Ngày thơ bớt rườm rà, hào nhoáng

Vào rằm Nguyên tiêu năm nay, Ngày thơ Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội với nhiều điểm mới lạ. Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - thành viên Ban tổ chức.

Thưa ông, chủ đề của Ngày thơ Việt Nam năm 2014 là gì và nó có ý nghĩa đặc biệt gì trong thời điểm hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

- Ngày thơ năm nay được tổ chức khác mọi năm ở chỗ cố gắng đi vào chiều sâu, bỏ bớt rườm rà, hào nhoáng, lấy trang nhã là chính. Chúng tôi cố gắng tạo ra một sự giao lưu đầm ấm và hài hòa giữa công chúng và các nhà thơ để mọi người thấy được đây là lễ hội chung cho tất cả: Lễ hội của các nhà thơ và của người yêu thơ. Đó chính là một thế giới tuyệt đẹp của thi ca.

Kịch bản sân thơ sẽ được diễn ra ở sân Thái Miếu do tôi và nhà báo Dương Dương Hảo dẫn chương trình. Chủ đề năm nay là “Mùa xuân đất nước”, mà cụ thể là Điện Biên Phủ (nhân kỷ niệm 60 năm) và Biển đảo (Trường Sa và Hoàng Sa). Đặc biệt là Hoàng Sa lần này sẽ được nhắc đến. Mong ước của chúng tôi là làm sao chuyển tải được năng lượng của thi ca, tinh thần của thi ca và sự nghiệp dựng nước và giữ nước của chúng ta hiện nay.

Trình diễn trên sân thơ trong Ngày thơ Việt Nam năm 2013.

Được biết sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi trong ngày thơ, ông có thể cho biết cụ thể?

- Năm nay ngoài lực lượng những nhà thơ chống Mỹ như Anh Ngọc, Vương Trọng, Vũ Duy Thông, Hoàng Trần Cương… Ban tổ chức mời thêm một số diễn giả mới thuộc đội ngũ trẻ hơn như nhà thơ Trần Quang Quý, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Thúy Quỳnh, Chu Thị Thơm, Lê Mạnh Tuấn. Như mọi năm, sẽ có tiết mục thả 50 câu thơ lên trời (được tuyển chọn từ 130 câu thơ). Ban tuyển chọn gồm các nhà thơ: Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Thế Oanh. Các câu thơ sẽ được tuyển chọn từ nhiều thời gian khác nhau cổ đại, hiện đại, và đương đại.

Ngoài ra tham gia vào lễ hội còn có các câu lạc bộ thơ Tràng An, Kinh Bắc, một số đoàn văn nghệ các tỉnh sẽ biểu diễn các điệu dân ca, hát then, quan họ… Sinh viên các trường đại học Đại Nam, Bách khoa, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng tham gia trong ngày lễ hội này. Đặc biệt sinh viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội sẽ thể hiện ca khúc “Hò kéo pháo”.

Với chủ để về “Điện Biên Phủ và biển đảo”, những bài thơ nào sẽ được tôn vinh trong lễ hội, thưa nhà thơ?

- Bài thơ đầu tiên sẽ được đọc là “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, sau đó nhà thơ Anh Ngọc sẽ đọc bài “Trời Điện Biên mây trắng”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với bài “Bất tử”, Trần Quang Quý với bài “Nhớ một chiều Tây Bắc”, Vương Trọng có bài “Đêm rượu Điện Biên”…

Thơ về biển đảo có bài “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc và “Thêm một lần Tổ quốc sinh ra” của Nguyễn Việt Chiến… Chúng tôi phải chọn những bài thơ có thể đọc được trước đông đảo công chúng (vì có bài thơ xem thì thấy hay nhưng đọc trước đám đông thì chưa chắc đã hay). Rồi nhà thơ cũng phải là người có giọng tốt, truyền cảm trước công chúng…

Điểm nhấn đặc biệt của lễ hội thơ năm này là gì, thưa nhà thơ?

- Năm nay sẽ có một cuộc giao lưu giữa công chúng với 5 văn nghệ sĩ từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ, lúc đó họ còn là chiến sĩ rất trẻ và đã có những sáng tác về Điện Biên. Đó là nhà văn Chu Phác, Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương, nhà thơ Lê Kim, nhạc sĩ Hoàng Vân, đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc. Chúng ta hy vọng là sẽ được nghe họ kể những kỷ niệm đầy gian khổ nhưng thú vị về những năm tháng không thể quên ở Điện Biên Phủ.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Việt (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/ngay-tho-bot-ruom-ra-hao-nhoang/2014021210470839p1c30.htm