Nghệ An : Sưu tầm, lưu giữ và bảo quản hiện vật tài liệu

Với ý thức bảo tồn những giá trị lịch sử đang ngày càng mai một, mỗi năm bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (Nghệ An) tiến hành 3-4 đợt sưu tầm và thu về được 40-50 hiện vật thể khối, hàng trăm hồ sơ, ảnh các chiến sỹ cách mạng bị tù đày của 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Các hiện vật sau khi sưu tầm về được cán bộ sưu tầm lập hồ sơ khoa học một cách đầy đủ, chi tiết. Trong mỗi đợt sưu tầm, Bảo tàng thường tổ chức tọa đàm với nhân dân địa phương, nói rõ mục đích, yêu cầu của công tác sưu tầm tư liệu hiện vật về Xô Viết Nghệ Tĩnh, qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng và phát động phong trào sưu tầm, hiến tặng tư liệu hiện vật cho Bảo tàng. Với cách làm này, các cán bộ Bảo tàng đã tạo nên những nhịp cầu mới để người dân được tiếp cận với truyền thống lịch sử cha ông. Ngoài sưu tầm ở các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Yên, Đồng Tháp, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn sưu tầm được những tài liệu về liệt sỹ Phạm Hồng Thái tại Bảo tàng Quảng Châu (Trung Quốc); Nghiên cứu, sưu tầm được gần 700 trang tài liệu và 50 bức ảnh về Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp. Trong đó, có các tài liệu quý về Hồ Học Lãm, Đặng Thúc Hứa, Lưu Quốc Long, Hồ Tùng Mậu, tài liệu, sơ đồ về các cuộc đấu tranh và cơ sở cách mạng ở Hưng Nguyên…và các loại báo: Giác ngộ, Đồng lòng, Dân nghèo, Thanh Xuân, Búa liềm, Lá cờ cộng sản, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn. Đặc biệt, trong đó có 28 tập hồ sơ của Dossienr Morche mang ký hiệu F1309. Morche từng giữ chức Chánh tòa Thượng thẩm Bắc Kỳ, đứng đầu ủy ban điều tra các sự kiện Bắc Kỳ… Theo thống kê, đến nay Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã sưu tầm được hơn 13.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, trong đó gần 5.000 hiện vật gốc thể khối, 5.000 ảnh, 7.000 hồ sơ trích ngang những người tham gia hoạt động cách mạng 1930-1931 bị bắt giam trong các nhà lao đế quốc, hơn 2.000 trang tài liệu, báo cáo, công điện… của mật thám Pháp về các cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ-Tĩnh. Đó là nguồn tư liệu quý hiếm, hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hiện vật trong kho đa dạng và phong phú, vì vậy để bảo quản tốt và kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, Bảo tàng đã tiến hành các phương pháp phòng ngừa, bảo quản chống xuống cấp, đồng thời, tập trung nghiên cứu tu sửa các hiện vật giấy bằng chữ Hán, các trang tài liệu, công điện của mật thám Pháp có nguy cơ bị hủy hoại, đưa ra những giải pháp hợp lý nhằm bảo đảm độ bền vững cho hiện vật, chống các tác hại của côn trùng, thời tiết. Hiện vật được phân loại và chia thành các kho chất liệu như kho kim loại, kho sành sứ-đá, kho giấy-vải-da, kho phim ảnh, kho gỗ-mây tre. Công tác này giúp Bảo tàng không những nắm vững số lượng tư liệu hiện vật có trong kho cơ sở mà còn biết rõ số lượng hiện vật của từng chất liệu, của từng huyện, tỉnh, biết được mảng hiện vật nào còn thiếu để định hướng sưu tầm những hiện vật thuộc các chuyên đề còn thiếu. Hiện nay, kho bảo quản đang thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn bảo tàng” với mục đích hệ thống hóa được tư liệu hiện vật, hình ảnh theo các tiêu chí phân loại hiện vật của Cục di sản văn hóa; phản ánh đầy đủ, khoa học các cơ sở dữ liệu về từng hiện vật và theo hệ thống phân loại, đảm bảo tra cứu nhanh, chính xác thông tin hiện vật theo mọi yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thời gian đã lùi xa, nguồn tư liệu hiện vật đã bị thời gian và các yếu tố tự nhiên làm hư hại, cuộc sống của người dân được nâng cao nên nhiều gia đình không còn lưu giữ các đồ dùng vật dụng cũ nữa, các nhân chứng lịch sử cũng không còn nhiều, vì vậy công tác sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=422379&co_id=30071