Nghệ An: Nan giải tình trạng ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Có thể nói, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn Nghệ An đang ngày càng trở nên bức bách. Trong đó, ô nhiễm môi trường nước, không khí ở nhiều nơi đã đến mức báo động.

Hiện nay, Nghệ An đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường cần giải quyết, trong đó đáng chú ý là ô nhiễm do rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi từ phía người dân; chất thải trong quá trình hoạt động của các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, bệnh viện… Đặc biệt là ô nhiễm do lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong lòng đất.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có đến 913 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, trong đó 268 điểm có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất lớn hơn quy chuẩn cho phép. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay, bởi việc xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật rất phức tạp, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn, kỹ thuật cũng như thời gian xử lý triệt để.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề và khu kinh tế cũng đang có chiều hướng gia tăng, có nơi ở mức báo động, nhất là ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như chưa xây dựng các khu xử lý chất thải, nước thải tập trung, chưa quan tâm tới môi trường làm việc…

Có thể nói, làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, mang đặc trưng riêng từng vùng miền. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề thì người dân nơi đây đang ngày ngày phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Do quy mô sản xuất còn nhỏ, lại nằm đan xen với khu dân cư, nên ô nhiễm thường trong phạm vi làng, xã đã tác động trực tiếp tới môi trường nước, không khí, đất gây khó khăn cho việc kiểm soát cũng như khắc phục.

Toàn tỉnh hiện có trên 100 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề, trong đó có khoảng chục làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, chủ yếu tập trung vào các loại hình chế biến thủy hải sản, sản xuất thực phẩm, bánh bún, gạch ngói, mộc và mỹ nghệ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do hệ thống thoát nước và quy trình xử lý nước thải tại các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; mới chỉ chú trọng vào sản xuất, thiếu đầu tư ban đầu cho các hệ thống xử lý môi trường. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật về bảo vệ tài nguyên nước của nhiều tổ chức, cá nhân còn yếu, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ mạnh; việc quản lý làng nghề tại nhiều địa phương còn mang tính nhỏ lẻ, chưa đồng bộ.

Thiết nghĩ, để hướng tới sự phát triển bền vững, cần phải có các chương trình hỗ trợ phát triển làng nghề, không chỉ giải quyết vấn đề môi trường, mà còn khắc phục những bất cập về hạ tầng cơ sở đối với các làng nghề hiện nay.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường công nghiệp tại tỉnh ta đang là thực trạng đáng lo ngại. Tại hầu hết các khu công nghiệp, tình trạng khói, bụi và nguồn nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường cũng trở nên nghiêm trọng.

Nghệ An hiện có trên 1.000 dự án lớn nhỏ và một số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, có một thực trạng chung là nhận thức về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp chưa thực sự được chú trọng. Mặt khác, ý thức bảo vệ môi trường của một số chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà đầu tư vào các khu công nghiệp còn rất hạn chế. Hầu hết những hỗ trợ từ phía Nhà nước chỉ tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, chưa quan tâm đúng mức đến hành lang pháp lý về quản lý môi trường tại các khu công nghiệp.

Do đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài, phải coi bảo vệ môi trường khu công nghiệp là một nhiệm vụ quản lý Nhà nước, cần đánh giá được tầm quan trọng của môi trường trong mối quan hệ bền vững giữa khu công nghiệp với khu vực bên ngoài.

Có thể thấy một vấn đề đáng quan tâm khác là tình trạng ô nhiễm tại các bệnh viện. Trong tổng số 11 bệnh viện tuyến tỉnh, 17 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 9 bệnh viện tư nhân, 470 trung tâm y tế tuyến xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện nay, chỉ mới có khoảng 30% bệnh viện lớn đầu tư được hệ thống xử lý nước thải, khí thải hiệu quả, còn lại chưa đầu tư được các hệ thống xử lý môi trường phù hợp, hiệu quả. Hầu hết các trạm y tế phường xã không có hệ thống xử lý môi trường.

Bên cạnh đó, các chất thải y tế nguy hại phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh vẫn chưa có công trình để xử lý. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên việc xây dựng hệ thống xử lý môi trường đảm bảo vệ sinh vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản trái phép ồ ạt, bừa bãi cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ thống nước mặt, nước ngầm.

Ô nhiễm môi trường hiện nay đã đến mức báo động. Nhưng có lẽ để xử lý môi trường trong sạch, nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng những vùng dân cư bị ảnh hưởng vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.

Nguồn Thiên Nhiên: http://www.thiennhien.net/2012/12/30/nghe-an-nan-giai-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong/