Nghệ An, Hà Tĩnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai địa phương nằm trong vùng tâm bão số 2, chịu nhiều thiệt hại về người, tài sản và hoa màu. Chính quyền và các ngành chức năng cả hai tỉnh đang tích cực, khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định đời sống nhân dân.

Tại Nghệ An, bão số 2 khiến một người dân ở Thị xã Hoàng Mai thiệt mạng do nhà sập. Nhiều cây xanh trên địa bàn TP Vinh và các huyện, thị xã khác bị bão làm gãy đổ. Bão cũng làm đổ nhiều cột điện và gây mất điện diện rộng trên địa bàn tỉnh.

Khắc phục hậu quả bão, Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã thành lập 21 đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão. Tỉnh ủy, UBND và Sở NN&PTNT tỉnh cũng thành lập đoàn công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 2.

Công an Nghệ An điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đến các vùng xung yếu để giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, duy trì chế độ trực 100% để kịp thời phản ứng khi có yêu cầu. Đồng thời, tập trung các phương án bảo đảm an toàn các hồ đập trên địa bàn, bởi hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa trên diện rộng.

Để giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 2, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết sau bão, triển khai phương án chống lũ sau bão, phối hợp chính quyền địa phương, các lực lượng triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn trên khu vực biên giới.

Duy trì quân số trực 100%, các đơn vị tuyến biển triển khai cán bộ xuống 34 xã, phường tích cực phối hợp chính quyền địa phương, các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả của bão.

Ngành điện đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị tập trung xử lý các điểm xung yếu. Đến bảy giờ sáng nay, đã cơ bản khắc phục đóng điện cho hơn 2/3 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận. Phấn đấu đến hết ngày hôm nay, ngành điện sẽ khôi phục bảo đảm 100% các điểm có sự cố được cấp điện trở lại, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đoàn công tác của tỉnh và lãnh đạo các địa phương đã tổ chức thăm hỏi gia đình có người tử vong; chỉ đạo công tác hỗ trợ, khắc phục nhà bị sập, hư hỏng để ổn định đời sống nhân dân và sớm khôi phục sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết: Hiện nay, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh đang trực tiếp xuống địa phương, tham gia chỉ đạo công tác đối phó mưa bão, thống kê thiệt hại và triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra, xử lý vệ sinh môi trường sau bão; đồng thời tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở, hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toan cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang. Các công ty thủy lợi và địa phương vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu và hệ thống kênh tiêu để tiêu úng, bảo vệ lúa, hoa màu.

Công tác tìm kiếm 13 người trên tàu VTB 26 bị chìm được tỉnh và T.Ư triển khai quyết liệt. Tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tàu VTB 26 do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh và Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang trực tiếp chỉ đạo.

Lực lượng tìm kiếm đã huy động hơn một chục tàu Cảnh sát Biển, Cục Hàng hải, Bộ đội Biên phòng Nghệ An, tàu của các doanh nghiệp, ngư dân trên địa bàn dàn hàng ngang chung quanh khu vực Đảo Ngư, Nghi Thiết, Cửa Lò, Cửa Hội để tìm kiếm các thủy thủ của tàu VTB 26.

Sở Y tế Nghệ An đã huy động một số xe cứu thương cùng hai kíp y, bác sĩ thường trực ngay tại cầu cảng để cấp cứu kịp thời.

Đến chiều 17-7, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm và cứu sống được bảy người; đồng thời, vớt được hai thi thể (nghi là nạn nhân trên tàu VTB 26) trôi dạt trên biển.

Lãnh đạo Bộ GTVT, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cũng kịp thời có mặt tại Thị xã Cửa Lò, chỉ đạo việc tìm kiếm các thủy thủ còn lại.

Trước đó, trưa 16-7, tàu chở bảy cán bộ kỹ thuật của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Bắc Trung Bộ ra đảo Hòn Ngư khắc phục sự cố của Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư; trên đường vào bờ tàu bị hỏng máy. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều tàu cứu hộ ra lai dắt và đưa bảy người vào bờ an toàn lúc 16 giờ cùng ngày.

Bão số 2 tuy không lớn nhưng diễn biến nhanh. Mặc dù các địa phương, các lực lượng chức năng đã tập trung chỉ đạo nhưng vẫn có những thiệt hại về người. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tình trạng lũ quét, sạt lở đất tiếp tục đe dọa tính mạng người dân nên một mặt, khắc phục hậu quả sau mưa bão, mặt khác, tập trung tìm kiếm tàu VTB 26 bị chìm, tập trung huy động lực lượng biên phòng, hải quân… tìm kiếm những người mất tích.

UBND tỉnh cũng đã thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho những người dân thiệt hại do bão, đặc biệt gia đình có người gặp nạn tử vong; hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo nhanh của tỉnh Nghệ An, bão số 2 đã làm bà Nguyễn Thị Mai (SN 1969) ở Khối 8, phường Quỳnh Thiện (Thị xã Hoàng Mai) tử vong do bị sập xà mái tôn đè vào người. 57 ngôi nhà bị sập do cây đè hoặc sạt lở; hơn 4.500 ngôi nhà và ki-ốt bị tốc mái, hư hỏng; 26 điểm trường, 156 phòng học bị hư hại... Hơn 23 nghìn ha lúa, hoa màu và cây lưu niên bị ngập, hư hại; gần 83 nghìn cây xanh bị đổ; hàng trăm ha rừng bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập; có 5.757 cột điện trung thế và hạ thế bị gãy đổ, ba trạm biến áp bị ngập, hư hỏng và 11km đường dây bị đứt; một tàu đánh cá 48 CV bị chìm và ba thuyền đánh cá nhỏ khác bị vỡ.

Tại khu vực miền núi Nghệ An đang có mưa to. Nước lũ dâng cao, nhiều bản bị chia cắt, nhiều nhà cửa, hoa màu bị lũ cuốn trôi. Chưa có thiệt hại về người.... Đáng chú ý, tại khu neo đậu, tránh trú báo Hòn Ngư có gió giật cấp 12 nên đã làm tàu VTB 26 có tải trọng 5.100 DWT, chở 4.700 tấn than cùng 13 người trên tàu đã bị sóng nhấn chìm vào lúc 2 giờ 10 phút sáng 17-7.

Bão số 2 làm tốc mái trường học, chia cắt nhiều bản làng miền núi Nghệ An. (Ảnh CTV)

* Cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh là một trong hai địa phương nằm trong vùng tâm bão. Ngay sau khi đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu bão đã gây gió mạnh cấp 7 - 8 tại các địa phương ở Hà Tĩnh. Tại các vùng đất liền ven biển, gió giật cấp 9 - 11.

Với cường độ gió mạnh, chuyển biến mau lẹ, khi đi vào đất liền, bão số 2 đã đánh sập một nhà dân và 45 ki-ốt, bão cũng làm tốc mái 45 nhà dân, bốn trường học và một trụ sở UBND xã. Toàn tỉnh có 3.026 ha lúa và 1.083 ha hoa màu bị ngập, úng và hơn 230 ha cây ăn quả bị gãy, đổ. Ngoài ra, Hà Tĩnh có tám tàu cá bị sóng đánh chìm trong khu vực tránh, trú bão.

Nghi Xuân là địa phương chịu nhiều tổn thất nhất khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam, với cường độ gió mạnh, diễn biến bất thường, những thiệt hại về vật chất khó có thể tránh được. “Song điều đáng mừng là chúng ta đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người. Sau bão, các đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy đã về trực tiếp các địa phương để bám nắm tình hình, động viên bà con khắc phục khó khăn, sớm ổn định đời sống, sản xuất”, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết.

Lãnh đạo huyện Nghi Xuân thăm hỏi gia đình bị bão đánh sập nhà. (Ảnh: NGÔ TUẤN)

Cùng việc khẩn trương thu dọn, thông tuyến hệ thống đường giao thông và khắc phục các sự cố về điện, mạng internet, truyền hình cáp… cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Hà Tĩnh đang cùng với người nông dân nỗ lực, dồn sức tiêu úng “giải cứu” hàng nghìn ha lúa, hoa màu vụ hè thu.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn, toàn huyện có ít nhất 1.100 ha lúa hè thu bị ngập úng, chiếm khoảng 63% diện tích lúa hè thu và có 482ha hoa màu bị hư hại hoàn toàn. Diện tích bị ngập chủ yếu là ngập cục bộ, huyện đang chỉ đạo các địa phương tập trung khơi thông dòng chảy, tiêu úng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, có khoảng 500ha bị ngập sâu, trong số đó có nhiều diện tích lúa đã ngậm đòng, khả năng thiệt hại là rất cao. Huyện đã có phương án bổ cứu sản xuất, những cây trồng còn thời vụ sẽ tiếp tục cho gieo trỉa lại, còn diện tích lúa hè thu nếu không thể phục hồi thì sẽ chuyển đổi sang lúa mùa.

Theo phản ánh của đa phần người dân các địa phương, bên cạnh những diễn biến bất thường, khó lường của thời tiết, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân là nguyên nhân chính gia tăng những thiệt hại về tài sản trong cơn bão số 2 vừa qua. “Lẽ ra, khi có thông báo của đài khí tượng thủy văn, công điện của UBND tỉnh về tình hình, sự nguy hiểm của cơn bão, người dân phải sẵn sàng các phương án ứng phó như: chằng chéo, gia cố nhà cửa, ki-ốt… Tuy nhiên do chủ quan vì cơn bão đổ bộ vào mùa hè nên bà con vẫn lơ là, mất cảnh giác khiến không ít ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng”, anh Trần Ngọc Bùi ở Thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nói.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33494002-nghe-an-ha-tinh-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-so-2.html