Ngày về của nữ điệp báo: Chỉ còn mây trắng ngang trời

Nữ điệp viên Tám Thảo biết và hiểu rất rõ, cô chọn lựa con đường đó, lựa chọn cuộc chiến trực diện và đầy lẩn khuất ấy, chỉ vì mục đích sau cùng, vì lý tưởng vinh quang cao cả: phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.

Rải theo bức tường nhà là những tấm ảnh xưa nhưng chưa hề cũ, như ký ức về một thời bà đi giữa những lằn ranh sinh tử. Mới sớm mai, còn ngồi biên dịch trong Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, chiều đã theo xe lam, bước thấp bước cao về căn cứ Phú Hòa Đông, kịp chuyển những tài liệu bí mật, tối quan trọng cho tổ chức cách mạng.

Hơn 40 năm rồi, vậy mà ngó lại, vẫn chỉ là những bức ảnh trắng đen, duy nhứt một tấm bằng Huân chương Kháng chiến đã ố vàng, tuyệt không tìm thấy bảng lộng kiếng anh hùng bởi đơn giản có những chiến công bà phải mang cái tên khác, binh biến, thời cuộc đôi khi lẫn lộn, rụng rơi và... quên lãng.

Người nữ điệp báo Tám Thảo ngày trở về

Sóng ở đáy sông

24 cuộn phim Kodak trong cái giỏ hồng

Đó là 24 cuộn phim do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn thu thập được từ hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn, Tám Thảo có nhiệm vụ chuyển về căn cứ tức thời. Hầu hết là những thông tin tình báo chiến thuật lẫn tin tức tình báo chiến lược. Cô cẩn thận gói từng cuộn phim bằng giấy nhựt trình, đặt ngay ngắn vào chiếc giỏ hồng xinh xắn, thướt tha lụa là đón xe ngược lên Củ Chi.

Trên đường, bất ngờ, có lệnh dừng xe, bà con lớp nhốn nháo vì bị lục soát, lớp xuống làm nghĩa vụ lấp đường do đêm qua “Cộng sản đắp mô, phá đường”. Chiếc giỏ hồng lập tức rời xe, phăm phăm về phía tốp lính. Tay sĩ quan tròn mắt nhìn người đẹp sang cả đang tìm cách tránh nắng, y bị cô tự nhiên cuốn vào cuộc trò chuyện, rồi hỏi han, rồi bảo đang đi thăm bà dì là chủ một đồn điền cao su miệt trên.

Thoáng thấy bà con đã leo lại lên xe, có người vẫn đang trong tình cảnh bị lục soát, leo lên lúc này là dính chắc, Tám Thảo vẫn trò chuyện. Khi tên lính cuối cùng xuống xe, ngay lập tức cô…giật bắn mình, “Ối trời, xe sắp chạy rồi, tôi phải đi đây…”, mắt này vẫn níu cuộc trò chuyện, mắt kia tính toán từng bước chân của tên lính, Tám Thảo trên đường ra, y trên đường vào, ngang qua cô, y nhìn ngay vào chiếc giỏ, Tám Thảo vẫn vừa đi vừa ngó lại tay sĩ quan, ra vẻ bực mình vì sắp bị làm phiền, “hả, soát xét gì nữa, trễ giờ tôi rồi…”, tay sĩ quan khoát tay ra lệnh cho tên lính.

Chiếc giỏ hồng đã yên vị trên xe, tiếp tục chạy về Phú Hòa Đông. Khi thủ trưởng Mười Nho (tức Xuân Mạnh, Nguyễn Nho Quý - cán bộ Cục Tình báo, từng chỉ huy cụm H.63) nhìn thấy 24 cuộn phim Kodak, ông không tin rằng Tám Thảo vừa vận chuyển trót lọt, lòng không khỏi cảm phục người nữ đồng đội, rồi ông la lên, sao em gan, liều quá vậy Tám Thảo, lỡ có bề gì…

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) thời trẻ

Chiếc máy ảnh của thiếu tá Mỹ và người mẫu Việt cộng

Chuẩn bị chiến trường phục vụ cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, trong đó đặc biệt phục vụ cho trận đánh của lực lượng biệt động, đặc công vào các mục tiêu đầu não của chính quyền Sài Gòn, Cụm tình báo A18 - H63 được giao nhiệm vụ điều tra, cung cấp sơ đồ chi tiết, mạng lưới bố trí lực lượng phòng thủ bên trong của Bộ Tư lệnh Hải quân - quân đội Sài Gòn. Mục tiêu bên ngoài do cụm trưởng và một cơ sở nội thành nhận lãnh. Mục tiêu bên trong không ai ngoài Tám Thảo, tức nhân viên phòng dịch thuật, tiểu thư Mỹ Nhung xinh đẹp đảm trách.

Đang tìm mọi cách tiếp cận, thâu chụp bằng trí nhớ sơ đồ tòa nhà, phải chi tiết, rõ ràng các ngóc ngách, kết nối các hành lang, lối vào, ra, thoát hiểm bởi không thông thuộc sơ đồ tòa nhà, nguy hiểm và tổn thất sẽ rất lớn. Bất ngờ, John, thiếu tá Mỹ bước vào khoe chiếc máy ảnh vừa mua, có nhã ý mời Mỹ Nhung làm mẫu ảnh. Giấu đi nỗi mừng, Mỹ Nhung từ e dè rồi háo hức hơn khi cứ liên tục tìm những “chỗ đẹp”, đủ sức cận cảnh, trung cảnh từng vị trí trong tòa nhà, tay thiếu tá cứ thế say sưa bấm, tha hồ chụp. Chẳng mấy chốc, cả cụm tòa nhà của Bộ Tư lệnh hải quân đã nằm gọn trong “bộ ảnh” của người mẫu Mỹ Nhung.

Đêm ấy, Tám Thảo thức trắng, cô vẽ lại toàn bộ sơ đồ các tòa nhà cùng với sự bố trí phòng ốc bên trong, cung cấp chính xác lực lượng phòng vệ, số quân trực chiến ban đêm. Ngày giao bản sơ đồ cho đồng chí cụm trưởng còn có kèm theo xấp ảnh, nhờ đó, lực lượng biệt động, đặc công dễ dàng nhận diện mục tiêu chiến đấu.

Mây trắng ngang qua trời

Năm 16 tuổi, tiểu thư Mỹ Nhung bất ngờ bỏ học, trốn nhà, một mình đón xe đò chạy một mách vào… cứ, tìm gặp người dì ruột. Dì cháu không gặp được nhau nhưng tổ chức đã tìm ra một người - tập - sự, cô lập tức được đưa về khu đặc biệt. Tại đây, chuyến công tác đầu tiên của cô là chèo đò đón một vị khách đặc biệt. Ông có nước da ngăm, giấu đôi mắt sau cặp kính đen nhưng nụ cười thì sáng và ấm. Hẳn là ông vừa trở về một nơi khá xa vì nhành hoa ông mang theo tặng cô bé giao liên thì đã hơi héo nhàu. Ông chính là nhà tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo, đại tá, được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 30 năm sau ngày hy sinh.

Tình hình thực tiễn có nhiều chuyển biến, có chỉ thị Mỹ Nhung (Nguyễn Thị Yên Thảo) dừng những chuyến giao hàng nguy hiểm, cô được yêu cầu học nâng cao tiếng Anh, Pháp mà người thầy tiếng Anh đầu tiên của Mỹ Nhung lại chính là nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn, thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ đây, Nguyễn Thị Yên Thảo, Tám Thảo (Mỹ Nhung) chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào chiến dịch “chui sâu” trong hàng ngũ đối phương, dưới sự chỉ huy của cụm trưởng, cùng đồng đội hình thành và phát triển mạng lưới tình báo trong hệ thống chính quyền Sài Gòn.

Với vỏ bọc là con nhà tư sản, có cửa tiệm tơ lụa nổi tiếng Tân Mỹ ở cửa Tây chợ Bến Thành, tiếng Mỹ tiếng Pháp thông làu, lại xinh đẹp, đài các, chẳng mấy chốc Mỹ Nhung đã có một chân ngay tại Cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân, thực chất là một đơn vị tình báo. Câu chuyện của 24 cuộn phim Kodak hay làm mẫu ảnh cho sĩ quan Mỹ để lập sơ đồ và nhiều khoảnh khắc đi trên dây như thế cứ lừng lững đi qua cuộc đời của một tiểu thư khuê các, một tình báo cộng sản.

Sự tàn khốc của chiến tranh, đôi khi không thể lý giải. Cái sắc vóc đàn bà ấy lại “xăm xăm băng lối” đi thẳng vào tận hang ổ đối phương. Mỗi ngày như thế, trong suốt mười mấy năm ròng, có một nữ tình báo cộng sản vẫn ở cạnh, ăn cùng những tay tình báo sừng sỏ của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Có những lúc bị phía Mỹ nghi ngờ, thì các sĩ quan tình báo Cộng hòa lại “bảo chứng” cho rằng, nếu Mỹ Nhung mà là Việt cộng thì tất cả chúng ta đều là Việt cộng hết, các ông yên tâm!

Có ngày, Mỹ Nhung, như thường lệ, leo lên chiếc honda do “ông anh thứ Tư” (tức ông Nguyễn Văn Tàu, Trần Văn Quang, chỉ huy Cụm tình báo chiến lược A18 - H63, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) chở đến sở làm. Ngồi sau lưng ông, cô chép miệng: Nghĩ đời em cũng hay. Sáng thiếu tá Việt Cộng đưa đi, chiều thiếu tá Mỹ đưa về…

Tay thiếu tá rất có cảm tình với tiểu thư Mỹ Nhung xinh đẹp, thông minh, vẫn thỉnh thoảng xin phép đưa cô về. Chỉ cần có thế, chiếc xe jeep của một thiếu tá tình báo Mỹ đỗ ngay cửa là một sự “bảo kê” cho hộp thư liên lạc của Cụm tình báo A18 - H63 được đặt tại nhà cô, số 136B Gia Long (hiện là đường Lý Tự Trọng, Q.1), bảo vệ cho sự an toàn của thiếu tá tình báo Việt cộng Tư Cang đang trú ẩn trước tai mắt, sự lùng soát của cảnh sát và mật vụ.

Thậm chí, ngay trên chiếc xe jeep ấy, có một buổi trưa, thiếu tá Mỹ đích thân chở Mỹ Nhung ghé nhà ăn cơm. Bữa cơm trưa kéo dài 20 phút, đủ thời gian để từ trên gác, ông thiếu tá Việt cộng sao chụp 20 trang tài liệu tuyệt mật do Mỹ Nhung lấy được từ sở chỉ huy tình báo Mỹ.

Tìm cách tiếp cận tài liệu, đọc và ghi nhớ bằng mắt, bằng trí nhớ, chuyển về cho chỉ huy. Chưa hết, để đảm bảo độ tin cậy tuyệt đối, có những tài liệu, Mỹ Nhung phải tìm cho được nguyên bản theo yêu cầu của cấp trên. Những đánh giá của đối phương trong từng giai đoạn về lực lượng cách mạng, những toan tính, âm mưu của địch về kế hoạch quân sự toàn miền, ý đồ triển khai các chiến dịch, kiểm soát của chúng đều nằm trong các tài liệu cơ mật ấy.

Trước giờ bước vào một cuộc thâm nhập mới, thường vị chỉ huy khích lệ: cô yên tâm, anh và cơ sở vẫn luôn ở sau lưng cô. Nhưng, ngay trong căn phòng cô vẫn đi về mỗi ngày ấy, cô lọt thỏm giữa tứ bề là kẻ thù, là tai mắt rình rập, chỉ cần một chút nghi ngờ, bị phát giác là “dẫn đi luôn từ cửa sau”. Cái còn lại, may mắn lắm là sự tiếc thương, chứng thực của đồng đội cho một sự hy sinh.

Nhưng Tám Thảo biết và hiểu rất rõ, cô chọn lựa con đường đó, lựa chọn cuộc chiến trực diện và đầy lẩn khuất ấy, chỉ vì mục đích sau cùng, vì lý tưởng vinh quang cao cả: phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.

Gần nửa thế kỷ sau ngày rút khỏi chiếc vỏ bọc “đi làm cho Mỹ”, được tổ chức đón vào căn cứ, hoạt động tại Cục Tình báo miền, năm 1970, Tám Thảo xác tín sự lựa chọn ấy: "Tôi chọn con đường tình báo để hoạt động cách mạng. Vinh quang lớn nhất là hoàn thành nhiệm vụ. Còn nghiệt ngã của nghề là phải biết chấp nhận hy sinh mà không được hỏi tại sao".

Vâng, thì tôi hay bao nhiêu người hậu thế sẽ chẳng hỏi vì sao bà và các đồng đội đã đi qua những thời khắc sống còn ấy, những trận chiến không tiếng súng, chỉ có nhịp đập của từng nơron thần kinh mà không gợn chút riêng tư, không màng đến sinh mệnh, chỉ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Nhưng nhiều thế hệ sau nữa sẽ còn phải day dứt vì trên bức tường nhà bà, vẫn thiếu một bảng đề danh xứng đáng, ít nhất không phải cho riêng bà mà vì chính sự thật lịch sử cần được gọi đúng tên, đúng việc, đúng với những gì hiện hữu...

Như đọc được cái tâm can nhập nhoạng ấy, bà cười nhẹ nhàng, khoát tay, im lặng.

Tôi ngước nhìn, mái tóc bà bạc trắng. Hình như có đám mây ngang qua bầu trời, mây thì trắng và trời vẫn cứ xanh…

Họ chưa từng được gọi tên Anh hùng

Phải bằng mọi giá tiếp cận và khai thác nguồn tin tình báo quân sự của địch thuộc các sư đoàn, trung đoàn đóng ở Bến Cát, An Lộc, Dầu Tiếng, Lộc Ninh… để quân giải phóng kịp thời đối phó, xây dựng kế hoạch tác chiến lâu dài. Mặt khác, phải thu gom cho bằng được, bằng đủ hai loại tân dược Streptomicine và Chroroquine để chữa trị vết thương nhiễm trùng, sốt rét rừng cho các chiến sĩ giải phóng ở miền Đông Nam bộ.

Trọng trách ấy, đặt lên vai một nữ chiến sĩ biệt động. Và từng bước chân trên “chiến trường thinh lặng” ấy, là cả một sự đánh đổi đày đọa, lẫn ê chề. Bà buộc phải gá thân làm vợ Mỹ, đóng vai nhân tình sĩ quan cao cấp để thực hiện nhiệm vụ được giao. Để rồi ngày chiến thắng, một đứa con trai không biết mặt cha, một đứa con gái lai Mỹ cùng cái ngoảnh mặt chối từ của gia đình, chòm xóm, người thân, bà tưởng như đã tắt đường trở về.

Cuối cùng, đồng đội cũng tìm được lại bà, giữa những chuyến trở về quê hương, nhưng phải gần 20 năm sau; rồi 40 năm sau ngày chiến thắng, bà đã được ghi nhận chiến công. Thế mà phút ngồi lại bên bà, tôi chỉ nghe tiếng lòng quặn thắt về những đồng đội ốm đau, nghèo khó; về sự trách móc không thôi của hai đứa con đã trưởng thành. Bà là nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Hộ, thuộc Biệt động Đội 90C/100F, Đoàn Biệt động Z32 Lữ đoàn 316.

Tôi đã đi và nằm lòng những con hẻm, này là bà Tám Thảo ở Phú Nhuận, bà Sáu Hộ ở Bình Thạnh hay theo chân cô Tư Tâm bên Khánh Hội, Q.4 ghé qua nhà cô Cẩm Tiên ở Cư xá Bắc Hải, Q.10, cô Sáu Tam ở Thạch Thị Thanh, Q.1… Ở mặt trận nào, hoạt động tình báo trong lòng địch hay đấu tranh công khai trong chốn ngục tù, hay bền gan bám trụ ở những vùng giáp ranh, thoắt ẩn thoắt hiện để bảo vệ từng tấc đất, từng nhà dân… sự ác liệt nào, hiểm nguy nào, can trường nào là hơn; hay tất cả đều chung một sự hy sinh. Bởi, đơn giản, đều cùng một lý tưởng, một mục đích.

Họ chẳng khác nào là những di chỉ sống để một khi được ngồi cạnh họ, bạn sẽ hiểu vì sao cuộc chiến vệ quốc đã đi đến cái đích chiến thắng. Và bạn, sẽ lại da diết rằng, dân tộc này không chỉ có một ngày 27 tháng 7 để tri ân; nếu trái đất có vần xoay, đêm trắng sẽ dành riêng cho tháng Bảy để trắng đêm đất nước nguyện cầu…

Ái Mỹ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/ngay-ve-cua-nu-diep-bao-chi-con-may-trang-ngang-troi-106121/