố trên báo chí sự việc liên quan đến một cán bộ Công an cao cấp như vậy là chưa có tiền lệ.

Buộc tôi phải hỏi đến Phó ban thường trực UBKTTW Vũ Quốc Hùng. Tôi gọi điện thông báo cho anh Hùng là tôi cho đăng bài đề nghị kiểm điểm ông Bùi Quốc Huy. Được một cái rất hay là anh Hùng không cản, mà chỉ bảo rằng: Hãy tham khảo thêm ý kiến anh Nguyễn Minh Triết, vì anh ấy được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo vụ án này.

Tôi đem bài báo đến nhà anh Nguyễn Minh Triết ở đường Kỳ Đồng, bài báo chỉ vỏn vẹn có hai tờ giấy A4 mà anh đọc hơn một tiếng đồng hồ. Để tờ giấy xuống mặt bàn, anh nghiêm nghị nói: "Nếu bài báo này đăng lên sẽ rất có lợi cho việc kiểm điểm, vì hiện nay anh Năm (tức anh Bùi Quốc Huy) chưa nhận gì hết. Vả lại thế hệ thường vụ mới cũng chưa nắm hết việc này. Với tư cách của một Ủy viên Bộ Chính trị tôi khuyến khích các anh đăng báo, nhưng với tư cách tình bạn tôi khuyên anh không nên đăng, vì rất nguy hiểm cho anh. Và hiện nay ở cấp cao nhất không phải ai cũng hiểu đầy đủ vụ này".

Tôi về dừng bài báo một ngày. Sau đó tôi gọi cho hai lãnh đạo của hai tờ báo lớn đề nghị phối hợp để làm vụ này, và tôi chịu trách nhiệm về việc xác thực của tài liệu.

Có lẽ những bạn đồng nghiệp e ngại đụng đến một nhân vật cao cấp như vậy, cộng với chưa tin cậy về mặt tài liệu, nên không một báo nào chịu đăng để chia lửa.

Do vậy, tôi quyết định nói với Hoàng Hải Vân, bàn với chị Mai Nhung -Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay để cho báo chị ấy đăng trước, thăm dò phản ứng, rồi hôm sau báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cho đăng thì lợi hơn. Vả lại chúng tôi cũng đánh giá rất cao bản lĩnh của người nữ Tổng biên tập này.

Thế nhưng, bài báo đã đưa lên trang, chị hỏi anh Hoàng Hải Vân là Báo Thanh Niên có in bài cùng lúc với Nông thôn Ngày nay hay không, Hoàng Hải Vân trả lời sẽ đăng sau. Chị Nhung giận, cho rằng chúng tôi không thành thật với chị ấy.

Thế là, hai ngày sau tôi quyết định ký cho đăng bài: Phải kiểm điểm đồng chí Bùi Quốc Huy, để làm sáng tỏ vụ án Năm Cam. Bài báo được dư luận đồng tình, sau đó có các cuộc kiểm điểm đối với ông Bùi Quốc Huy, hiệu quả rõ rệt.

Mấy ngày sau tôi quyết định tắt điện thoại ra ngoại ô. Khi về lại thành phố, anh Nguyễn Minh Triết cho biết mấy hôm nay, anh nghe điện thoại muốn cháy máy. Tôi hỏi anh, điện thoại anh Nguyễn Khoa Điềm (Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa lúc đó) hả anh. Anh nói những người gọi còn to hơn Nguyễn Khoa Điềm nhiều. Ảnh còn nói, Phạm Phương Thảo còn hỏi ảnh có cung cấp tài liệu cho Nguyễn Công Khế không. Anh nói: "Nó còn nghi tôi nữa ông à". Anh nói với giọng hơi hóm hĩnh một chút để làm nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề đang "nóng sốt" .

Làm báo như chuyện tôi vừa kể, có thể liên quan đến sinh mệnh chính trị của đối tượng mình viết và quan trọng hơn là liên quan đến sinh mệnh của người viết, nhất là người quyết định cho đăng bài là Tổng Biên Tập của tờ báo.

Nguyễn Công Khế

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/nghe-bao-lam-hiem-nguy-65565.html