Ngày này cách đây 35 năm: Bắt đầu “Chiến dịch Hồ Chí Minh”

KTĐT - Ngày 1/4/1975 chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" với tốc độ "một ngày bằng 20 năm". Ngày 14/4/1975 Bộ chính trị phê chuẩn đề nghị của bộ chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là "Chiến dịch Hồ Chí Minh", phương án chiến dịch được thông qua lần cuối. Ta huy động vào chiến dịch này một lực lượng lớn hơn bất cứ chiến dịch nào trước đây, bao gồm cả lực lượng vũ trang và chính trị.

Bộ Chính trị điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi… Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc thắng nhất để giành thắng lợi hoàn toàn”. 17 giờ ngày 26/4/1975 cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, các mục tiêu tấn công ngập chìm trong bão lửa. Mỹ vội vàng mở chiến dịch "người liều mạng" để di tản. Các tướng tá quân đội Sài Gòn từ các sư đoàn bị đánh tơi tả, kẻ bị bắt, kẻ đầu hàng, kẻ tự sát, kẻ cởi quân phục lẩn trốn vào đám tàn quân. Tổng thống ngụy muốn xin "bàn giao chính quyền", các đại diện Mỹ, Pháp tìm kế hoãn binh... Nhưng tất cả đã không thể ngăn cản được sức tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng trong "trận đánh cuối cùng" để kết thúc chiến tranh 30 năm. Năm Quân đoàn chủ lực hùng mạnh phối hợp nhịp nhàng cùng lực lượng 3 thứ quân tại chỗ và sức mạnh nổi dậy của quần chúng trên tất cả các hướng chiến dịch đều hừng hực khí thế xung trận, quyết chiến quyết thắng. Ở hướng Đông, Quân đoàn 4 đánh chiếm Chi khu quân sự Trảng Bom. Quân đoàn 2 đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành, Trường sĩ quan thiết giáp ngụy ở căn cứ Nước Trong…, phát triển theo hướng Biên Hòa, Nhơn Trạch. Đặc công, biệt động Miền thọc sâu đánh chiếm và giữ các cầu trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, bảo đảm cho đại quân tiến vào Sài Gòn. Lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh chiếm phía Nam Bà Rịa, phát triển theo hướng thành phố Vũng Tàu. Bộ đội địa phương, dân quân du kích Bà Rịa đánh chiếm các đồn bót, quận lỵ, chi khu giải phóng phần lớn tỉnh. Pháo binh tầm xa của ta ở Hiếu Liêm đánh tê liệt sân bay Biên Hòa, buộc địch phải di tản máy bay về Tân Sơn Nhất. Ở hướng Tây Nam, lực lượng của Quân khu 8 cắt đường số 4 (nay là quốc lộ 1B), hai trung đoàn chủ lực của Quân khu tiến nhanh vào phía Nam quận 8 Sài Gòn. Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn), sử dụng một sư đoàn mở đầu cầu trên sông Vàm Cỏ Đông ở An Ninh, Lộc Giang cho sư đoàn 9 binh khí kỹ thuật vượt sông hướng vào nội đô. Ở hướng Bắc, Quân đoàn 1 thọc sâu tiến công quân địch đứng chân phía Bắc Thủ Dầu Một. Ở hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 tiến công cắt đứt đường số 1 và 22, chặn các trung đoàn của sư đoàn 25 ngụy từ Tây Ninh về căn cứ Đồng Dù. Trung đoàn Gia Định đánh chiếm làm chủ con đường vành đai Sài Gòn từ cầu Bình Phước đến Quán Tre, mở cửa phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị cho các binh đoàn chủ lực tiến công. Tính từ chiều 26/4 đến ngày 28/4 ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài và siết chặt vòng vây chung quanh Sài Gòn. BTV

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=16&newsid=214523