Ngày mai (8.11) bầu cử Tổng thống: Nước Mỹ chia rẽ trước giờ G

Chưa đầy 48 giờ tới (theo giờ Việt Nam), nước Mỹ sẽ chính thức gọi tên tân tổng thống. Kịch tính, bất ngờ là những yếu tố đặc trưng của cuộc bầu cử Mỹ, nhưng dù là Hillary Clinton hay Donal Trump làm Tổng thống thì vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy thời khắc chuyển ngoặt của Mỹ vẫn chưa đến.

Vũ khí đã cũ

Tính đến sáng ngày 7.11, hơn 33 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu bầu chọn tổng thống và con số này giúp những nhà phân tích đoán biết được ứng cử viên nào có thể đang có lợi thế trong cuộc đua ngày càng sít sao. Con số này có nghĩa là khoảng ¼ tổng số phiếu bầu đã được cử tri đi bỏ, ngay cả khi hai ứng cử viên và những người ủng hộ có tiếng của họ tỏa ra khắp nước để tranh thủ vận động trong những giờ phút cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức là ngày mai.

Những nhà phân tích chính trị nhận định rằng sự gia tăng số cử tri đi bỏ phiếu sớm ở các bang Colorado, Nevada và Virginia có lợi cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Tại những nơi này Đảng Dân chủ có nhiều nhân viên vận động tranh cử trên thực địa hơn để thúc giục cử tri tiềm năng đi tới phòng phiếu. Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy bà Clinton gặp trở ngại ở những nơi khác thuộc vùng trung tâm của đất nước, bao gồm bang Ohio, nơi mà số người đi bỏ phiếu sớm ít hơn so với cuộc bầu cử tổng thống 4 năm trước.

Ngày mai (8.11), sau khi bỏ phiếu, người Mỹ sẽ biết ai là tân Tổng thống. Ảnh: AP

Những kỷ lục
Cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử có số cử tri đăng ký vượt trên 200 triệu người. Lần đầu tiên trong lịch sử phụ nữ trở thành ứng cử viên tổng thống của một đảng lớn. Lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua có người chưa từng làm trong chính phủ và không có kinh nghiệm bầu cử trở thành ứng cử viên của một đảng lớn. Horwitt - một chuyên gia thăm dò dư luận Mỹ nhận xét: “Dù ai trúng cử cũng đều sẽ là tổng thống không được hoan nghênh nhất trong lịch sử thăm dò dư luận kể từ thập niên 30 của thế kỷ trước”.

Cuộc bầu cử năm nay vẫn còn có một sự chia rẽ và đối lập khiến người ta phải suy nghĩ, đó chính là sự “đối lập” giữa truyền thông truyền thống và truyền thông xã hội. Nếu nói báo giấy truyền thống dường như ủng hộ và nghiêng hẳn về phía Hillary, thì Donald Trump lại là con cưng của truyền thông xã hội, năng lượng và sự nhiệt tình truyền bá phiến diện và phóng đại tiếng tăm của ông trên các trang mạng Internet của những người ủng hộ ông khiến người ta kinh ngạc, việc truyền bá này làm nổi bật sự sụt giảm sức ảnh hưởng của báo giấy truyền thống.

Nhưng điều hình thành so sánh rõ rệt với báo chí truyền thống là trên các trang mạng Internet, trang mạng xã hội, những người ủng hộ Donald Trump gây ấn tượng cho mọi người với giọng điệu, âm lượng và mức độ sôi nổi mà những người ủng hộ Hillary khó có thể theo kịp. Điều này đã bộc lộ sự chia rẽ và đối lập trong nội bộ xã hội nước Mỹ ở nhiều phương diện, nhiều khía cạnh.

Chiến dịch tranh cử bôi nhọ lẫn nhau diễn ra ngày càng kịch liệt, khiến hình ảnh tiêu cực của họ tiếp tục được củng cố, tâm lý “vì phản đối mà ủng hộ” của các cử tri ngày một nặng nề, tình trạng đối lập giữa hai bên trở nên trầm trọng. Về việc Donald Trump lật đổ “tính đúng đắn chính trị” và từ đó ông nhận được nhiều tiếng vỗ tay còn phản ánh tình trạng mâu thuẫn sắc tộc và tâm lý phân biệt giới tính sâu sắc bên trong xã hội Mỹ.

Sự công kích của Trump đối với Hillary, đặc biệt là vấn đề “tinh thần và sức khỏe”, bị chỉ trích là kỳ thị giới tính. Và những phát ngôn về kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giới tính của Trump cũng trở thành mục tiêu trọng điểm để Đảng Dân chủ công kích.

Nước Mỹ chưa chuyển mình

Các cuộc thăm dò tung ra trước giờ G đều cho thấy ứng viên Hillary đang dẫn điểm trước Donalf Trump. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận dù có chuyên nghiệp đến đâu cũng không thể phản ánh chính xác 100% ý dân, các cuộc thăm dò dư luận chuyên nghiệp của Mỹ cũng có tỷ lệ sai sót, từng dẫn dắt truyền thông phạm phải sai lầm lớn khiến Dewey đánh bại Truman, nhưng có một điểm có thể khẳng định, kết quả của các cuộc thăm dò dư luận chuyên nghiệp có phần chân thực và cũng khó gian lận hơn so với bình chọn trực tuyến trên mạng.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 là cuộc bầu cử tổng thống thứ 58 diễn ra 4 năm 1 lần trong lịch sử nước Mỹ, điều này có nghĩa là cơ chế bầu cử của Mỹ từ định hình cơ bản đến nay đã hơn 230 năm, tính liên tục của nó vượt qua cả Pháp và Đức, chỉ đứng sau Anh.

Nếu ngược dòng quá khứ các vụ kinh điển trong bầu cử Mỹ, những ồn ào và hỗn loạn trong cuộc bầu cử này vẫn chưa phải là “nhất”, thắng thua trong bầu cử tuy sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hướng đi của nước Mỹ cũng như quan hệ của Mỹ với thế giới.

Trong cuộc bầu cử này, tranh cãi về nước Mỹ thịnh vượng hay suy thoái ở một mức độ nhất định là sự tuyên truyền tranh cử giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập, Đảng Cộng hòa tuy đứng trước việc thống nhất trong nội bộ đảng, nhưng thể chế chính trị hai đảng của Mỹ dự kiến sẽ không xảy ra biến động cơ bản nào. Nhiều dấu hiệu cho thấy thời khắc chuyển ngoặt của Mỹ vẫn chưa tới.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/ngay-mai-811-bau-cu-tong-thong-nuoc-my-chia-re-truoc-gio-g-721044.html