Nghệ An có khoảng 61 nghìn người đang làm việc ở nước ngoài

Nghệ An là tỉnh đứng đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động với khoảng 61.000 người hiện đang làm việc ở nước ngoài. Hàng năm, số lao động này chuyển về cho gia đình ước khoảng 255 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng); chưa tính những khoản tiền chuyển về thông qua những con đường không chính thức khác.

Đây là những khoản thu nhập đáng kể, góp phần rất lớn xóa đói giảm nghèo bền vững, giúp ổn định đời sống và vươn lên của người dân ở những vùng đất khó.

Chỉ riêng trong năm 2016, Nghệ An đã đưa gần 13.000 người đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài theo hợp đồng. Thị trường tập trung chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc) với 4.556 người, Nhật Bản 2.244 người, Malaysia 1.606 người, Hàn Quốc (1.312 người)… Các địa phương có hơn 1.000 người đi xuất khẩu lao động trong năm qua như Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên…

Tuy là tỉnh đứng đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động và vượt kế hoạch đề ra nhưng kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng của Nghệ An vốn có nguồn nhân lực dồi dào. Số người đi xuất khẩu lao động có tay nghề chỉ chiếm 35,4%. Người đi xuất khẩu lao động chưa tiếp cận được nhiều các thị trường có thu nhập cao như Đức, Anh, Canada, Australia; một số địa phương đặc biệt là cấp xã chưa nhận thức được vai trò, lợi ích của hoạt động xuất khẩu lao động mang lại nên trong việc chỉ đạo, thực hiện chủ trương còn hạn chế...

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An Nguyễn Bằng Toàn, điều quan ngại nhất là tỷ lệ lao động Nghệ An hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp hay bỏ trốn khỏi nơi làm việc vẫn ở mức cao, đặc biệt con số này ở Hàn Quốc là gần 43%, đã gây hình ảnh xấu đối với lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Hàn Quốc không tiếp tục ký biên bản thỏa thuận theo chương trình EPS với một số địa phương của tỉnh Nghệ An thời gian qua.

Ngoài ra, hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới để tự sang một số nước như Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc… làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp đã gây ra nhiều hệ lụy và thiệt hại cho chính bản thân người lao động và công tác quản lý nhà nước. Cùng với đó, vẫn còn nhiều lao động vi phạm hợp đồng, pháp luật tại nước sở tại.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32665402-nghe-an-co-khoang-61-nghin-nguoi-dang-lam-viec-o-nuoc-ngoai.html