Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3: Ý nghĩa nhân văn cao cả

Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 100 tuổi tròn năm nay, phụ nữ Việt Nam còn hân hoan cùng nhân dân cả nước vui mừng kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại giặc đô hộ nhà Hán.

Tranh dân gian Đông Hồ về Hai Bà Trưng

Vào dịp 8-3, ngày Quốc tế Phụ nữ, nhiều người Việt Nam thường nói vui câu cửa miệng: “chúc mừng ngày chị em vùng lên”. Câu nói vui này đúng theo nghĩa đen, tức là sự kiện lịch sử xảy ra đúng như vậy. Ngược dòng lịch sử, nhân kỷ niệm 100 năm tròn ngày 8-3 được chọn là ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng ta cùng nhớ lại xuất xứ của sự kiện nổi tiến toàn cầu này.

Ngày 8-3-1899, trên hai thành phố lớn của nước Mỹ là Chicago và TP. New York đã nổ ra cuộc đấu tranh lớn của nữ công nhân ngành dệt may đòi tăng lương, giảm giờ làm (cụ thể: đòi giảm giờ làm xuống còn 8 giờ; Công việc ngang với nam giới, tiền lương ngang nhau; Bảo vệ bà mẹ và trẻ em). Nguyên nhân xuất phát từ việc chủ nghĩa Tư Bản phát triển vượt bậc, công nghệ đổi mới, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ và trẻ em bắt làm nhiều giờ và trả lương rẻ mạt. Đời sống công nhân nữ và trẻ em rất cực khổ. Bất bình trước bất công tàn bạo này, ngày 8-3-1899, chị em công nhân đã đồng lòng đứng lên biểu tình. Những chủ tư bản đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy những chị em “cầm đầu” nhưng với tinh thần đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, cuối cùng giới chủ tư sản phải “xuống nước” điều đình. Mười năm sau, vào tháng 2-1909, trên đà thắng lợi này, phụ nữ, nữ công nhân Mỹ lần đầu tiên đã tổ chức mít tinh, biểu tình rầm rộ nhân “ngày phụ nữ” đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại NewYork đã có 3000 phụ nữ dự cuộc họp phản đối chính phủ không công nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Phong trào đấu tranh của phụ nữ, nữ công nhân Mỹ đã lan rộng sang châu Âu và thế giới. Điển hình trong phong trào đấu tranh thời điểm này là hai nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc. Đó là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Đức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Cơ-rúp-xcai-a (vợ lãnh tụ Lê Nin) vận động thành lập Ban Thư ký Quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào. Khi phong trào phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng, ngày 26 và 27-8-1910, tại đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới tổ chức tại Cô pen ha gen (thủ đô Đan Mạch), 100 nữ đại biểu của 17 quốc gia đã quyết định lấy ngày 8-3 là ngày Quốc tế Phụ nữ với mục đích cao cả: Đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng

Từ mục đích ban đầu, qua thời gian phát triển, phong trào đấu tranh về quyền phụ nữ không chỉ dừng lại ở “quyền bình đẳng” mà được mở rộng thêm khái niệm mới “phát triển”, “Giới”. Nhiều vấn đề về phụ nữ đã được nhiều quốc gia trên thế giới nhìn nhận, đánh giá tương đối đầy đủ trên nhiều khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới.

Ngày 4-10-1997, Chính phủ nước ta đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Việt Nam tích cực hưởng ứng và tham gia ngày Quốc tế Phụ nữ vì những lý do rất hiển nhiên và có căn nguyên sâu xa từ trong lịch sử. Ngay từ năm Canh Tý (năm 40 sau công nguyên), cách nay 1970 năm, Hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã đứng lên khởi nghĩa chống lại sự đô hộ hà khắc của nhà Hán. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc một cách toàn diện và rộng khắp. Đây cũng là cuộc khởi nghĩa duy nhất do phụ nữ lãnh đạo trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lập nên một vương triều độc lập, thống nhất, tự chủ. Cuộc khởi nghĩa đã chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất dài tới 246 năm (207 TCN - 39 CN).

Nguyễn Đức Khách

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=9167&menu=1409&style=1