Ngày Tránh thai thế giới (26/9): Không có gì khủng khiếp như việc làm mẹ ngoài ý muốn

Trong các mối quan hệ của một con người, không có gì tra tấn người phụ nữ, biến họ thành nô lệ và cảm thấy khủng khiếp như việc làm mẹ ngoài ý muốn.

Ngày tránh thai thế giới có nguồn gốc từ đâu?

Ngày 26/9 được 11 tổ chức phi chính phủ và một số hiệp hội khoa học, y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe sinh sản tuyên bố là ‘Ngày tránh thai thế giới’ từ năm 2007.

Đây là thời điểm để tổ chức các hoạt động thúc đẩy hiểu biết của cộng đồng về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai.

Theo số liệu của WHO, hiện nay có 225 triệu phụ nữ trên toàn cầu có nhu cầu tránh thai, nhưng đang không sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả.

Nhân ngày Tránh thai thế giới 26/9/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn một bộ phim ngắn giới thiệu Bảo tàng về tránh thai và nạo phá thai để đăng trên website của tổ chức này.

Bộ phim ngắn này cung cấp tổng quan về nguồn gốc, phương pháp, các chuẩn mực xã hội, thái độ của các thể chế chính trị về kế hoạch hóa gia đình và giải thích tại sao các phương pháp ngừa thai an toàn là quan trọng.

Có những bài học quan trọng có thể học được từ lịch sử tránh thai bằng cách khám phá các nhu cầu cá nhân, sự lựa chọn và trách nhiệm của nam giới.

Trong bảo tàng, 2 căn phòng trưng bầy Tránh thai và Nạo phá thai được sắp xếp cạnh nhau. Và thông điệp từ sự sắp xếp đó thật rõ ràng.

Đó là thông điệp: Một khi con người đã có được những biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả, được quyết định số con và thời điểm sinh con theo đúng mong muốn của mình – thì những đau đớn, tổn thương và bi kịch do nạo phá thai sẽ không còn.

Những định kiến về phòng tránh thai, nạo phá thai hiện nay vẫn còn tồn tại, vì thế thông điệp từ các hiện vật trong bảo tàng này vẫn vô cùng giá trị.

Tiến sĩ Christian Fiala, Giám đốc của Bảo tàng đã nói về ý nghĩa nhân đạo cao cả của việc tránh thai an toàn bằng cách trích dẫn câu nói của nhà văn Mary Stopes nói về đề tài này: ‘Trong các mối quan hệ của một con người, không có gì tra tấn người phụ nữ, biến họ thành nô lệ và cảm thấy khủng khiếp như việc làm mẹ ngoài ý muốn’.

Bảo tàng về tránh thai và nạo phá thai

Bảo tàng khá nhỏ bé, chỉ gồm 3 phòng, 1 phòng tiếp đón và 2 phòng chia làm 2 nhánh trưng bầy: các biện pháp tránh thai và các biện pháp nạo, phá thai trong lịch sử nhân loại.

Phòng trưng bầy về các biện pháp tránh thai tại Bảo tàng

Áo là nước mà người dân có thái độ phản kháng mạnh mẽ với các biện pháp tránh thai nhất trong các nước Châu Âu, vì thế có thể dễ dàng hiểu vì sao Bảo tàng về tránh thai và nạo phá thai nhận được nhiều sự chỉ trích cũng như sự khen ngợi ngang nhau.

Tiến sĩ, Bác sĩ Christian Fiala, với chuyên môn về sản khoa và hiểu biết về lịch sử sâu sắc, đã sáng lập bảo tàng từ năm 2003 với mục đích rõ ràng là giáo dục du khách về sự cần thiết và thực tế tránh thai thông qua các hiện vật lịch sử.

Giữa thủ đô Vienna đông đúc khách du lịch, du khách có thể thấy bảo tàng tư nhân này khá nhỏ bé, khiêm tốn với chỉ 3 phòng chức năng.

Bảo tàng cung cấp một cái nhìn xuyên suốt về lịch sử các biện pháp tránh thai, từ các công thức của người Ai Cập cổ đại đến những biện pháp tránh thai hiện đại, các phương pháp có thể sẽ được sử dụng trong tương lai, dành cho cả nữ giới và nam giới.

Các biện pháp xét nghiệm trong thai kỳ cũng được giới thiệu theo tiến trình lịch sử: từ đoán biết theo tiếng gáy của con gà trống cho đến những xét nghiệm hiện đại nhất.

Bác sĩ Christian Fiala

Rất nhiều câu chuyện lịch sử, trích dẫn văn học, phiếu bầu của các nghị sĩ, … phản ánh các phương diện xã hội, nghệ thuật, chính trị của việc nạo phá thai cũng xuất hiện trong bảo tàng.

Du khách chắc chắn sẽ bị sốc nặng khi tận mắt nhìn thấy các biện pháp kiểm soát sinh sản của thời cổ đại: từ xà phòng, bọt biển, phích cắm, chất rửa được cho là ngăn ngừa thụ tinh, trong đó nhiều chất độc (không gây tử vong) được đưa vào cơ thể người phụ nữ.

Các loại bao cao su thời xưa làm từ bàng quang heo đến da cừu cũng được trưng bầy.

Phòng trưng bầy phá thai, đưa du khách đến với nhiều biện pháp giúp phụ nữ cổ xưa thoát khỏi việc có con ngoài ý muốn.

Những dụng cụ mang đầy tính bi kịch ở đây bao gồm: ghim, móc treo, chậu, các dụng cụ phẫu thuật thô sơ...

Trong khi tạo ra cảm giác sợ hãi, bảo tàng cũng cung cấp rất nhiều thông tin đủ để người xem cảm thấy hạnh phúc vì các biện pháp tránh thai an toàn mà chúng ta có ngày nay.

Phương Phương

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/ngay-tranh-thai-the-gioi-26-9-khong-co-gi-khung-khiep-nhu-viec-lam-me-ngoai-y-muon-d1404.html